|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Công ty nào trên sàn có dự án BOT được tăng giá vé?

15:09 | 03/01/2024
Chia sẻ
Nhiều công ty như CII, Đèo Cả, Cienco4, Tasco, Cường Thuận IDICO, Đức Long Gia Lai sẽ có thêm nguồn thu từ BOT khi nhiều trạm thu phí đã được chấp thuận tăng giá vé.

Bộ Giao thông Vận tải gần đây có văn bản chấp thuận điều chỉnh giá vé của 44 dự án BOT với tổng cộng 48 trạm thu phí, thời gian điều chỉnh giá vé từ ngày 29/12/2023 với mức điều chỉnh tăng khoảng 18% so với trước đó.

Tuy nhiên, có 3 trạm không tiến hành điều chỉnh giá vé theo kiến nghị của chính doanh nghiệp gồm trạm Cù Mông, trạm Km 1747 và trạm Km 11+625. Do vậy, số lượng đến ngày 29/12 chỉ có 41 dự án với 47 trạm thu phí chính thức điều chỉnh giá.

Đại diện Cục Đường bộ cho biết các dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước 2016, theo quy định hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 lần/năm (mức tăng 6%/năm). Song nhiều trạm thu phí đã đến chu kỳ tăng vé từ năm 2019 – 2022, có những dự án đến chu kỳ lần 2, nhưng chưa tăng giá ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án. 

Danh sách được điều chỉnh giá vé đợt này có 24 trạm trên Quốc lộ 1; 2 trạm trên Quốc lộ 5 và 1 trạm cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; 1 trạm trên Quốc lộ 2; 1 trạm trên đường nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C; 1 trạm trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới; 4 trạm trên Quốc lộ 14; 1 trạm cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; 2 trạm trên Quốc lộ 26; 2 trạm trên Quốc lộ 19; 2 trạm trên Quốc lộ 26… 

Quyết định này của Bộ Giao thông Vận tải giúp nhiều doanh nghiệp hạ tầng đang niêm yết trên sàn hưởng lợi như CII, Đèo Cả, Cienco 4, Tasco… khi có thêm nguồn thu từ thu phí đáng kể từ năm 2024. 

Công ty Trạm thu phí được tăng giá từ 29/12/2023
CII Cà Ná, Cổ Chiên
Đèo Cả An Dân, Đèo Cả, Ninh An 
Cienco4 Bến Thủy 1&2, Cầu Yên Lệnh, Hoàng Mai, Km72+930 
Tasco Km41 QL10, Km604 QL1, Tam Nông 
Đức Long Gia Lai  Hàm Rồng, Cầu 110
Cường Thuận IDICO  Km16+905 QL91

Chẳng hạn, Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) có 2 dự án trực thuộc được điều chỉnh tăng giá vé 18% trong đợt này gồm Trạm thu phí Cà Ná – Km 1584 +100, tỉnh Ninh Thuận thuộc dự án Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 và Trạm thu phí Cầu Cổ Chiên Km11+850, tỉnh Trà Vinh thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Cổ Chiên. 

Hiện mảng kinh doanh BOT (xây dựng - vận hành -  chuyển giao) do công ty con Đầu tư Cầu đường CII quản lý với 7 dự án, doanh thu bình quân mỗi ngày gần 7 tỷ đồng, tương đương thu hơn 2.500 tỷ đồng mỗi năm.  

Hai dự án BOT được điều chỉnh tăng giá trên đóng góp gần 20% doanh thu thu phí mỗi năm của danh mục dự án trong năm ngoái. Trong đó, BOT Cà Ná bắt đầu thu phí từ tháng 4/2017 và dự kiến kết thúc vào tháng 10/2036, BOT Cầu Cổ Chiên bắt đầu từ tháng 9/2016 và kết thúc vào tháng 1/2028.  

Hay CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Mã: HHV) đang quản lý vận hành 15 trạm thu phí BOT trên cả nước. Mảng thu phí trong 9 tháng đem lại 1.183 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước nhờ các dự án BOT có lưu lượng xe tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 kết thúc.

Công ty hạ tầng này có các điểm sẽ được tăng giá từ 29/12/2023 gồm Trạm An Dân, Đèo Cả, Cù Mông, Ninh An (Ninh Lộc). Nhưng với riêng trạm Cù Mông, doanh nghiệp đã đề xuất không điều chỉnh tăng giá. 

Tập đoàn Cienco4 (Mã: C4G) ghi nhận tất cả các trạm đang quản lý đều nằm trong danh sách được tăng giá vé. Trong đó, BOT Tuyến tránh TP Vinh có 2 trạm thu phí (Bến Thủy 1 và 2) được tăng giá vé từ 12% đến 22% tùy phương tiện, trọng tải. 

Tập đoàn hạ tầng này đang mở rộng đầu tư vào nhiều dự án BOT như trạm Bến Thủy 1 và 2 (Nghệ An), trạm Cầu Yên Lệnh (Hưng Yên), Trạm Hoàng Mai (Nghệ An), trạm Km72+930 (BOT Thái Nguyên – Chợ Mới). Các trạm cầu Bến Thủy do tập đoàn đầu tư, các trạm còn lại thông qua công ty thành viên.

Theo báo cáo năm 2022, mảng thu phí BOT chỉ mang về 289 tỷ đồng doanh thu, đóng góp chưa đến 10% tổng doanh thu. Tuy nhiên, đây lại là mảng hiệu quả nhất khi tạo ra 168 tỷ đồng lãi gộp, chiếm hơn 46% lợi nhuận gộp toàn tập đoàn. 

Một đơn vị khác là Tasco (mã: HUT) góp mặt trong danh sách được tăng giá với trạm Km41 (Tasco Hải Phòng đầu tư), trạm Km604 (Tasco Quảng Bình đầu tư) và trạm BOT Tam Nông (liên doanh với Hùng Thắng Phú Thọ). 

Doanh nghiệp hiện sở hữu 6 dự án BOT với tổng đầu tư 13.577 tỷ đồng. Hoạt động thu phí đường bộ theo hình thức BOT đang có sự cải thiện với doanh thu đạt 568 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu trong nửa đầu năm 2023 tăng trưởng 7% lên gần 300 tỷ đồng, vẫn tiếp tục đóng góp lớn nhất vào cơ cấu nguồn thu.

Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) cũng có tin vui khi được điều chỉnh phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm thu phí Km1610+800 (Hàm Rồng) và Trạm thu phí Km1667+470 (Cầu 110) thuộc dự án BOT Đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku- Cầu 110.

Doanh thu phí BOT nửa đầu năm ngoái của Đức Long Gia Lai đạt 113 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt gần 65 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất chiếm đến 62% tổng lãi gộp toàn tập đoàn.  

Một công ty đại chúng khác cũng góp mặt trong danh sách có trạm thu phí được tăng giá là Công ty Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (Mã: CTI) với dự án nâng cấp quốc lộ 91 tại thu phí Km16+905 kể từ 29/12/2023. 

Hiện công ty này còn có trạm thu phí km 1841 + 912, Quốc lộ 1 (tuyến tránh TP Biên Hòa) và trạm thu phí dự án nút giao BOT 319. Trong đó, dự án BOT 319 cũng mới được tăng mức thu phí từ đầu năm nay theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. 

Ba trạm thu phí trên mang về cho Cường Thuận IDICO tổng cộng hơn 333 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng đầu năm ngoái, chiếm đến 60% tổng nguồn thu. Tổng lãi gộp đạt gần 238 tỷ đồng, chiếm gần 79% lợi nhuận gộp toàn công ty. 

Huy Lê