Bùng nổ công nghiệp thú cưng: Sẵn sàng chi tiền thuê máy bay riêng, làm dịch vụ tang lễ cho chó mèo
Tại Hà Nội, chị Lê Bùi, một nhân viên trong ngành công nghệ và là chủ của ba chú mèo, chia sẻ với Nikkei Asia rằng ngành công nghiệp thú cưng đang phát triển nhờ sự thay đổi trong cách sống của người dân, đặc biệt là khi đời sống ngày càng khá giả hơn.
“Ngày càng có nhiều người quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Nếu sống một mình, có thú cưng sẽ giúp cuộc sống vui vẻ hơn”, chị Lê, 35 tuổi, nói. Mỗi tháng, chị chi khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng để chăm sóc mèo. “Thật dễ chịu khi về nhà có thú cưng chờ đón. Nuôi thú cưng cũng là cách để cha mẹ dạy con biết quan tâm và chia sẻ”.
“Trước đây, người Việt còn nghèo nên chỉ lo đủ ăn. Bây giờ, chúng tôi bắt đầu chú ý hơn đến tinh thần và cảm xúc. Đó là lý do ngành này phát triển nhanh. Tôi nghĩ một phần cũng nhờ kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn so với khu vực”.

Thú cưng như chó mèo ngày càng trở thành một người bạn tinh thần của giới trẻ. (Ảnh: Đức Huy).
Việc xem thú cưng như thành viên trong gia đình cũng thể hiện qua cách cho ăn. Nhiều người không còn dùng thức ăn thừa, mà chuyển sang mua thực phẩm riêng cho thú cưng, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng. Theo khảo sát của Euromonitor năm 2024, có 20% người ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thú ăn thức ăn thừa hằng ngày, giảm so với 25% vào năm 2021.
Thị trường chăm sóc thú cưng tại Việt Nam còn nhỏ so với nhiều nước trong khu vực. Tuy vậy, theo dự báo của Euromonitor, đây là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng hơn 30% trong giai đoạn 2024–2029.
Không riêng Việt Nam, xu hướng này đang ngày càng phát triển tại châu Á, mở ra cơ hội kinh doanh trị giá hàng tỷ đô la cho các đơn vị cung cấp sản phẩm và dịch vụ dành cho thú cưng. Từ thức ăn, chăm sóc sức khỏe đến công nghệ và du lịch, nhu cầu ngày càng cao.
Khi đời sống người dân khá hơn, họ sẵn sàng chi nhiều tiền cho thú cưng như một người bạn đồng hành. Đại dịch COVID-19 cũng góp phần khiến xu hướng này lan rộng hơn.

Theo công ty phân tích dữ liệu Euromonitor International, việc thú cưng ngày càng được coi như thành viên trong gia đình đang thúc đẩy mạnh mẽ thị trường.
Dự báo đến năm 2029, thị trường thức ăn và sản phẩm cho thú cưng tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt 34,8 tỷ USD, tăng 20% so với hiện tại. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm sẽ đạt 4%. Mức tăng này cao hơn nhiều so với Bắc Mỹ (2,5%) và gần gấp đôi Tây Âu (2,1%).
Bà Sahiba Puri, chuyên gia cấp cao tại Euromonitor, chia sẻ với Nikkei Asia rằng triển vọng tăng trưởng của ngành thú cưng ở khu vực này không chỉ phù hợp với các doanh nghiệp đang hoạt động mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới tham gia.
Theo bà, các yếu tố như mẫu mã sản phẩm mới, chú trọng đến sức khỏe, thành phần có công dụng rõ ràng và hệ thống phân phối đa dạng qua cửa hàng thú cưng, sàn thương mại điện tử và bán trực tiếp tới người tiêu dùng đã giúp nhiều startup tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Tuy nhiên, thị trường thú cưng không chỉ xoay quanh thức ăn. Nhiều sản phẩm và dịch vụ khác cũng đang phát triển mạnh, từ quần áo cho thú cưng, thiết bị công nghệ hỗ trợ thú y đến bảo hiểm. Ngay cả lĩnh vực du lịch cũng ghi nhận nhu cầu tăng cao đối với dịch vụ dành cho thú cưng.
Theo Euromonitor, ba công ty dẫn đầu về doanh thu trong lĩnh vực chăm sóc thú cưng tại châu Á – Thái Bình Dương năm 2023 là Mars (Mỹ), Inaba Petfood và Unicharm (Nhật Bản). Trên toàn cầu, ba cái tên lớn nhất là Nestlé, Mars và Colgate-Palmolive.
Chẳng hạn, LG Uplus (Hàn Quốc) đã phối hợp với hãng hàng không Jeju Air để tổ chức các chuyến bay thuê riêng cho thú cưng và chủ nuôi. Năm ngoái, họ đã thực hiện bốn chuyến bay như vậy. Trong chuyến bay thứ tư vào tháng 10, từ Seoul đến Jeju, giá vé là 750.000 won cho ba chỗ ngồi, gồm hai người và một thú cưng. Ba chuyến trước đó đều bán hết vé.
Tại Việt Nam, xu hướng coi thú cưng như thành viên trong gia đình ngày càng rõ rệt. Điều này diễn ra song song với việc nhiều người trẻ dần từ bỏ món thịt chó - món ăn vẫn còn phổ biến đối với những người lớn tuổi. Theo các chuyên gia, xu hướng này trở nên mạnh hơn trong thời gian đại dịch, khi việc giãn cách khiến mọi người tìm đến thú cưng như một nguồn an ủi và gắn bó tinh thần.
Dịch vụ thú y là một phần quan trọng trong thị trường chăm sóc thú cưng. Trong một số trường hợp, đây cũng là cơ hội để các công ty công nghệ mới tham gia và phát triển.
Ngay cả khi thú cưng qua đời, nhiều dịch vụ vẫn được duy trì. Tại Việt Nam, dịch vụ mai táng và nghĩa trang cho thú cưng khá phổ biến. Chi phí cho những dịch vụ này có thể khá cao.
Chị Lê Bùi nói trên từng tính toán chi phí để tiễn biệt một thú cưng cũ của mình. “Khi con mèo tên Dừa mất, tôi đưa bé đến một nghĩa trang ở Bạch Mai”, chị kể.
“Chi phí hỏa táng là 12 triệu đồng. Nếu chọn chôn cất thì hết 30 triệu. Họ lo trọn gói, từ cúng bái, tụng kinh, làm lễ 49 ngày đến các nghi lễ khác”, Lê nói.
“Với thú cưng thì tôi nghĩ chỉ có tụng kinh. Nghi lễ này mang ý nghĩa bé đã về với Phật”, chị nói thêm.