|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump trước hai lựa chọn: Nhượng bộ Trung Quốc hoặc tăng thuế quan mở đường cho Fed nới lỏng chính sách

17:38 | 23/07/2019
Chia sẻ
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu sẽ đi đến hồi kết, Tổng thống Trump có thể lựa chọn chiến lược kép, gồm tăng thuế quan ngay lập tức đối với hàng hóa Trung Quốc và ra hiệu cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất, hoặc chấp nhận nhượng bộ Trung Quốc.
106030892-1563708018099gettyimages-1133448927

Các quan chức đàm phán cấp cao Mỹ - Trung, từ trái qua: Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương. (Ảnh: AFP)

Theo CNBC, Washington rõ ràng đã đi quá xa. Thay vì tìm cách tái cân bằng ngay lập tức và nhanh chóng quan hệ thương mại Mỹ - Trung, Nhà Trắng lại yêu cầu các thay đổi pháp lí trong hệ thống kinh tế và thương mại của Trung Quốc bằng cách đe dọa áp lệnh trừng phạt vĩnh viễn lên nước này.

Sau đó, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc dường như đã đưa ra một mồi nhử, giả vờ rằng họ có thể bằng lòng nhượng bộ các điều khoản không tưởng như thế, chỉ để cho phe phái chính trị cũ và lâu đời trong nước nhận thấy ý định thực sự của Washington.

Khi Bắc Kinh cho rằng điều kiện của Washington là không thể chấp nhận được, Nhà Trắng đã cực lực lên án và cáo buộc Bắc Kinh cùng Chủ tịch Tập Cận Bình từ bỏ một "thỏa thuận đã thành".

Phía Trung Quốc chỉ đơn giản là truyền đạt lại rằng họ đang trong quá trình đàm phán, nơi hai bên chưa nhất trí điều gì cho đến khi mọi thứ đã ghi nhận sự đồng thuận.

Thông điệp của Trung Quốc là rất rõ ràng

Mặc dù hai bên đã nhất trí nối lại đàm phán và tạm ngừng áp thuế quan mới bên lề cuộc họp thượng đỉnh G20, Washington và truyền thông dường như vẫn gặp vấn đề trong việc giải mã điều kiện đàm phán của Trung Quốc.

Thật vậy, Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố họ muốn đàm phán trong một môi trường tôn trọng, bình đẳng và xem xét đúng đắn các lợi ích quốc gia, tuy nhiên, điều này bị bỏ qua như một điệu bộ mang tính giải thích.

Nhìn nhận theo cách đơn giản, Bắc Kinh đang cảnh báo rằng họ sẽ không tha thứ cho bất kì nỗ lực can thiệp nào của nước ngoài đối với 5 vấn đề sau: 1. Qui định về thương mại và kinh tế; 2. Thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ, theo đó đề cập đến Hong Kong, Đài Loan và Tibet; 3. Biên giới hàng hải; 4. Vấn đề tôn giáo có thể gây bất ổn đến đất nước; 5. Sự phát triển của các ngành công nghiệp hàng đầu.

Nếu các điều kiện này được đáp ứng, Trung Quốc sẽ sẵn sàng đàm phán thương mại.

Nhà Trắng nhận được thông điệp đó với một số bình luận rằng Trung Quốc hiện rất muốn thực hiện một thỏa thuận thương mại.

Nguyên nhân là vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn khi tốc độ tăng trưởng kinh ghi nhận ở mức 6,2% trong quí II/2019, giảm 10 hoặc 20 điểm cơ bản so với dự đoán của thị trường.

Tuy nhiên, dường như không ai để ý rằng người Trung Quốc đang vui vẻ vì thặng dự thương mại 137,1 tỉ USD với Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2019, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.

Tính theo tốc độ hàng năm, mức thặng dư trên tương đương gần 400 tỉ USD tài sản và công nghệ Mỹ được "rót" sang nền kinh tế Trung Quốc.

Câu hỏi đặt ra là: Khi nào Nhà Trắng hiểu rằng thỏa thuận thương mại mà họ muốn với Trung Quốc là một ảo ảnh?

Liệu Mỹ có thể chiếm ưu thế so với Trung Quốc hay không?

Tổng thống Trump có thể làm gì?

Câu trả lời rất đơn giản: Khi các cuộc đàm phán không đi đến đâu, ông Trump nên đáp trả bằng một chiến lược kép tàn khốc, thay vì gửi dòng tweet nhẹ nhàng vào hôm 19/7 rằng quan chức Mỹ "đã có một cuộc đàm phán thuận lợi" với người đồng cấp Trung Quốc.

Chiến lược giáng đòn kép bao gồm động thái tăng thuế quan ngay lập tức đối với hàng hóa Trung Quốc và ra hiệu cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất để hỗ trợ cho nhu cầu trong nước và các ngành công nghiệp từ lâu phải chịu ảnh hưởng do hàng nhập khẩu từ nước ngoài.

Tổng thống Trump nên bỏ qua các hiệp định thương mại tự do vì một số lí do.

Đầu tiên, Trung Quốc không có nhiều "đất" để trả đũa. Chẳng hạn, xét trong mối quan hệ thương mại song phương Mỹ - Trung trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc có thể áp thuế đối với 43 tỉ USD hàng hóa Mỹ.

Con số này không thể đọ lại "cú đấm" thuế quan hạ gục 180 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, điều này có làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hay không? Đáp án là không.

Chính phủ Trung Quốc sẽ hấp thụ phần lớn thuế quan để duy trì giá cả cạnh tranh và bảo vệ thị phần của họ tại Mỹ. Các nhà cung ứng Trung Quốc sẽ không chỉ đơn giản là biến mất khỏi những thị trường mà họ đã đầu tư trong nhiều thập kỉ.

Nếu được cho phép và đó là một đòn bẩy chính sách khác cho ông Trump, doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ vội vàng đầu tư vào cơ sở sản xuất có trụ sở tại Mỹ.

Và nếu thay đổi chính sách này đối với thương mại Trung Quốc là đáng tin cậy, các ngành công nghiệp Mỹ sẽ được trang bị một chiếc máy thở và một động lực để đứng lên và cạnh tranh.

Kịch bản này có khá lâu mới mang lại tác dụng, tuy nhiên nó được kì vọng là kết quả mà thuế quan áp lên hàng nhập khẩu có thể tạo ra.

Thứ hai, một đòn đau giáng vào thương mại như vậy có thể làm chững lại hoạt động mậu dịch và tài chính của Trung Quốc và có khả năng lan sang một số vấn đề khác. Khi đó, yêu cầu về mối quan hệ thương mại cân bằng của ông Trump có thể sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Thứ ba, để ngăn chặn sự phóng đại của thị trường về vấn đề chiến tranh thương mại, Fed sẽ có một lí do vững chắc để hạ lãi suất, theo đó nhắc nhở Trung Quốc rằng Phố Wall chỉ phản ứng với chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ thay vì bất kì ai khác.

Thứ tư, làn sóng thanh khoản đồng USD tiếp theo sẽ là một đòn mạnh khác giáng vào Trung Quốc và các quốc gia có thặng dư thương mại lớn khác. Tất cả nước này đều hiểu việc cạnh tranh với một đồng USD giá rẻ là quá khó khăn.

Yên Khê