|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: 'Không rõ chiêu thức tàn cuộc của ông Trump là gì?'

18:25 | 02/08/2019
Chia sẻ
Cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore nhận định, Tổng thống Donald Trup hiện đang vô cùng khó đoán và không rõ ông sẽ sử dụng "chiêu bài" gì để kết thúc cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
105996879-1561984032013gettyimages-1152687846

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng 6. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Trump là một người cực kì khó đoán theo nhiều hướng, ngoại trừ một điểm duy nhất, CNBC dẫn lời cựu Đại sứ Mỹ David Adelman. Ông Adelman từng đảm nhận trọng trách này tại Singapore trong giai đoạn 2010 - 2013 dưới thời Tổng thống Obama.

"Ông ấy xem thương mại và vấn đề an ninh là cuộc chơi có tổng bằng 0. Nếu nhận thấy một quốc gia đang hưởng lợi hoặc một trong những đối tác của Mỹ hưởng lợi, Tổng thống Trump sẽ cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại tương đương".

* Cuộc chơi có tổng bằng 0 (zero sum game) là tình huống mà một bên thu lợi khi phía còn lại chịu thiệt hại tương ứng.

Cựu Đại sứ Mỹ đưa ra bình luận nói trên sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hôm 1/8 rằng Mỹ sẽ áp thuế quan 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/9.

Vào tháng 5 vừa qua, Mỹ cũng đã nâng thuế suất từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ USD hàng nhập khẩu khác của Trung Quốc.

Thông báo về thuế quan mới đã gây bất ngờ cho thị trường và khiến các chỉ số chứng khoán lớn ở Mỹ và châu Á quay cuồng, vì Washington và Bắc Kinh vừa mới khởi động lại  đàm phán tại Thượng Hải trong tuần này.

Sau vòng đàm phán mới nhất, Nhà Trắng cho biết các cuộc thảo luận rất tích cực và Trung Quốc đã cam kết mua thêm nông sản Mỹ.

"Mỹ là một nền kinh tế tiêu dùng với sức mua quá lớn và ngay cả khi các mức thuế quan này gây ảnh hưởng lâu dài lên Trung Quốc, hoạt động sản hàng hóa cũng sẽ không quay trở về Mỹ", ông Adelman, từng đảm nhận chức vụ giám đốc điều hành tại Goldman Sachs ở Hong Kong, nhận định.

"Thực tế khá trái ngược. Nhìn từ kinh nghiệm trong quá khứ, chúng tôi hiểu chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được điều chỉnh. Đồng thời, thâm hụt thương mại của Mỹ sẽ duy trì ở mức cũ và có khả năng tăng lên", ông nói.

"Không rõ chiêu tàn cuộc của Tổng thống Trump là gì. Liệu ông ấy sẽ dùng nó để giảm thâm hụt thương mại hay nhằm giải quyết một số trong nhóm vấn đề liên quan đến đầu tư này", ông Adelman nói.

Theo Nhà Trắng, vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Washington vào đầu tháng 9.

Ông Trump dường như đang "tức giận" khi cuộc đàm phán tại Thượng Hải hôm 30 - 31/7 không ghi nhận kết quả rõ ràng nào, ông Adelman nhận định.

"Tôi cho rằng vẫn có khả năng Tổng thống Trump sẽ 'quay đầu' hoặc làm sáng tỏ ý định của ông ấy đối với các mức thuế quan đã đề xuất. Nếu ông Trump làm điều đó, hành động đó chỉ tạo ra thêm bất ổn".

Chính sách thương mại của ông Trump đã trở nên cực kì khó đoán trong hai đến ba năm trở lại đây, làm dấy lên lo ngại trên diện rộng.

"Tổng thống Trump đã nhận ra rằng áp thuế suất là một trong số ít thứ ông có thể làm ở Washington mà không cần sự giúp đỡ của Quốc hội. Ông ấy có thể thực hiện điều này trong đêm qua Twitter", ông Adelman nói.

Tuy nhiên, cả ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đang muốn duy trì tình trạng hiện tại giữa hai nước.

"Cho đến nay, nền kinh tế Mỹ hiện khá ổn định và thẳng thắn mà nói, tôi nhận thấy Tổng thống Trump sẽ muốn tiếp tục vận hành nó như hiện nay. Nếu Trump muốn, ông sẽ tổ chức bầu cử ngay ngày mai.

Với cơ may là ứng cử viên đang điều hành một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ, ông ấy sẽ quay trở lại Phòng Bầu Dục cho nhiệm kì hai", ông Adelman nói.

Về mặt chính trị, ông Tập Cận Bình có giữ lợi thế tương tự vì nhà lãnh đạo này có khả năng tập hợp người dân Trung Quốc thông qua khơi gợi chủ nghĩa dân tộc hoặc chủ nghĩa yêu nước của họ.

Yên Khê