|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: 'Xây dựng các trạm thu phí vào nội đô, Hà Nội cần hết sức cân nhắc'

08:23 | 22/10/2022
Chia sẻ
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, có thể áp dụng hình thức bán vé dán vào biển số xe để dễ kiểm soát. Việc kiểm soát có thể giao cho Cảnh sát giao thông và trật tự đô thị kiêm nhiệm thêm. Còn việc xây dựng các trạm thu phí vào nội đô cần hết sức cân nhắc.

Liên quan đến những thông tin trái chiều về Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở Giao thông vận tải Hà Nội lần thứ 3, trả lời báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, việc xây dựng các trạm thu phí vào nội đô cần hết sức cân nhắc. 

"Việc thu phí nội đô không phải vấn đề mới nhưng cần xem xét điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của TP.  Hà Nội để có giải pháp thích hợp", đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Ở một số nước trên thế giới, thu phí nội đô chỉ thực hiện thu một lần. Đồng thời, văn minh giao thông, hạ tầng giao thông và cả ý thức tự giác của người dân tại các nước này khác so với ở Việt Nam. Do đó, dù chỉ thu một lần nhưng trật tự giao thông được thể hiện rõ qua hiệu quả quản lý.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng nêu rõ, với dự kiến thu phí nội đô của Thành phố Hà Nội qua 100 trạm kiểm soát như một “lưới bủa vây” nội đô, do đó cần hết sức thận trọng bởi chưa biết sẽ thu được bao nhiêu nhưng kinh phí chi trả cho đội ngũ quản lý đội sẽ lên nhiều lần.

Lấy ví dụ trước đây TP HCM thành lập đội quản lý thu phí dừng đỗ xe, sau đó phải bù lỗ. Vì vậy, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần đánh giá tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân. Đồng thời cần lấy ý kiến nhân dân rộng rãi thông qua tổ chức độc lập, theo Luật Trưng cầu dân ý để nắm được ý chí của nhân dân.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng nêu vấn đề về chi phí của Đề án này khi xây dựng 100 điểm thu phí dự toán hết khoảng 2.600 tỷ đồng, chưa tính đến bộ máy hoạt động, tổng thể để chi cho việc thực hiện sẽ "đội" lên bao nhiêu, trong khi chưa rõ sẽ thu được thế nào.

Thay bằng thu phí nội đô như đề xuất của Hà Nội, đại biểu đề xuất áp dụng hình thức bán vé dán vào biển số xe để dễ kiểm soát. Việc kiểm soát có thể giao cho Cảnh sát giao thông và trật tự đô thị kiêm nhiệm thêm. Còn việc xây dựng các trạm thu phí vào nội đô cần hết sức cân nhắc, đại biểu Vân đề xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thì cho biết, tình trạng giao thông tại Thủ đô Hà Nội thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết, việc thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này.

Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để thay thế.

Đại biểu nêu rõ, như tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, khi có phương tiện công cộng, người dân sẽ tự động sẽ thay thế phương tiện cá nhân. Nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được vấn đề ùn tắc. 

Theo dự kiến tại Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thực hiện trong năm 2024, mức cao nhất 100.000 đồng mỗi xe.

Khung phí này được tính toán làm căn cứ để xây dựng dự án đầu tư công nghệ thu phí và thành phố sẽ căn cứ vào thực tế để điều chỉnh mức thu phí chính xác ở từng giai đoạn. 

Theo Đề án, từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô.

Hạ An

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.