Chiến tranh thương mại Mỹ - EU sẽ còn 'thảm khốc' hơn cuộc chiến Mỹ - Trung Quốc?
Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào các chính sách thuế quan chống lại Trung Quốc nhưng cũng không quên thỉnh thoảng "đá xoáy" nhằm vào Liên minh châu Âu.
Tháng 11 tới đây, chính quyền của ông sẽ phải ra quyết định về việc có hay không áp thuế lên ô tô - một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất của châu Âu.
Mỹ đã áp thuế lên sản phẩm thép và nhôm của châu Âu khiến khối này trả đũa bằng cách đánh thuế 25% với 2,8 tỉ USD hàng hóa của Mỹ kể từ tháng 6/2018. Hiện hai bên còn đang tranh chấp liên quan tới vấn đề trợ cấp cho hai tập đoàn sản xuất máy bay Airbus và Boeing.
Theo CNBC, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến thương mại của Mỹ với châu Âu sẽ còn gây ra thiệt hại nặng nề hơn căng thẳng hiện nay với Trung Quốc.
"Quan hệ thương mại Mỹ - EU có ý nghĩa quan trọng nhất và giá trị lớn nhất trên thế giới", ông Florian Hense – nhà kinh tế học của Berenberg nhận định.
"Tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị quan hệ thương mại Mỹ - EU năm 2018 cao hơn Mỹ - Trung Quốc trên 70%", ông nói thêm.
Theo số liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, năm 2018 Mỹ nhập khẩu 683,9 tỉ USD từ EU trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc là 557,9 tỉ USD. Đối với xuất khẩu, giá trị hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ sang EU là 574,5 tỉ USD còn sang Trung Quốc chỉ là 179,2 tỉ USD.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ năm 2018. Nguồn: CNBC/Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Ông Hense nói: "Năm 2018, Mỹ xuất khẩu sang EU nhiều gấp hơn 3 lần sang Trung Quốc", cũng vì vậy mà khối này có thể mạnh tay trả đũa Mỹ nếu bị tấn công.
Về phần mình, Cao ủy viên Thương mại của EU - bà Cecilia Malmstrom cho biết khối này không muốn phải đánh thuế nhưng nếu Mỹ ra tay trước, EU sẽ buộc phải đáp trả.
"Từ nhiều năm qua chúng tôi đã cùng với các đối tác từ phía Mỹ song hành phát triển các qui tắc thương mại quốc tế. Nếu những qui tắc này bị vi phạm, chúng tôi phải đáp trả thích đáng", bà Malmstrom nói vào tháng 6/2018.
Từ đó đến nay, cứ khi nào phía Mỹ đe dọa tăng cường áp thuế, cơ quan Liên minh Châu Âu tại Brussels lại lập ra một danh sách hàng hóa mới cho thấy khối này có thể đánh thuế trả đũa.
Kinh tế Mỹ và EU đều đang chật vật
Cả Mỹ và EU hiện đều không có khả năng chịu đựng một cuộc chiến thương mại. Trao đổi với CNBC, ông Fredrik Erixon – Giám đốc tổ chức nghiên cứu ECIPE nói: "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu tác động lên toàn bộ nền kinh tế, tuy nhiên tác động này được cân bằng bởi môi trường kinh tế lành mạnh.
Tuy nhiên nếu Mỹ và EU tăng thuế mạnh lên hàng hóa của nhau, tình hình sẽ khác hẳn. Cả hai bên đang tăng trưởng chậm lại và tác động của thuế quan sẽ rất lớn".
Giá trị kim ngạch thương mại so với GDP hàng năm của Mỹ, EU và Trung Quốc. Nguồn: CNBC/Ngân hàng Thế giới.
Số liệu công bố cuối tháng 7 cho thấy tăng trưởng chung của 19 quốc gia sử dụng đồng euro chỉ đạt 0,2% trong quí II, bằng một nửa so với mức 0,4% trong quí I. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ tung ra các gói kích thích trong thời gian tới.
Tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế quí II chỉ đạt 2,1%, thấp hơn 1 điểm % so với quí I và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cuối tháng 7 vừa qua đã phải cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 10 năm gần đây. Một trong những lí do mà Chủ tịch Fed đưa ra cho chính sách này là những yếu tố bất lợi như căng thẳng thương mại và lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mới đây hôm 21/8, ông Trump đã lên tiếng đe dọa về việc có thể áp thuế đối với ô tô từ Châu Âu. "Mỗi năm châu Âu xuất khẩu hàng triệu chiếc Mercedes và BMW. Chúng ta chỉ cần đánh thuế ô tô là muốn gì châu Âu cũng phải đáp ứng", ông Trump viết trên Twitter.
Trong một chuyến vận động tranh cử ở New Hampshire, ông Trump tuyên bố: "Liên minh châu Âu còn xấu xa hơn cả Trung Quốc, chỉ nhỏ hơn thôi. Họ đối xử với chúng ta rất tệ bạc, nào là các hàng rào thương mại, thuế quan, .... Họ đối xử với chúng ta rất tệ".
Doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ trong vòng nguy hiểm
Giáo sư Erik Jones – chuyên gia về kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học John Hopkins cho rằng mô hình kinh doanh của nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ bị đe dọa nếu giữa Mỹ và EU xảy ra thương chiến.
"Nếu Mỹ và EU áp thuế lẫn nhau, giá cả hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên và quá trình sản xuất hàng hóa ở cả hai bên sẽ trở nên phức tạp hơn. Tính lợi nhuận của mô hình kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia sẽ bị ảnh hưởng".
"Và vì đa phần các doanh nghiệp đa quốc gia này đều là của Mỹ, cuộc chiến thuế quan với EU sẽ trở thành một trở ngại với tăng trưởng kinh tế Mỹ", ông nói thêm.
Theo văn phòng thống kê châu Âu, những mặt hàng mà Mỹ xuất khẩu sang châu Âu nhiều nhất trong năm 2018 là động cơ và xe máy, máy bay và các thiết bị liên quan, và các sản phẩm y – dược. Theo chiều ngược lại, Mỹ đa phần nhập từ châu Âu ô tô và các sản phẩm y – dược.
Trong một email gửi CNBC, giáo sư Erik Jones nhận định: "Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu cũng sẽ gây nhiều khó khăn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc vì nó làm suy yếu các tập đoàn đa quốc gia Mỹ, làm suy giảm qui mô của các thị trường mà doanh nghiệp Mỹ có thể tiếp cận.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ có động cơ để thoái vốn khỏi các hoạt động ở nước ngoài, nhường lại sân chơi cho các đối thủ.
Nói cách khác, cuộc chiến thương mại với châu Âu sẽ phá hỏng những lợi thế mang tính cấu trúc mà nhiều đời chính quyền Mỹ liên tục gây dựng kể từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay".