|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Factbox: Từ Apple, General Motors đến nông dân Mỹ, không ai thoát khỏi 'bóng ma' thuế quan và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

10:00 | 07/08/2019
Chia sẻ
Để định hình lại nền thương mại toàn cầu, Tổng thống Trump đã không ngần ngại tuyên chiến với các đối tác thương mại hàng đầu, bao gồm Trung Quốc. Tuy nhiên, trước khi nhìn thấy cái lợi từ thuế quan, các hãng công nghệ, nhà sản xuất xe ô tô lớn và nông dân Mỹ đều đang phải oằn mình gánh chịu hậu quả.


1

Đậu nành - một trong những mặt hàng nông sản chịu thiệt hại nặng nề nhất do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 1/8, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc do căng thẳng với nước này leo thang trở lại.

Đây là động thái gây bất ngờ mới nhất trong cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/9, thuế suất mới sẽ đánh vào một loạt mặt hàng tiêu dùng và được công bố chỉ một ngày sau khi vòng đàm phán thương mại giữa quan chức Mỹ - Trung khép lại tại Thượng Hải mà không đạt được nhiều tiến bộ.

Washington đã thúc ép Bắc Kinh thực hiện cải cách kinh tế trên diện rộng, gồm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, chấm dứt các khoản trợ cấp có lợi cho doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho công ty Mỹ.

Tổng thống Trump cho rằng các thỏa thuận thương mại tồi tệ với Trung Quốc và những quốc gia khác đã ảnh hưởng đến hàng triệu việc làm ở Mỹ.

Reuters đã tổng hợp một vài trong số những phí tổn mà ông Trump phải trả để viết lại điều khoản thương mại toàn cầu với Trung Quốc và các đối tác thương mại hàng đầu khác:

Nền kinh tế toàn cầu

Thuế quan đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế, khuấy động thị trường tài chính toàn cầu và khuyến khích nhà sản xuất đầu tư vào các nhà máy bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Việc tính toán phí tổn chính xác là điều không thể, vì nhiều công ty không nêu chi tiết lí do thay đổi mô hình kinh doanh hay địa điểm sản xuất, cũng như không tiết lộ tổn thất về tài chính do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra.

Fitch Ratings ước tính việc áp thuế suất đối với 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc sẽ khiến sản lượng kinh tế thế giới giảm 0,4%.

Vào tháng trước, Quĩ Tiền tệ Quốc tế cho biết tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu trong quí I/2019 đã rơi  xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012, đồng thời lưu ý rằng vẫn còn nhiều rủi ro suy yếu nghiêm trọng trong tương lai.

Tổng thống Trump tuyên bố thuế quan mà ông áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chi trả, tuy nhiên doanh nghiệp đăng kí tại Mỹ mới chính là đối tượng gánh thuế khi sản phẩm xâm nhập thị trường nước này.

Các nhà nhập khẩu thường đẩy chi phí này sang khách hàng dưới hình thức tăng giá sản phẩm.

Nông nghiệp

Cho đến nay, nông dân Mỹ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thương chiến Mỹ - Trung. Trung Quốc là thị trường hàng đầu cho nhiều loại cây trồng quan trọng của nông dân Mỹ và Bắc Kinh đã đánh thuế trả đũa vào các mặt hàng nông sản này.

Thuế quan của Trung Quốc nhắm vào nông dân Mỹ vì họ đã bỏ phiếu đưa ông Trump lên nắm quyền.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã gây tổn hại đến doanh số của một loạt nông sản, gồm trái cây tươithịt và ngũ cốc. Mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn nhất từ Mỹ là đậu nành, mà phần lớn số này đã được vận chuyển đến Trung Quốc trước cuộc chiến thương mại.

Để bù đắp doanh số tổn thất ở thị trường Trung Quốc, Chính phủ Mỹ đã triển khai hai vòng viện trợ cho nông dân, dự kiến đạt tổng cổng 28 tỉ USD vào thời điểm chúng kết thúc. Tính đến cuối tháng 6, Mỹ đã phân phát khoảng 8,6 tỉ USD trong khoản viện trợ này.

Trong giai đoạn 7/2018 - 5/2019, xuất khẩu đậu nành của Mỹ sang tất cả quốc gia đã giảm 27% xuống còn 16 tỉ USD, so với 20,6 tỉ USD vào cùng kì năm trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố.

Cũng trong cùng giai đoạn nói trên, xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc giảm 77% từ 11,2 tỉ USD cùng kì năm trước xuống còn 2,5 tỉ USD.

Công nghệ

Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã cảnh báo rằng các lệnh hạn chế của Mỹ đối với hoạt động kinh doanh của hãng sẽ tác động đến tăng trưởng doanh thu ngắn hạn, ngay cả khi doanh thu nửa năm của họ tăng mạnh.

Trước đó, nhà sáng lập của Huawei cho biết các lệnh hạn chế trên sẽ khiến công ty này tổn thất khoảng 30 tỉ USD.

Thuế quan đã "cướp trắng" 1,3 tỉ USD mỗi tháng khỏi ngành công nghệ Mỹ, Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng (CTA) cho biết trong một văn bản gửi đến Đại diện Thương mại Mỹ vào tháng 6.

Các sản phẩm cho công nghệ di động 5G bị thiệt hại 122 triệu USD thuế quan trong tháng 10/2018, tăng từ mức chỉ 65.000 USD của cùng kì năm trước, CTA cho hay.

Giá cổ phiếu của Apple và các hãng sản xuất chip gồm Qualcomm, Nvidia và Micron đã giảm sâu sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế mới.

Apple cho biết vào tháng 6 rằng thuế quan do Tổng thống Trump đề xuất sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh và cắt giảm mức đóng góp của hãng cho Kho bạc Mỹ.

Kế hoạch áp thuế quan cao hơn sẽ làm tăng giá bán lẻ điện thoại di động lên trung bình 70 USD, giá máy tính xách tay lên 120 USD và máy chơi game video lên 56 USD, đại diện CTA tuyên bố.

Xe, máy móc thiết bị

Thuế quan áp lên thép và nhôm của Tổng thống Trump đã tăng thêm hàng tỉ USD vào chi phí lắp ráp xe của Mỹ, và thuế quan đối với linh kiện do Trung Quốc sản xuất cũng đẩy chi phí lên cao.

General Motors, hãng sản xuất xe ô tô lớn nhất nước Mỹ, đã ước tính họ sẽ phải tốn thêm một tỉ USD cho thuế quan và nguyên liệu thô.

Fiat Chrysler Automobiles cũng dự đoán chi phí hàng hóa sẽ tăng lên đáng kể vì thuế quan, theo đó tiêu tốn 750 triệu euro (832,5 triệu USD) của hãng này.

Công ty sản xuất xe máy Harley-Davidson đã bị ảnh hưởng do thuế quan trả đũa lên kim loại của Liên minh châu Âu . Công ty này ước tính họ sẽ phải chi 100 triệu USD cho thuế quan trong năm 2019.

Ngành công nghiệp xe giải trí cũng bị ảnh hưởng. Nhà sản xuất xe lưu động Winnebago Industries cho biết hãng ước tính thiệt hại tối thiếu 10 triệu USD cho khoản chi phí gia tăng trong năm tài khóa 2020 vì vòng thuế quan mới nhất cũng như thuế quan đang được đề xuất.

Các chi phí tăng cao khác

Thuế thép và nhôm là một trong những mức thuế quan đầu tiên mà Mỹ áp dụng vào đầu năm 2018 và bao gồm sản phẩm từ gần như toàn bộ thế giới.

Động thái này mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất thép của Mỹ, tuy nhiên các hãng gia công kim loại lại không nằm trong nhóm hưởng lợi này.

Gánh nặng thuế quan lên người mua thép và nhôm của Mỹ là gần 5 tỉ USD vào năm ngoái, theo Diễn đàn Hành động Mỹ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.