|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quan chức Fed chia rẽ vì quan điểm chính sách khác biệt về việc hạ lãi suất

11:06 | 30/07/2019
Chia sẻ
Tại cuộc họp chính sách vào ngày 31/7, nhiều khả năng có đến ba quan chức Fed không đồng ý với quyết định giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ và điều đó có thể khiến thị trường gặp khó khăn hơn trong việc nắm bắt chính sách của Fed trong tương lai.
105415765-1535137652432_y2a4541

Từ trái qua phải: Chủ tịch Fed khu vực Kansas City Esther George, Chủ tịch Fed khu vực New York John Williams và Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: CNBC)

Nếu Fed hạ lãi suất, rạn nứt trong ngân hàng trung ương Mỹ sẽ ngày càng sâu sắc?

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), được dự đoán sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc cắt giảm lãi suất xuống 25 điểm cơ bản vào ngày 31/7 để kích thích nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, một số ít nhà kinh tế cho rằng Fed có thể cắt giảm đến 50 điểm cơ bản.

Theo CNBC, nhân sự cốt lõi của FOMC gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell, Phó Chủ tịch Richard Clarida và Chủ tịch Fed khu vực New York John Williams. Ông Clarida và ông Williams là hai phụ tá của Chủ tịch Powell.

 "Tôi đoán một số thành viên của FOMC đang cảm thấy như họ bị ép vào một góc bởi kì vọng hạ lãi suất quá lớn trên thị trường", ông Ethan Harris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu quốc tế tại Bank of America Merrill Lynch, cho biết.

Chủ tịch Fed khu vực Kansas City Esther George và Chủ tịch Fed khu vực Boston Eric Rosengren đều đã lên tiếng chống lại việc cắt giảm lãi suất, và một người có khả năng bất đồng quan điểm thứ ba là Chủ tịch Fed khu vực St. Louis James Bullard.

Ông Bullard có thể bất đồng với FOMC nếu họ chọn hạ lãi suất đến 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm mà ông ủng hộ. Vào cuối tháng 6, ông Bullard cho biết động thái hạ 50 điểm lãi suất cơ bản là quá đà.

"Một cuộc tranh luận lớn sẽ diễn ra giữa các nhân sự cốt lõi của FOMC và những người khác, như ông Rosengren. Tôi nghĩ ông Powell và các phụ tá trung thành sẽ hành động tích cực. Và có ba thành viên có thể bất đồng quan điểm với họ", ông Rick Rieder, CIO của BlackRock, nhận định.

Ông Rieder nhận định có khoảng 40% khả năng Fed cắt giảm lãi suất xuống 50 điểm cơ bản. "Nếu quan điểm bất đồng có chỗ đứng, thị trường sẽ coi nhẹ các động thái trong tương lai. Đó là một phần lí do tại sao tôi cho rằng khả năng Fed hạ lãi suất xuống 25 điểm cơ bản là hơn 60%".

Ông Scott Minerd, CIO toàn cầu của Guggenheim, cho biết ông Powell sẽ cố gắng kiềm chế bất đồng chính kiến.

"Nếu có hai hoặc ba nhân vật bất đồng quan điểm, tôi cho rằng hướng đi lãi suất trong tương lai sẽ bất ổn hơn nhiều so với những gì thị trường đang dự đoán", ông nói.

Ngoài ra, ông Minerd nhận định Chủ tịch Powell, vốn không phải là một nhà kinh tế, sẽ dựa vào ông Clarida và ông Williams để thuyết phục các quan chức khác của Fed về lí do cần hạ lãi suất.

"Tôi không nghĩ tất cả đều ủng hộ hạ lãi suất xuống 25 điểm, tuy nhiên sẽ có nhiều áp lực để buộc họ chấp nhận. Sẽ có người cố thuyết phục họ hạ 50 điểm cơ bản và họ sẽ tuyên bố 'Hãy chỉ cắt giảm ở mức giữa. Chúng ta cần cố gắng thỏa hiệp và thể hiện tinh thần đoàn kết'", ông nói.

Ông Williams đã khiến thị trường bất ngờ vào hồi đầu tháng 7 này khi phát biểu trước cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ngân hàng Trung ương. Theo đó, ông cho biết Fed tốt hơn hết nên thực hiện biện pháp phòng ngừa hơn là chờ đợi thảm họa diễn ra.

Phát biểu này và một số bình luận khác để khiến thị trường kì vọng về khả năng cắt giảm đến 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, sau đó Fed cho hay ông Williams không thảo luận về chính sách hiện tại khi đưa ra bình luận trên.

Ngày hôm sau, ông Rosengren xuất hiện trên CNBC và nói rằng ông không thấy cần phải cắt giảm phạm vi mục tiêu của lãi suất liên bang hiện ở mức 2,25 - 2,5%.

"Do đó, xét dưới bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang khá mạnh mẽ, tôi nghĩ lạm phát sẽ rất gần mức 2% và với mức tăng trưởng kinh tế thỏa đáng, tôi nhận thấy đây là một môi trường mà bạn không cần phải hành động nhiều", Chủ tịch Fed khu vực Boston chia sẻ.

Bất đồng chính kiến là chuyện không hiếm gặp tại các cuộc họp chính sách

Chủ tịch Jerome Powell đã tuyên bố Fed sẵn sàng nới lỏng nếu cần thiết vì lạm phát thấp, tăng trưởng toàn cầu chững lại và tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại. Ông cũng nói rằng Fed sẽ hành động phù hợp để đảm bảo nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley hiện dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất xuống 50 điểm cơ bản. Đồng thời, họ lưu ý rằng các quan điểm bất đồng không phải là hiếm.

Kể từ khi ông Greenspan được bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Fed năm 1987, một hoặc nhiều người sẽ bất đồng chính kiến tại các cuộc họp của FOMC. Tỉ lệ này ghi nhận ở mức 37%.

"Trong chu kì nới lỏng chính sách lớn nhất (2007 - 2008), một nhân vật nào đó đã bất đồng quan điểm tại hầu hết cuộc họp và thường là vì động thái thắt chặt chính sách", theo các nhà kinh tế của Morgan Stanley.

Trong chu kì này, Fed đã hạ phạm vi lãi suất liên bang xuống mức 0 - 0,25%, thấp nhất trong lịch sử. 7 năm sau đó, hay năm 2015, Fed đã tăng lãi suất và thực hiện thêm 8 lần nữa với lần cuối cùng vào tháng 12/2018.

Theo nghiên cứu của Fed khu vực St. Louis, phía bất đồng chính kiến chủ yếu là các Chủ tịch Fed khu vực khi chính sách bị chắt chặt.

Yên Khê

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.