|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp đứng sau 75% trạm thu phí không dừng tại Việt Nam: Phục vụ gần 4 triệu xe, thu hàng trăm tỷ mỗi năm

16:24 | 28/03/2025
Chia sẻ
Việt Nam hiện có hai đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC), trong đó có Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, thành viên của Tasco, chiếm thị phần gần như áp đảo.

Kể từ ngày 1/8/2022, toàn bộ các tuyến cao tốc ở Việt Nam chính thức có làn thu phí không dừng (ETC). Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông, vì vậy chủ xe không cần dừng lại tại các BOT để trả tiền.

Hiện tại, Việt Nam có hai đơn vị cung cấp ETC Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, thành viên của Tasco cung cấp thẻ Etag. Đơn vị còn lại là CTCP Giao thông số Việt Nam, thành viên của tập đoàn Viettel cung cấp thẻ ePass.

Mới đây, CTCP VETC – công ty mẹ của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC được tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên Ngân hàng Thế giới đề xuất khoản đầu tư trị giá 500 tỷ đồng (tương đương 19,8 triệu USD) để mở rộng hoạt động ETC.

Một trạm thu phí không dừng (Ảnh: VETC).

Quản lý 126 trạm thu phí

Thông tin từ Tasco, VETC hiện nắm 75% thị phần ETC tại Việt Nam, quản lý 126 trạm thu phí, 700 làn thu phí, phục vụ hơn 3,6 triệu ô tô.

Từ năm 2015, VETC đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống thu phí tự động đường bộ tại ba trạm gồm Tasco Quảng Bình, Hoàng Mai (Nghệ An),Toàn Mỹ 14 (Đắk Nông).

Tháng 7/2016, VETC ký kết thành công Hợp đồng BOO (Xây dựng – Sở hữu – Kinh Doanh) với Bộ Giao thông Vận tải để chính thức triển khai Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC trên toàn quốc.

Cuối năm 2017, VETC có gần 40 trạm thu phí. Bên cạnh đó, công ty cũng đa dạng hoá tiện ích phục vụ người dùng như áp dụng cách thức nạp tiền đa dạng, mobile app...

Tính đến hết tháng 12/2020, công ty đạt cột mốc 1 triệu xe dán thẻ và sử dụng dịch vụ của VETC.

Năm 2021, công ty nâng tổng số trạm thu phí sử dụng dịch vụ VETC lên tới 79 trạm, tập trung chủ yếu trên quốc lộ 1 và các tuyến cao tốc.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tasco, ông Vũ Đình Độ - Chủ tịch HĐQT Tasco cho biết, VETC ghi nhận trung bình 450.000–500.000 khách hàng mới mỗi năm. Ông đánh giá việc mở rộng hệ thống ETC lên 5.000 km vào năm 2026 theo quy hoạch của Chính phủ sẽ tạo cơ hội để tăng trưởng. 

Tổng số đường chúng ta đang thu phí gần 1.000 km trên tổng số đường cao tốc đang vận hành khoảng 2.000 km. Kế hoạch phát triển đường cao tốc của Chính phủ tới năm 2026 phấn đấu đạt 5.000 km đường cao tốc. Tức chúng ta sẽ có cơ hội thu phí thêm 4.000 km cao tốc”, ông Độ nói.

Kinh doanh thế nào?

Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC được thành lập vào ngày 8/7/2016, có trụ sở chính tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Giai đoạn 2017 – 2019, Thu phí tự động VETC đã trải qua hai lần điều chỉnh vốn điều lệ. Tại ngày 4/12/2017, công ty giảm vốn điều lệ từ 280 tỷ đồng xuống 227 tỷ đồng, trong đó, CTCP VETC nắm 87,69% vốn, CTCP Tasco nắm 12,31% vốn.

Đến ngày 26/12/2019, công ty tăng vốn điều lệ lên 278 tỷ đồng. Lúc này, tỷ lệ sở hữu vốn của CTCP VETC là 88,31%, còn CTCP Tasco sở hữu 11,69% vốn.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2020 - 2022, VETC ghi nhận doanh thu tăng trưởng theo từng năm. Từ 131 tỷ đồng năm 2020, tăng lên 185 tỷ đồng vào năm 2021. Năm 2022 đạt 346 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ do công ty bắt đầu thu phí dán thẻ ETC từ tháng 8/2022 với mức giá 120.000 đồng/xe, áp dụng cho cả phương tiện dán mới và thay thế thẻ.

Mặc dù doanh thu tăng trưởng, VETC ghi nhận lỗ trong giai đoạn này. Năm 2020 lỗ 284 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 260 tỷ đồng. Đến năm 2022, công ty báo lỗ gần 133 tỷ đồng. 

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VETC đạt 2.318 tỷ đồng, nợ phải trả là 2.281 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nợ của Tasco.

Lâm Anh