|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai động lực thôi thúc Mỹ quay lại Mặt Trăng: Nhiên liệu tên lửa và bước tiến của Trung Quốc

07:11 | 19/09/2022
Chia sẻ
Sự cạnh tranh chiến lược với chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc đang thúc đẩy những nỗ lực trở lại Mặt Trăng của Mỹ sau hơn nửa thế kỷ. Hiện cả hai cường quốc hàng đầu thế giới đều đặt mục tiêu thiết lập căn cứ đầu tiên trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất này.

Theo hãng tin AP, sau cuộc đua lên Mặt Trăng giữa Mỹ và Liên Xô vào những năm 1960, các nhà lãnh đạo chính trị, quốc phòng và tình báo Mỹ đều nhận thức rõ hàng loạt thách thức chiến lược mà chương trình không gian của Trung Quốc gây ra cho Mỹ. “Gã khổng lồ châu Á” đang nhanh chóng bắt kịp những thành tựu của Mỹ đồng thời tạo nên những dấu ấn của riêng họ.

Phía Mỹ đang lo ngại việc Trung Quốc đi đầu trong lĩnh vực thăm dò không gian và khai thác thương mại, cũng như các tiến bộ khoa học và công nghệ có thể trao cho quốc gia tỷ dân này vị trí quyền lực trong lĩnh vực không gian.

Trong một phát biểu mới đây, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Jim Inhofe đến từ bang Oklahoma cho rằng trong một thập kỷ, Mỹ đã đi từ vị trí dẫn đầu về thăm dò không gian thành một trong hai nước ganh đua nhau.

Tàu vũ trụ của Trung Quốc hạ cánh ở Khu tự trị Nội Mông, ngày 16/4/2022. (Ảnh: Xinhua/AP).

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang chờ ngày phóng mới trong tháng này hoặc tháng tới để tiến hành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, đánh dấu giai đoạn Artemis I. Hai lần thử nghiệm trước đó đều đã bị hủy do các vấn đề kỹ thuật.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng trong thập kỷ này và thiết lập một trạm nghiên cứu robot trên vệ tinh này. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có kế hoạch thiết lập căn cứ cho các phi hành đoàn trên cực nam của Mặt Trăng sau đó.

Trước những động thái trên, một số chuyên gia đã chỉ ra những khác biệt lớn trong cuộc ganh đua hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc với cuộc đua giữa Mỹ và Liên Xô trong quá khứ.

Theo đó, lần này, cả Mỹ và Trung Quốc đều coi chương trình Mặt Trăng là “bàn đạp” để tiến hành các chương trình theo từng giai đoạn nhằm khám phá rồi tiến đến khai thác nguồn tài nguyên cũng như cơ hội kinh tế và chiến lược chưa được khai thác trên Mặt Trăng, sao Hỏa và không gian nói chung.

Ngoài những thành tựu về công nghệ, khoa học và việc làm đi kèm với chương trình không gian, những người Mỹ ủng hộ chương trình Artemis chỉ ra tiềm năng khai thác khoáng sản và nước đóng băng trên Mặt Trăng, hoặc sử dụng Mặt Trăng làm cơ sở để tìm kiếm các tiểu hành tinh.

Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã đặc biệt nhấn mạnh đến triển vọng khai khoáng. Bên cạnh đó, tiềm năng về du lịch và các nỗ lực thương mại khác cũng được đề cập đến.

Theo ông Aaron Bateman, Giáo sư lịch sử và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington và là thành viên của Viện Chính sách Không gian, các chương trình Mặt Trăng gửi đi tín hiệu rằng không gian sẽ là một đấu trường cạnh tranh về cả ưu thế trong những kỹ thuật tiên tiến lẫn mặt trận quân sự.

Ông Bateman đánh giá những người ủng hộ Artemis và những người coi nó như một công cụ cạnh tranh, muốn Mỹ tham gia định hình tương lai thám hiểm trên các thiên thể khác. Tuy nhiên, trong năm nay, cộng đồng tình báo Mỹ đã cảnh báo Bắc Kinh đang nỗ lực bắt kịp, thậm chí vượt Mỹ về năng lực không gian để thu về những lợi ích quân sự, kinh tế mà Washington có được nhờ vị trí dẫn đần trong lĩnh vực không gian.

Tháng trước, một nhóm nghiên cứu do Lầu Năm Góc chỉ định đã đưa ra dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc số 1 về thăm dò không gian vào năm 2045.

Hiện tại, giống như Mỹ, Trung Quốc đã có xe thám hiểm trên sao Hỏa. Trước đó, Trung Quốc là nước đầu tiên hạ cánh mềm lên nửa tối của Mặt Trăng, tức là nửa không thể nhìn thấy từ Trái Đất. Các phi hành gia Trung Quốc cũng đang trong quá trình hoàn thiện một trạm vũ trụ thường trực trên quỹ đạo.

Ông Bateman nhấn mạnh không phải là một sự trùng hợp khi trong giai đoạn cạnh tranh giữa các cường quốc hiện nay, Mỹ đang đầu tư nguồn lực để trở lại Mặt Trăng. Theo ông Bateman, thời gian sẽ trả lời câu hỏi sự trở lại lần này có phải là bước đệm cho một chương trình bền vững hay không.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Chris Coons đến từ bang Delaware và là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho rằng sự cạnh tranh không hẳn là một điều xấu, khi cuộc đua với Trung Quốc có thể đảm bảo sự quan tâm lâu dài hơn của Mỹ đối với chương trình không gian.

Quan trọng hơn, cuộc cạnh tranh này không chắc có thể dẫn đến xung đột. Ông Coons ví đây giống như Thế vận hội và mỗi bên sẽ nỗ lực đạt kết quả cao hơn và nhanh hơn. Kết quả là nhân loại sẽ được hưởng lợi.

Hiệp ước không gian của Liên Hợp Quốc năm 1967 đã cấm bất kỳ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền đối với một thiên thể, đặt căn cứ quân sự trên đó hoặc đưa vũ khí hủy diệt hàng loạt vào không gian.