|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điểm nhấn kinh tế thế giới 2019: Thương chiến Mỹ - Trung dẫn dắt biến động toàn cầu

18:25 | 31/12/2019
Chia sẻ
Ngoài chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hàng loạt sự kiện trải dài từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á như khủng hoảng thịt heo của Trung Quốc, Fed lần đầu hạ lãi suất sau hơn 10 năm hay giá dầu tăng sốc sau vụ tấn công ở Arab Saudi ... đã thu hút sự chú ý của thế giới trong năm 2019.

1. Quan hệ Mỹ - Trung: Ngọn lửa thương chiến rừng rực dần lắng dịu vào cuối năm

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giữ vai trò dẫn dắt mặt trận kinh tế trong năm 2019 khi đưa thế giới đi qua không ít địa chấn. Thương chiến leo thang mạnh mẽ sau khi đàm phán sụp đổ vào tháng 5, tháng 7 và tháng 10.

Đã có lúc Tổng thống Donald Trump đăng tweet gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là kẻ thù và yêu cầu doanh nghiệp Mỹ ngay lập tức rời khỏi Trung Quốc và tìm địa điểm kinh doanh khác, có thể là quay về Mỹ.

Hiện có khoảng 550 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bị Washington đánh thuế và khoảng 185 tỉ USD hàng hóa Mỹ chịu thuế quan trả đũa của Bắc Kinh.

Thương chiến đè nặng lên hoạt động đầu tư trên toàn thế giới. IMF dự báo cuộc chiến thuế quan giữa hai nước có thể khiến GDP toàn cầu năm 2020 giảm 0,5%, tương đương 455 tỉ USD.

Điểm nhấn kinh tế năm 2019: Thương chiến Mỹ - Trung dẫn dắt, hàng loạt biến động khác theo sau - Ảnh 1.

Nguồn: Asian Investor

Tranh chấp còn lan sang lĩnh vực công nghệ khi Mỹ liệt Huawei Technologies và hàng loạt hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Hikvision, Zhejiang Dahua, SenseTime, ... vào danh sách đen thương mại.

Việc ông Trump kí ban hành hai đạo luật có nội dung ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong và Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật về người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương cũng khiến thỏa thuận thêm xa tầm với.

Tuy nhiên, vào ngày 13/12 - hai ngày trước hạn chót thuế quan mới, Mỹ - Trung bất ngờ nhất trí về thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Dù vậy, khi nào thỏa thuận mới được kí kết và liệu hai nước có tuân thủ các điều khoản hay không vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Hơn nữa, thời điểm vòng đàm phán mới cho thỏa thuận giai đoạn hai cũng chưa được ấn định khi chính quyền ông Trump và Bắc Kinh phát đi những tín hiệu trái ngược nhau.

Dưới tác động của thương chiến, Việt Nam nổi lên là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng di cư của doanh nghiệp. Nhiều công ty nước ngoài như hai nhà cung ứng chính của Apple là GoerTek và Foxconn đều đã chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế quan.

Tính đến ngày 20/12, vốn FDI rót vào Việt Nam trong năm 2019 đạt 38 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kì năm 2018 và cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.

2. Chiến tranh thương mại lan rộng ở châu Á, châu Âu

Ngoài Trung Quốc, chính quyền ông Trump còn leo thang tranh chấp với Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản trong năm nay.

Mỹ và EU vốn có mối quan hệ không tốt đẹp vì các cáo buộc trợ cấp cho hai hãng chế tạo máy bay Boeing và Airbus. Năm 2018, tranh chấp bùng phát khi hai bên lần lượt áp thuế lên hàng hóa của nhau.

Ngày 18/10 năm nay, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chấp thuận cho Mỹ đánh thuế lên 7,5 tỉ USD hàng hóa EU. Khối kinh tế 28 nước EU sau đó tuyên bố sẽ đáp trả, khiến mối quan hệ song phương thêm căng thẳng. Cuộc chiến thương mại Mỹ - EU được cho là có thể diễn ra trên qui mô rộng hơn và gây thiệt hại lớn hơn cả thương chiến Mỹ - Trung.

Nhật Bản cũng là nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Do đó dưới thời ông Trump, mối quan hệ Mỹ - Nhật trải qua không ít sóng gió.

Nhằm giảm thâm hụt, ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế lên ô tô - lĩnh vực nòng cốt của nền kinh tế Nhật Bản để buộc Tokyo tăng mua thịt bò, thịt heo, lúa mì và một số nông sản khác của Mỹ. Tuy nhiên, tranh chấp thương mại Mỹ - Nhật đã dịu lại sau khi hai nguyên thủ quốc gia kí thỏa thuận thương mại song phương vào ngày 25/9.

Ngay tại châu Á, tranh chấp thương mại Nhật - Hàn cũng gây ra những bất ổn, đặc biệt là ở lĩnh vực chế tạo công nghệ.

Vốn có nhiều bất đồng từ thời kì Thế chiến thứ 2, mối quan hệ Nhật - Hàn đột ngột thêm căng thẳng sau khi Tokyo công bố các lệnh hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn quan trọng cho ngành chế tạo chip Hàn Quốc hồi tháng 7.

Chính quyền Seoul đã phải cân nhắc các biện pháp trả đũa, khiến các hãng sản xuất chip lớn như Samsung, SK Hynix,... đối mặt với khó khăn về nguồn cung tạm thời.

Hai nước cũng loại nước kia khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại đáng tin cậy. Phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản tại Hàn Quốc cũng diễn ra, gây ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu Nhật Bản như Toyota, Nissan, Honda,...

3. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong gần 3 thập kỉ

Đối mặt với áp lực cả trong và ngoài nước, đặc biệt là cuộc thương chiến với Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,2% trong quí II và 6% trong quí III - mức thấp nhất kể từ khi có số liệu thống kê 27 năm trước.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được cho là vẫn đang trên đà giảm tốc và có thể chỉ tăng trưởng 6% trong năm tới.

Nhiều chuyên gia nhận định Bắc Kinh cần phải tung thêm nhiều biện pháp kích thích kinh tế để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách nước này chỉ có thể thực hiện kích thích một cách hạn chế vì lo ngại khối nợ vốn đã lớn có thể tiếp tục phình to.

4. Cơn khát thịt heo từ Trung Quốc lan sang Việt Nam

Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả heo châu Phi (ASF), Rabobank ước tính Trung Quốc có thể đã thiệt hại hơn 200 triệu con heo. Giá thịt heo ở nước này hiện tăng gần 70% so với cùng kì năm ngoái, từ đó đẩy lạm phát liên tục lên cao trong các tháng gần đây. 

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần xả kho đến hàng chục nghìn tấn thịt heo từ chương trình dự trữ chiến lược quốc gia, cơn sốt giá vẫn không dừng lại.

Điểm nhấn kinh tế năm 2019: Thương chiến Mỹ - Trung dẫn dắt, hàng loạt biến động khác theo sau - Ảnh 2.

Thịt heo trở thành xa xỉ phẩm đối với người dân Trung Quốc. (Ảnh: South China Morning Post)

Người dân Trung Quốc phải chuyển sang sử dụng các loại thịt khác như bò, gà vịt,... vô tình khiến giá của nhóm thực phẩm này cũng tăng cao.

Người dân phải oằn mình chống chọi với cơn khát thịt heo. Ngân hàng còn sử dụng thịt heo để thu hút khách gửi tiền, nông dân nuôi giống heo khổng lồ to như gấu Bắc cực,.... Thịt heo từ đó trở thành một loại xa xỉ phẩm trong đời sống của người tiêu dùng tại đất nước tỉ dân.

Dù hai nước đang đối đầu trong cuộc chiến tranh thương mại, Trung Quốc vẫn phải tăng cường nhập khẩu thịt heo từ Mỹ để bù đắp thiếu hụt trong nước.

Việt Nam cũng không thoát khỏi vòng xoáy "thịt heo khan hiếm - giá thịt tăng cao" do đàn heo của Việt Nam đã giảm 27% trong năm nay vì dịch ASF. Người dân quay cuồng vì giá thịt heo tăng chóng mặt, kéo theo giá nhiều mặt hàng khác đi lên.

Nhiều người Việt Nam đang lo lắng về một cái Tết mà bánh chưng thiếu thịt heo, không có nồi thịt kho tàu thân thuộc. Chính phủ đang ra sức bình ổn giá và tuyên bố xử lí nghiêm trường hợp phao tin để trục lợi từ thịt heo.

5. Hong Kong: Biểu tình kéo dài, kinh tế suy thoái

Cuối tháng 10, Hong Kong tuyên bố nền kinh tế đặc khu này đã bước vào suy thoái sau hai quí liên tiếp tăng trưởng âm. Cụ thể, GDP của Hong Kong giảm lần lượt 0,5% và 3,2% trong quí II và quí III/2019.

Vốn đã chịu tác động từ thương chiến Mỹ - Trung, nền kinh tế Hong Kong còn đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có khi phong trào biểu tình đã kéo dài hơn 6 tháng, khiến lượng khách du lịch giảm mạnh, hoạt động bán lẻ và xuất khẩu đình trệ.

Điểm nhấn kinh tế năm 2019: Thương chiến Mỹ - Trung dẫn dắt, hàng loạt biến động khác theo sau - Ảnh 3.

Phong trào biểu tình kéo dài khiến kinh tế Hong Kong rơi vào suy thoái. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong không chỉ tác động tới kinh tế của thành phố này mà còn ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Trung. 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kí ban hành hai đạo luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong hồi cuối tháng 11 bất chấp cảnh báo và phản đối dữ dội của Trung Quốc đã khiến quan hệ hai nước thêm căng thẳng, đe dọa triển vọng đạt thỏa thuận thương mại.

6. Hai cơ sở lọc dầu của Arab Saudi bị tấn công, giá dầu tăng phi mã

Ngày 14/9, hai cơ sở lọc dầu của Arab Saudi bị tấn công bằng máy bay không người lái, khiến nguồn cung toàn cầu tạm thời sụt giảm 5%. Sự việc này góp phần kéo giá dầu Brent tăng phi mã hơn 19% và dầu WTI tăng hơn 15% trong phiên giao dịch ngày 16/9.

Điểm nhấn kinh tế năm 2019: Thương chiến Mỹ - Trung dẫn dắt, hàng loạt biến động khác theo sau - Ảnh 4.

Ảnh vệ tinh cho thấy thiệt hại tại mỏ dầu Abqaiq sau vụ tấn công. (Ảnh: Getty Images)

Giá dầu tăng giúp chính phủ và doanh nghiệp ở các nước xuất khẩu mặt hàng này có thêm nguồn thu. Tuy nhiên, các nước tiêu thụ sẽ phải đối mặt với nguy cơ lạm phát tăng cao và nhu cầu giảm, đặc biệt là ngay tại thời điểm kinh tế toàn cầu đang giảm tốc vì thương chiến.

Sự việc còn khiến thế giới phải chú tâm hơn đến biện pháp ứng phó với các mối đe dọa an ninh dầu mỏ và nguy cơ thiếu nguồn cung trong tương lai.

7. Fed lần đầu hạ lãi suất sau hơn 10 năm

Chiều ngày 31/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm % xuống phạm vi mục tiêu 2 - 2,25%.

Đây là lần đầu tiên Fed hạ lãi suất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra. Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tuyên bố: "Trước những tác động của triển vọng kinh tế toàn cầu và áp lực lạm phát, Fed đã quyết định hạ lãi suất".

Sau đó, Fed còn hạ lãi suất thêm hai lần nữa vào tháng 9 và tháng 10. Tuy nhiên, vào cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2019, Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu sẽ không thực hiện thay đổi nào trong năm tới.

Sau khi Fed nới lỏng chính sách, hàng loạt ngân hàng trung ương khác ở Indonesia, Brazil, Nhật Bản, ... cũng thực hiện động thái tương tự nhằm giảm áp lực của thương chiến Mỹ - Trung và kinh tế toàn cầu chững lại.

8. Năm lao đao của các doanh nghiệp đầu đàn cũng như kì lân khởi nghiệp

2019 là năm nhiều biến động đối với nhiều doanh nghiệp, từ các ông lớn như Boeing, General Motors (GM),...đến kì lân khởi nghiệp như WeWork, Uber, Lyft,...

Sau hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc liên quan đến chiếc 737 MAX trong chưa đầy 6 tháng, Boeing rơi vào khủng hoảng khi dòng máy bay bán chạy nhất bị cấm bay, đến nay đã hơn 9 tháng. Hồi tháng 7, Boeing ước tính tổng thiệt hại do lệnh cấm bay của dòng 737 MAX sẽ lên tới 8 tỉ USD.

Lệnh cấm bay với 737 MAX không chỉ tác động tiêu cực đến lợi nhuận và doanh thu của Boeing mà còn ảnh hưởng tới nhà cung ứng linh kiện, các hãng hàng không và quân đội Mỹ.

Đại gia xe hơi lâu đời General Motors cũng lâm vào khủng hoảng sau nhiều cuộc đình công trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô toàn cầu u ám. Đến tháng 10, GM ước tính thiệt hại do đình công đã chạm ngưỡng 1 tỉ USD.

Điểm nhấn kinh tế năm 2019: Thương chiến Mỹ - Trung dẫn dắt, hàng loạt biến động khác theo sau - Ảnh 5.

Bê bối của "kì lân gãy sừng" WeWork gây chú ý lớn trong năm nay. (Ảnh: New York Times)

Nhiều tập đoàn công nghệ bị phạt nặng. Tháng 7/2019, Facebook đã phải đồng ý nộp phạt 5 tỉ USD để dàn xếp cáo buộc của chính phủ Mỹ liên quan đến sự cố rò rỉ dữ liệu người dùng năm 2018.

Hồi tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu (EC) đã phạt Google 1,69 tỉ USD vì cạnh tranh không lành mạnh khi chặn quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của các đối tác.

Cùng lúc đó, các kì lân tỉ đô như Uber, Lyft và Slack đều chật vật trong việc tạo ra lợi nhuận. Trong quí III, riêng Uber đã lỗ 1,1 tỉ USD. Thê thảm nhất phải kể đến "kì lân gãy sừng" WeWork - đứa con cưng của SoftBank.

Từng được định giá 47 tỉ USD, WeWork lao dốc sau khi loạt bê bối bị phanh phui, khiến định giá tụt xuống còn 5 tỉ USD và CEO Adam Neumann phải từ chức. Để giải cứu WeWork, SoftBank đã đồng ý rót thêm 9,5 tỉ USD tuy nhiên số phận của WeWork chưa rõ sẽ đi về đâu.

9. Nước Anh trong sóng gió Brexit

Brexit không chỉ khiến giới chức tại Anh và EU đau đầu, mà còn đẩy kinh tế Anh vào thế khó. Cựu Thủ tướng Anh Theresa May phải mất 18 tháng đàm phán với EU để đạt được thỏa thuận rút lui nhưng thỏa thuận lại ba lần bị Quốc hội Anh bác bỏ.

IMF ước tính kịch bản "Brexit không thỏa thuận" sẽ tác động tiêu cực vào GDP thực tế của nước Anh liên tục từ nay cho đến năm 2021. GDP thực tế năm 2021 được dự báo sẽ thấp hơn 3,5% so với GDP trong kịch bản "Brexit có thỏa thuận".

Sau nhiều nỗ lực bất thành để thúc đẩy tiến trình Brexit, bà May hôm 24/5 đã tuyên bố từ chức Thủ tướng kể từ ngày 7/6.

Ngoại trưởng Boris Johnson được bổ nhiệm làm Thủ tướng và thay bà May dẫn dắt tiến trình Brexit. Ông Johnson cũng phải vật lộn trong sóng gió Brexit với nhiều nỗ lực đàm phán với EU và thuyết phục Quốc hội Anh.

Đảng Bảo thủ của ông Johnson không chiếm đa số ở Quốc hội và do vậy phương án Brexit của ông đã không được thông qua. Để tháo gỡ nút thắt, ông đề nghị bầu cử quốc hội sớm.

Kết quả, Đảng Bảo thủ của ông Johnson giành chiến thắng áp đảo trước Đảng Lao động đối lập, củng cố triển vọng Anh chính thức rời khỏi EU vào ngày 31/1/2020.

Yên Khê