Fed lần đầu cắt giảm lãi suất sau hơn một thập kỉ
Ảnh minh họa: Reuters.
Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008
Tối ngày 31/7 theo giờ Washington (rạng sáng ngày 1/8, theo giờ Hà Nội), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày với quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm qua.
Theo đó, Fed quyết định cắt giảm lãi suất quỹ dự trữ liên bang (FFR) 0,25 điểm % từ mức mục tiêu 2,25 - 2,5% xuống 2 - 2,25%. Đây là lần đầu tiên Fed cắt giảm lãi suất chuẩn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2007 - 2008.
Lần gần nhất Fed giảm lãi suất là vào năm 2008, thời điểm NHTW này hạ lãi suất về mức mục tiêu 0 - 0,25% để hỗ trợ kinh tế Mỹ là khi cuộc khủng hoảng tài chính đang lên đến đỉnh điểm và họ đã duy trì phạm vi mục tiêu này trong suốt 7 năm sau đó.
Các nhà hoạch định chính sách do Chủ tịch Fed Jerome Powell dẫn đầu đã bỏ phiếu ủng hộ việc cắt giảm lãi suất quỹ liên bang với tỉ lệ áp đảo 8 - 2. Đồng thời, Fed cũng để ngỏ khả năng giảm lãi suất thêm trong tương lai khi cam kết sẽ "hành động phù hợp" để duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế một cách lâu nhất có thể.
Trong tuyên bố vào cuối cuộc họp, Fed nhận định nền kinh tế Mỹ tăng trưởng "vừa phải" và thị trường lao động vẫn "mạnh" nhưng họ quyết định cắt giảm lãi suất do ảnh hưởng từ diễn biến toàn cầu đến triển vọng kinh tế Mỹ cũng như áp lực lạm phát yếu.
Mục tiêu của Fed là kiểm soát lạm phát quanh ngưỡng 2% nhưng những tháng gần đây tỉ lệ lạm phát không đạt mức kì vọng bất chấp việc nền kinh tế vẫn tăng trưởng và thất nghiệp thấp.
Một số nhà kinh tế và quan chức Fed cho rằng lãi suất nên được hạ xuống để ứng phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại và triển vọng u ám của kinh tế thế giới do tác động của cuộc chiến thương mại mà Mỹ khởi xướng.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ , nền kinh tế nước này trong quí II vừa qua đã tăng trưởng chậm lại do hoạt động sản xuất và xuất khẩu đều sụt giảm. Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm từ 3,1% của quí I/2019 xuống 2,1% trong quí II/2019.
Chấm dứt thu hẹp bảng cân đối kế toán
Bên cạnh quyết định hạ lãi suất, Fed cũng công bố kế hoạch chấm dứt việc thu hẹp danh mục tài sản trị giá 3,8 nghìn tỉ USD kể từ ngày 1/8, sớm hơn hai tháng so với dự kiến trước đó.
Trước đó, trong một động thái khác nhằm vực dậy nền kinh tế đang chìm đắm trong khủng hoảng, Fed đã khởi động 3 vòng mua trái phiếu Chính phủ Mỹ và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp (MBS).
Chương trình này được biết đến với tên gọi nới lỏng định lượng (QE). Cũng vì thế, số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed vượt lên mức 4,5 nghìn tỉ USD.
Trong tháng 10/2017, Fed bắt đầu quá trình giảm bớt qui mô của danh mục trái phiếu bằng cách cho phép thoái vốn ở một mức nhất định mỗi tháng và tái đầu tư phần còn lại.
Tại cuộc họp chính sách tháng 3, Fed dự định chấm dứt quá trình giảm bớt số dư vào tháng 9/2019, nhưng họ quyết định kết thúc quá trình sớm hơn dự định 2 tháng, trong đó tất cả lượng tiền thu về từ những trái phiếu đến hạn sẽ được tái đầu tư từ ngày thứ Năm (1/8).
Hiện tại, qui mô danh mục trái phiếu của Fed đã giảm bớt 618 tỉ USD về mức 3,6 nghìn tỉ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao hơn quá nhiều so với mức mà phần lớn quan chức Fed dự tính vào thời điểm kết thúc quá trình cắt giảm.
Hiệu ứng Trump
Động thái cắt giảm lãi suất của Fed diễn ra sau nhiều tháng chịu áp lực từ Tổng thống Donald Trump.
Vào tháng 10/2018, có lần Tổng thống Mỹ nói Fed "hóa điên" vì nâng lãi suất và dọa sa thải Chủ tich Fed Jerome Powell. Đồng thời, ông Trump và Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, Larry Kudlow kêu gọi Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản và ngay lập tức chấm dứt việc thắt chặt định lượng.
Lần gần nhất, ngày 29/7, ông Trump lại công kích chính sách lãi suất của Fed trên mạng xã hội Twitter, ngay trước cuộc họp chính sách hai ngày 30 - 31/7 của Ngân hàng Trung ương này.
" EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế, khiến cho các nhà sản xuất của họ dễ dàng bán hàng hơn...Trong khi đó, lạm phát của Mỹ đang rất thấp nhưng Fed chẳng làm gì cả và nhiều khả năng sẽ chỉ hành động rất ít ỏi so với EU và Trung Quốc. Quá buồn!", ông Trump nói.