Hàng hóa Trung Quốc giỏi luồn lách qua bức tường thuế quan Mỹ
"CÁCH DỄ DÀNG để tránh Thuế quan? Chế tạo hoặc sản xuất hàng hóa và sản phẩm tại nước Mỹ tốt đẹp. Rất đơn giản!"
Đây là lời khuyên cựu Tổng thống Donald Trump dành cho những công ty dùng Trung Quốc làm cơ sở sản xuất. Ông đã đúng một nửa: Tránh thuế quan là điều đơn giản. Nhưng điều ông không thấy được là tránh né là chiến lược khả thi tuyệt vời cho doanh nghiệp ở lại Trung Quốc.
Quy mô né tránh thuế quan của doanh nghiệp rất lớn. Sự chênh lệch khổng lồ giữa dữ liệu thương mại Mỹ và Trung Quốc cho thấy cái nhìn về việc né tránh thuế quan diễn ra trong ba năm qua kể từ khi Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm Trung Quốc. Phần lớn liên quan đến nhà nhập khẩu lợi dụng kẽ hở pháp lý. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp thậm chí còn nói dối trắng trợn với thanh tra hải quan.
Như thể hiện trong biểu đồ dưới đây, con số nhập khẩu mà Mỹ đưa ra luôn cao hơn con số xuất khẩu của phía Trung Quốc.
Theo tính toán của tờ The Economist, tổng giá trị hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc đi vào Mỹ và né thuế quan có thể đã vượt quá 100 tỷ USD trong 2021. Con số này tương đương với nguồn nhập khẩu lớn thứ 4 của Mỹ, vượt quá cả hàng hóa mua từ Đức và Nhật Bản.
Nếu 100 tỷ USD này được tính vào dữ liệu chính thức thì thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ xô đổ kỷ lục 2021 – bằng chứng đanh thép cho thấy sự thất bại của việc dùng thuế quan để thu hẹp thâm hụt với Trung Quốc.
Đầu tiên, hãy nhìn vào dữ liệu chính thức của Mỹ. Theo số liệu công bố ngày 8/2, Mỹ mua 506 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm ngoái, cao hơn 16% năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn đỉnh nhập khẩu năm 2018.
Dữ liệu thương mại của Trung Quốc khác biệt hoàn toàn. Chúng cho thấy Mỹ mua 576 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc năm ngoái, cao hơn 30% so với 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Khoảng cách này đặc biệt đáng chú ý vì trong quá khứ, Trung Quốc có xu hướng đánh giá thấp kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ khoảng 18%. Một trong những lý do là Trung Quốc phân loại nhiều hàng hóa vận chuyển tới Mỹ qua Hong Kong là hàng xuất khẩu sang Hong Kong, còn bên Mỹ tính chúng là đồ nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu nguyên tắc đánh giá thấp 18% vẫn còn đúng thì xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ có thể đã đạt tới 680 tỷ USD vào năm ngoái, cao hơn 174 tỷ USD so với số liệu mà Mỹ báo cáo.
Loạt chiêu trò
Mánh khóe nào đã được sử dụng? Một trong số đó là lợi dụng quy tắc "de minimis" (không đáng kể). Theo quy tắc này, các nước không đánh thuế và không thu thập đầy đủ dữ liệu đối với hàng nhập khẩu có giá trị thấp hơn ngưỡng nhất định. Hầu hết các nước phát triển đặt ngưỡng tối thiểu vào khoảng 200 USD.
Nhưng năm 2016, do mong muốn tập trung nguồn lực hải quan quý giá vào các đơn hàng giá trị cao, Mỹ đã nâng hạn mức lên 800 USD, khoét ra lỗ hổng lớn cho phép doanh nghiệp né thuế quan.
Trong 12 tháng tính đến tháng 9/2021, quan chức hải quan Mỹ thống kê đã có 771,5 triệu gói hàng "de minimis" vào nước này – nhiều hơn khoảng 20% giai đoạn trước đó – và không ước tính giá trị thực của chúng.
Một số công ty logistics trụ sở tại Mỹ giờ cung cấp dịch vụ cho các nhà nhập khẩu trong nước, cho phép khách chuyển hàng số lượng lớn đến Mexico hoặc Canada rồi tách chúng thành các đơn nhỏ để vào Mỹ mà không cần nộp thuế quan.
Một số doanh nghiệp cũng có thể tránh thuế quan bằng cách cung cấp thông tin sai lệch cho thanh tra hải quan. Báo cáo của hai nhà kinh tế thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ - Hunter Clark và Anna Wong – chỉ ra rằng nhà nhập khẩu Mỹ có thể sử dụng "hóa đơn thấp hơn giá trị thực tế được xuất bởi nhà cung cấp Trung Quốc".
Dường như cũng có sự gia tăng của hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhưng được gắn mác giả là xuất xứ từ nước khác. Từ 2016, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên phòng Mỹ đã công bố hồ sơ về các cuộc điều tra về các trường hợp nghi ngờ trốn thuế chống bán phá giá.
Trong hai năm qua, cơ quan này đã thực hiện 37 cuộc điều tra như vậy, tăng từ 24 cuộc điều tra trong ba năm trước đó. Hầu như tất cả đều liên quan đến sản phẩm từ Trung Quốc.
Ví dụ trong tháng 1, thanh tra hải quan Mỹ xác định rằng công ty đồ nội thất Simpli Home đã nhập khẩu thạch anh từ Trung Quốc nhưng lại khai chúng đến từ Việt Nam. Tháng 12 năm ngoái, cán bộ hải quan phát hiện nhà cung cấp nguyên liệu dược phẩm A&A Pharmachem đã chuyển kẹo cao su xanthan do Trung Quốc sản xuất qua Ấn Độ để tránh thuế.
Bằng việc siết chặt luật lệ và kiểm tra kỹ càng hàng hóa hơn, Mỹ có thể chặn bớt hành vi tránh thuế. Nhưng việc này đòi hỏi chuyên môn và thời gian – đúng lúc các cảng biển Mỹ đang tắc nghẽn nặng nề. Các quan chức muốn đẩy nhanh tiến độ chuyển hàng chứ không phải cản trở chúng với việc kiểm tra nhiều hơn.