|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thu phí cao tốc có thể đóng góp hơn 2.800 tỷ mỗi năm vào ngân sách

09:56 | 31/07/2024
Chia sẻ
Bộ GTVT cho biết, dự kiến số phí thu được sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác là 3.210 tỷ đồng/năm, số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm.

Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.

Theo dự thảo, mức thu phí sử dụng đường cao tốc được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí có liên quan (chi phí quản lý, chi phí tổ chức, vận hành thu phí, chi phí bảo trì đường cao tốc...), tiếp cận trên cơ sở tính toán lợi ích của người sử dụng đường cao tốc. 

Mức thu được xây dựng trên cơ sở pháp luật về phí và lệ phí, khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan, tránh thu phí trùng phí, đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP. Đặc biệt, mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được.

Bộ GTVT cho biết, hiện có 12 dự án/đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng. 

Do vậy, mức phí được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở lợi ích của của chủ phương tiện, đồng thời có tham khảo thông lệ quốc tế. Theo đó, người sử dụng đường cao tốc thường sẵn sàng chi trả mức chi phí tương đương với 50 - 70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc.

Từ những phân tích trên, dự thảo Nghị định quy định mức phí sử dụng cao tốc nhà nước đầu tư như sau:

Về mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (Mức 1), Bộ GTVT đề xuất thu tương đương với 70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 1.300 đồng/xe/km)

Về mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Luật Đường bộ (Mức 2), Bộ GTVT đề xuất thu tương đương với 50% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 900 đồng/xe/km). 

Biểu mức phí sử dụng đường bộ cao tốc (Nguồn: Bộ GTVT).

Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác sẽ tạo nguồn thu ngân sách, góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc. 

“Với mức phí đề xuất như đã nêu trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc đang khai thác, dự kiến số phí thu được là 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm”, dự thảo Nghị định nêu.

Mặt khác, đường cao tốc có chất lượng cao hơn đường quốc lộ thông thường. Nếu không tổ chức thu tiền sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu, người dân sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc, trong đó có cả các phương tiện xe thô sơ, các phương tiện không được phép lưu hành trên đường cao tốc.

Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng cao, nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, gây ra tình trạng phương tiện chuyển làn liên tục, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.

Sẽ không xảy ra tình trạng "phí trùng phí"

Hiện nay, Nhà nước đã thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Do đó, việc tổ chức thu tiền sử dụng cao tốc thông qua trạm thu trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể dẫn đến phản ứng của người tham gia giao thông, sẽ có ý kiến cho rằng “phí trùng phí”. 

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, sẽ không xảy ra hiện tượng “phí trùng phí”. Mặc dù việc thu phí cao tốc khiến người dân mất thêm chi phí sử dụng dịch vụ đường bộ, nhưng sẽ được hưởng giá trị dịch vụ chất lượng, tiết kiệm thời gian và chi phí vận hành phương tiện, giúp tăng hiệu quả kinh doanh.

Trên cơ sở phân tích 12 tuyến đường cao tốc nhà nước đầu tư trước năm 2020, đang hoặc chuẩn bị vận hành, khai thác, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường. 

Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân là 1.174 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe đơn vị là 2.616 đồng/PCU/km. 

10 tuyến cao tốc dự kiến thu phí bao gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP HCM - Trung Lương, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh My

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.