|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ

10:30 | 26/11/2021
Chia sẻ
Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 thập kỷ qua nhưng khó có thể chiến thắng trong cuộc đua đường dài với Mỹ vì một lý do ít ai ngờ tới: Trung Quốc sắp thiếu người.

Trung Quốc và Mỹ, nước nào hùng mạnh hơn? Thật khó để đưa ra một câu trả lời tuyệt đối.

Nếu xét theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa, Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi quy đổi theo tiêu chí ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2017. Nếu xét theo bình quân đầu người, Mỹ vẫn đang bỏ xa Trung Quốc dù tính bằng giá danh nghĩa hay điều chỉnh theo sức mua.

Hải quân Trung Quốc có nhiều tàu chiến hơn so với Hải quân Mỹ từ năm 2019, nhưng tất nhiên các tàu của Mỹ lớn hơn và hiện đại hơn. Tính riêng số tàu sân bay hạt nhân, Mỹ vẫn là số 1 thế giới.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 1.

Giữa tháng 11 này, hãng tư vấn McKinsey công bố một báo cáo mới cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành quốc gia có giá trị tài sản ròng (hay tài sản trừ đi nợ) lớn nhất thế giới. Động lực chính là giá bất động sản tăng mạnh giúp cho tài sản của các hộ gia đình lên cao.

Dù tương quan giữa hai nước hiện nay có ra sao thì trong vài thập kỷ tới, Trung Quốc vẫn sẽ hụt hơi khi chạy đua với Mỹ. Lý do là Trung Quốc sẽ thiếu nguồn nhân lực.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 2.

Tại sao quốc gia đông dân nhất thế giới lại có thể thiếu người? Nguồn cơn câu chuyện bắt đầu từ hơn 40 năm trước khi Trung Quốc ban hành chính sách một con nổi tiếng.

Dân số Trung Quốc vào đầu thập niên 80 đã chạm mốc 1 tỷ người, tương đương 1/4 toàn cầu. Trong đó, khoảng 25% dân số mù chữ và 80% sống ở vùng nông thôn nghèo khó. Trung Quốc lo bùng nổ dân số sẽ nhấn chìm động lực tăng trưởng của đất nước.

Vì vậy vào năm 1980, chính phủ Bắc Kinh đã ra quy định: Mỗi cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con. Một số ít ngoại lệ bao gồm người dân tộc thiểu số, những gia đình mà con đầu bị dị tật hoặc khi cha và mẹ đều là con một.

Chính sách này vấp phải sự phản ứng khá dữ dội từ dân chúng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn – nơi có dân trí thấp và các gia đình đã quen với việc sinh nhiều con. Trước khi có máy kéo giúp việc đồng áng, các gia đình buộc phải đẻ nhiều con để gia tăng năng suất đất trồng.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã hành động rất mạnh tay. Những phụ nữ mang thai đứa con thứ 2 sẽ bị phạt nặng và buộc nạo phá, kể cả đã trong những tháng cuối của thai kỳ. Nhiều người bị cưỡng ép triệt sản.

Hệ quả của chính sách hà khắc này là tổng tỷ suất sinh (Total Fertility Rate - TFR) sụt giảm nhanh chóng và dân số tăng trưởng chậm hơn hẳn so với trước.

Năm 1965, mỗi phụ nữ Trung Quốc có bình quân 6,4 người con. Đến 1990, sau 10 năm áp dụng chính sách một con, TFR giảm còn 2,3. Đến 2015, khi chính sách một con được gỡ bỏ, TFR chỉ còn gần 1,7.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 2.

Tại sao lại nói chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc là hiệu quả tới mức đáng sợ? Bởi tổng tỷ suất sinh 1,7 là không đủ để duy trì ổn định dân số quốc gia.

Mỗi cặp vợ chồng cần phải sinh hai người con để thay thế vai trò của cha mẹ trong xã hội. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào được sinh ra cũng có thể sống đến lúc trưởng thành và tiếp tục sinh con. Vì vậy, tổng tỷ suất sinh ở các nước phát triển phải là 2,1 để bù đắp cho số trẻ tử vong sớm. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong ở trẻ em cao hơn nên TFR được khuyến nghị phải đạt 2,2.

TFR chỉ là 1,7 đồng nghĩa với việc đến một lúc nào đó, số trẻ được sinh ra không đủ đề bù đắp số người chết đi và dân số sẽ suy giảm, nền kinh tế thiếu đi động lực để phát triển và chuyển sang thoái trào.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 4.

Trung Quốc áp dụng chính sách một con trong 35 năm từ 1980 đến 2015, tức là những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào năm 2015 đã phải sống gần như toàn bộ quãng đời của mình trong thời gian chính sách một con có hiệu lực. Số trường hợp ngoại lệ là khá ít.

Vậy tại sao tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc vào năm 2015 lại có thể là 1,7? Hay nói cách khác, nếu đại đa số phụ nữ chỉ được phép có một con thì vì sao số con trung bình trên mỗi phụ nữ có thể là 1,7?

Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã đặt ra câu hỏi tương tự và đi đến kết luận rằng Bắc Kinh đã cố ý thổi phồng tỷ suất sinh cũng như tổng quy mô dân số.

Theo Tiến sĩ Yi Fuxian, một chuyên gia về sản phụ khoa tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), vào năm 2000 và 2010, Trung Quốc thông báo tổng tỷ suất sinh lần lượt là 1,8 và 1,63 nhưng con số thực tế gần với 1,22 và 1,18 hơn.

Sở dĩ Tiến sĩ Fuxian đưa ra con số TFR thấp hơn đáng kể là vì ông tham chiếu theo dữ liệu hộ khẩu và số học sinh tiểu học. Trung Quốc có thể thổi phồng số liệu trong các cuộc thống kê dân số nhưng không thể làm giả một cách thống nhất tất cả số liệu nhân khẩu học liên quan.

Tuy nhiên, ngay cả ước tính TFR bằng 1,18 nhiều khả năng vẫn cao hơn so với thực tế. Nguyên nhân là chính quyền địa phương thường báo cáo tăng số học sinh trên địa bàn để được cấp nhiều ngân sách hơn.  

Theo một bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), thành phố Giới Thủ ở tỉnh An Huy từng khẳng định có 51.586 học sinh tiểu học vào năm 2012 trong khi con số thực tế chỉ là 36.234, thấp hơn 30%. Nhờ việc khai man này, chính quyền Giới Thủ đã lấy thêm được khoảng 1,63 triệu USD ngân sách nhà nước.

Từ năm 2004 đến 2009, Trung Quốc báo cáo có tổng cộng 104 triệu học sinh lớp 1 (tuổi từ 6 đến 11), khá khớp với con số 105 triệu trẻ em ra đời trong giai đoạn 1998 – 2003 mà Cục Thống kê Quốc gia đã công bố. Vậy nhưng theo khảo sát trong hệ thống hộ khẩu năm 2010, Trung Quốc chỉ có 84 triệu trẻ em tuổi từ 7 đến 12. Trong giai đoạn từ 2012 đến 2017, Trung Quốc lại chỉ báo cáo 86 triệu trẻ em lớp 9.

Do những sai lệch trên, Tiến sĩ Yi Fuxian cho rằng dân số Trung Quốc vào năm 2020 đúng ra phải là 1,28 tỷ người, ít hơn 130 triệu so với con số 1,41 tỷ người mà chính quyền Bắc Kinh công bố. Nói khác đi, đất nước đông dân nhất thế giới là Ấn Độ chứ không phải Trung Quốc.

Tạp chí Y khoa danh tiếng The Lancet dự báo dân số Trung Quốc vào năm 2100 sẽ chỉ bằng khoảng một nửa so với con số chính thức hiện nay, tức là 732 triệu người.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 5.

Trong 40 năm từ đầu thập niên 1980 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng phi mã, trong vài năm tới có thể vẫn phát triển với tốc độ đáng nể, đó là thành quả ngắn hạn của chính sách một con.

Tạm thời không nhắc đến việc quy mô dân số Trung Quốc là 1,2 tỷ hay 1,4 tỷ, đông dân nhất hay nhì thế giới, mà chỉ xem xét phân bố theo độ tuổi. Nhìn vào tháp dân số dưới đây, có thể thấy số người trong mỗi nhóm tuổi lao động (20-24 hoặc 25-29, 30-34, …) nhiều hơn hẳn số trẻ em trong các nhóm tuổi 0-4 hoặc 5-9, 10-14, …

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 3.

Khi gia đình chỉ có một con, cha mẹ sẽ rảnh tay phấn đấu cho sự nghiệp, ít nghỉ thai sản, ít phải nghỉ chăm con ốm, có thể thức khuya làm việc tạo thu nhập thay vì thức thay tã cho con. Tổng sản lượng quốc gia do vậy tăng lên mạnh mẽ.

Kinh tế Trung Quốc đang được thúc đẩy chính bởi hai nhóm đang "phình ra" trong tháp dân số. Nhóm thứ nhất có độ tuổi 25-34, tượng trưng cho sức trẻ và xu hướng tiêu dùng mạnh mẽ.

Nhóm thứ 2 có độ tuổi từ 45 đến 59, với đặc điểm là ít vướng bận con cái (do trưởng thành trong giai đoạn chính sách một con có hiệu lực), có thu nhập và năng suất lao động cao do kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau hàng chục năm lao động.

Tuy vậy, nhóm thứ 2 này sẽ sớm đến tuổi nghỉ hưu. Quá trình nghỉ hưu đến rất chậm rãi nhưng đồng thời cũng rất đột ngột. Ngày hôm nay, một người 65 tuổi đang đi làm và đóng mức thuế suất thu nhập cá nhân thuộc loại cao nhất trong xã hội. Ngày hôm sau, người này ngồi nhà chơi cây cảnh và nhận lương hưu thay vì nộp thuế.

Tầng lớp kế cận – những người sẽ đóng thuế để trả lương hưu cho nhóm người già này – lại đang ngày càng nhỏ đi do tỷ lệ sinh thấp. Một đứa trẻ Trung Quốc khi lớn lên sẽ phải chăm lo cho 4 ông bà nội ngoại và hai bố mẹ - một gánh nặng rất lớn.

Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tại Trung Quốc liên tục tăng trong 50 năm qua còn tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi lại suy giảm và đi ngang.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 4.

Liên Hợp Quốc dự báo tỷ lệ người phụ thuộc của Trung Quốc sẽ tăng với tốc độ nhanh tương đương với Nhật Bản, quốc gia có dân số suy giảm kể từ năm 2011.

Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì Trung Quốc sẽ bán bỉm cho người già nhiều hơn bỉm cho trẻ nhỏ, giống như Nhật Bản hiện nay.

Nói một cách công bằng thì dân số suy giảm là căn bệnh trầm kha của nhiều nền kinh tế. Đời sống càng đi lên, người dân càng ít sinh đẻ. Tổng tỷ suất sinh của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, … đều dưới ngưỡng 2,1 cần thiết để duy trì ổn định dân số. TFR của Hàn Quốc thậm chí còn dưới 1.

Tuy nhiên các quốc gia này đều là các nước công nghiệp phát triển với GDP bình quân đầu người cao gấp nhiều lần Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc chưa đuổi kịp các cường quốc khác về độ giàu nhưng đã bắt kịp về độ già.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 5.

Việt Nam (đường màu tím) vẫn duy trì tổng tỷ suất sinh trên 2, đủ để duy trì quy mô dân số.

Năm 1980, khi mới áp dụng chính sách một con, độ tuổi trung vị của Trung Quốc là 22 (tức là một nửa dân số dưới 22 tuổi và một nửa kia trên 22 tuổi). Cùng năm này, độ tuổi trung vị của Mỹ là 30. Đến năm 2020, tuổi trung vị của cả hai nước đều bằng 38. Mỹ già thêm 8 tuổi còn Trung Quốc thêm 16 tuổi.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 9.

Sự suy giảm dân số nói chung và suy giảm lực lượng lao động nói riêng sẽ dẫn tới những hệ lụy tai hại về kinh tế. Doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ ngại đầu tư mở rộng công suất dài hạn nếu thị trường tiêu thụ cứ teo tóp dần theo thời gian.

Trung Quốc luôn tìm đủ cách để công bố những con số hoa mỹ về số trẻ em ra đời cũng như quy mô dân số, cốt là để các tập đoàn kinh tế thấy rằng đất nước vẫn còn là một thị trường đầy tiềm năng. Mới đây nhất, hôm 24/11/2021, chính phủ bất ngờ tuyên bố số trẻ em sinh trong giai đoạn 2000 – 2010 cao hơn 11,6 triệu so với thống kê trước đó.

Nỗ lực bóp méo số liệu của Bắc Kinh khiến cho kết luận của các nghiên cứu bị sai lệch, gây tổn hại cho nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực. 

Chẳng hạn, số nhà ở được xây quá nhiều so với số người thực tế, số hàng hóa được sản xuất cũng nhiều hơn mức cần thiết, dẫn tới thừa mứa.

Quan chức Trung Quốc cũng hiểu rằng "không thể chữa trọng bệnh bằng thuốc giảm đau", và đã cố tìm nhiều phương cách để thực sự nâng quy mô dân số.

Cuối 2015, Trung Quốc tuyên bố chấm dứt chính sách một con, cho phép mỗi cặp vợ chồng được có tối đa hai con kể từ 1/1/2016.

Tháng 3/2018, Trung Quốc giải thể Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và thành lập Ủy ban Y tế Quốc gia. Tiến sĩ Yi Fuxian nhận định: "Đây là một thay đổi mang tính lịch sử, cho thấy Trung Quốc chuyển từ kiểm soát dân số sang phát triển dân số".

Ngày 31/5/2021, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng, cho phép mỗi gia đình được có ba con.

Bất chấp nỗ lực của giới lãnh đạo, tỷ suất sinh thô của Trung Quốc suy giảm trong ba năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019 khi chính sách hai con có hiệu lực. Khi mà chính sách hai con không có tác dụng kích thích sinh đẻ thì ban hành chính sách ba con cũng bằng thừa.

Trung Quốc 'tự bắn vào chân mình', dễ hụt hơi trong cuộc đua đường dài với Mỹ - Ảnh 6.

Reuters dẫn lời nhà xã hội học Yifei Li tại Đại học New York Thượng Hải nhận xét: "Người dân không sinh đẻ không phải vì giới hạn hai con mà là vì chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc ngày nay cực kỳ cao. Tiền nhà, tiền ăn, đi lại, vui chơi, … đều rất tốn kém. Chỉ nâng giới hạn số con sẽ không thay đổi quyết định của mọi người".

Những năm gần đây chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực đảo ngược chính sách dân số. Các khẩu hiệu trước đây mang nội dung dọa nạt thì nay lại chuyển sang khuyến khích đẻ nhiều. Chính quyền ngày trước mạnh tay trừng phạt người sinh con thứ 2 thì nay lại thưởng tiền cho những cặp vợ chồng sinh nhiều con.

Một bà mẹ 30 tuổi tại thành phố Trịnh Châu nói: "Tôi thậm chí không muốn sinh đứa con thứ 2, đẻ đứa thứ 3 là điều không thể".

Có thể nói chính sách một con như là phát súng mà Trung Quốc đã tự bắn vào chân mình, tác hại của nó không bộc phát ngay mà đến gần đây mới dần hiện ra. Bắc Kinh vội vàng chạy chữa để không bị thua thiệt trong cuộc đua bá chủ toàn cầu nhưng càng chữa bệnh càng nặng.

Thì ra biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiệu quả nhất không phải là bao cao su, thuốc tránh thai hay triệt sản mà là sự phát triển kinh tế và trình độ dân trí.

Khi mức sống của người dân lên cao, tỷ suất sinh sẽ tự động giảm xuống mà không cần bất kỳ can thiệp nào của chính phủ. Dù có cho thêm tiền người dân cũng không muốn đẻ nhiều. Thực tế ở Nhật Bản, Mỹ, và nhiều nước châu Âu đã chứng minh điều đó.

Trung Quốc dành ra 35 năm để gò ép nhận thức của hơn 1 tỷ người dân trong nước rằng chỉ một con là đủ, một con là tuyệt vời nhất. Tư tưởng gia đình một con đã ăn sâu bén rễ trong đầu người Trung Quốc và không dễ gì thay đổi được.

Đức Quyền - Song Ngọc