|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xung đột thương mại Mỹ - Trung đưa doanh nghiệp Việt vào thế cạnh tranh không cân sức

10:16 | 19/07/2019
Chia sẻ
Vừa phải giữ thị trường xuất khẩu vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp FDI có sản phẩm cùng loại khiến nhiều doanh nghiệp trong nước bất an.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể gây ra nhiều tác động tích cực cũng như tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Đây được xem là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việc Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ. 

Nhưng ngược lại, nhiều DN cũng sẽ đối diện với nguy cơ cao về gian lận thương mại thông qua xuất xứ hàng hóa, chuyển dịch nguồn gốc hàng hóa bất hợp pháp từ thị trường Trung Quốc qua Việt Nam sang Mỹ.

Cạnh tranh không cân sức

Bà Lê Hương Giang, Phó Giám đốc Công ty CNC Vina - chuyên sản xuất và xuất khẩu gỗ ván ép cho biết, khi xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra, sản phẩm ván ép của các DN Trung Quốc không bán được vào Mỹ đã bán phá giá tại các thị trường khác tại châu Á, Việt Nam gây rất nhiều khó khăn cho các DN trong nước.

Đặc biệt, khi các DN Trung Quốc mở rộng đầu tư tại Việt Nam để sản xuất sản phẩm cùng loại, đã gây khó khăn rất lớn về nguồn nguyên liệu cho các DN Việt Nam. 

DN Trung Quốc vào đầu tư ở Việt Nam, ngoài những lợi thế về chính sách ưu đãi, các nhà máy của Trung Quốc thường có quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại lại được người dân cho nợ tiền bán nguyên liệu… đã gián tiếp đưa những DN như của chị Giang đến sự cạnh tranh không cân sức.

“Các nhà máy chế biến gỗ của Trung Quốc thường mua nguyên liệu tại Việt Nam với giá cao, nhưng họ lại được người dân cho nợ tiền mua nguyên liệu. Trong khi các DN Việt Nam muốn mua nguyên liệu sẽ phải đẩy chi phí lên cao, điều này đã dẫn đến việc cạnh tranh bất bình đẳng và với quy mô và nguồn vốn nhỏ, các DN của Việt Nam đang mất dần thị trường”, bà Giang cho hay.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung đưa doanh nghiệp Việt vào thế cạnh tranh không cân sức - Ảnh 1.

Cạnh tranh với sản phẩm xuất khẩu cùng loại được sản xuất bởi DN FDI khiến nhiều DN Việt Nam gặp khó khăn. (Ảnh minh họa: KT)

Một điều đáng lo ngại, theo bà Giang, là lợi dụng mặt hàng gỗ của Việt Nam có ưu thế xuất khẩu vào thị trường Mỹ vì đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu, một số DN trong nước còn nhập khẩu sản phẩm từ quốc gia khác, dán nhãn sản phẩm của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

“Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ rất dễ bị phía Mỹ đánh thuế chống bán phá giá và khi đó, ngành gỗ dán của Việt Nam cũng sẽ không khác gì mặt hàng thép hiện nay đang bị đánh thuế chống bán phá giá quá cao”, bà Giang hoang mang.

Để kiểm soát được tình trạng bất lợi như hiện nay, bà Giang đề xuất Nhà nước cần kiểm soát hết sức chặt chẽ vấn đề nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam. Bởi có những DN chỉ nhập sản phẩm về sau đó dán nhãn xuất xứ lên rồi xuất khẩu, khi đó sản phẩm sẽ rất khó kiểm soát về vấn đề nguồn gốc xuất xứ, càng làm giảm tính cạnh tranh của các DN Việt.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc cần được kiểm soát đặc biệt. Vì với quy mô cũng như lợi thế của mình, các DN FDI sẽ kiểm soát toàn bộ nguồn nguyên liệu cũng như thống lĩnh được thị trường xuất khẩu của DN Việt Nam.

Cảnh giác với chiêu "đội lốt" nhãn mác Việt để "né" thuế

Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa, ông Hoàng Trung Thành, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Trang Thành chia sẻ, Mỹ luôn là thị trường lớn nên có nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam gia tăng xuất khẩu, nhưng cũng sẵn sàng đánh thuế đối phó với các hành vi gian lận thương mại.

Theo ông Thành, khi Mỹ đánh thuế cao đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc, xu hướng dịch chuyển hàng hóa qua thị trường khác để xuất khẩu là điều đương nhiên để các DN Trung Quốc sẽ thực hiện. 

Do đó, để tránh vướng vào những rắc rối khi thị trường Mỹ trở nên cẩn trọng hơn, DN phải đảm bảo tuân thủ những quy tắc, quy định không chỉ về chất lượng, xuất xứ hàng hóa mà còn cả các quy định liên quan tới lao động, tiêu chuẩn vệ sinh, nhà xưởng…

Cùng quan điểm này, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhựa Rạng Đông cũng cho biết, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, đã có làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất vào thị trường Việt Nam, trong đó có ngành nhựa của các DN Trung Quốc nhằm giảm chi phí lao động đang tăng cao của Trung Quốc.

Động thái này theo ông Lam nếu nhìn qua có thể thấy người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận thêm nguồn cung sản phẩm nhựa với giá rẻ hơn. 

Nhưng ở một diễn biến khác, các DN nhựa trong nước sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi phải cạnh tranh trực tiếp với DN Trung Quốc, nhất là khi sản phẩm của họ có thể đội lốt nhãn mác của Việt Nam để “né” thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.

Sớm có quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ

Cảnh báo từ thực trạng này, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép Việt Nam có xuất xứ từ Đài Loan và Hàn Quốc thực chất là tạo nên một cản thương mại.

“Khi quốc gia nào muốn bảo vệ nền sản xuất trong nước, họ sẽ áp dụng triệt để các quy định về quy tắc xuất xứ để hạn chế việc nhập khẩu sản phẩm đó vào thị trường.  Cho nên, Việt Nam cần sớm có quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ cho từng nhóm mặt hàng cũng như từng sản phẩm”, bà Hương đề xuất.

Lý giải rõ thêm cho đề xuất này, bà Hương cho rằng, quy tắc xuất xứ sẽ chỉ phù hợp ở từng giai đoạn và ứng với từng loại sản phẩm. Mỗi quốc gia đều có thể đưa ra những quy định riêng cho từng nhóm sản phẩm hàng hóa nhập khẩu ở những thời điểm khác nhau.

“Nhiều khi những quy định về xuât xứ hàng hóa có thể đúng và phù hợp tại Việt Nam, nhưng tại thị trường xuất khẩu lại không đúng và bị cản trở bởi các quy định riêng để hạn chế hàng hóa nhập khẩu. Chính vì thế, các cơ quan quản lý cũng như các DN cần phải hết sức linh hoạt vì điều này”, bà Hương khuyến cáo.

Nguyễn Quỳnh

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.