Chuỗi nghỉ dưỡng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính thu gần 40 tỷ đồng mỗi ngày
Chỉ tiêu này được Công ty cổ phần Vinpearl nêu trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thường niên cuối tháng 4.
Năm nay, doanh nghiệp họ Vingroup lên kế hoạch đa dạng thị trường, trong đó mở rộng tệp khách quốc tế từ Mông Cổ, Ấn Độ, Trung Đông, bên cạnh những thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc và khối các quốc gia nói tiếng Nga.
Đồng thời, công ty dự kiến phát triển phân khúc MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện, triển lãm). Trong đó, Vinpearl cũng đặt mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu cho các sự kiện tiệc cưới. Năm 2024, các khu nghỉ dưỡng của doanh nghiệp này tại Phú Quốc, Hạ Long đã đón những đám cưới của triệu phú, tỷ phú thế giới.
Năm nay, Vinpearl cũng tính mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng khi khai trương thêm nhiều khách sạn, sân golf, công viên giải trí. Trên cơ sở đó, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch doanh thu 14.000 tỷ đồng cả năm 2025, giảm nhẹ so với 2024. Mức này tương đương khoản thu bình quân hơn 38,5 tỷ đồng một ngày. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 1.700 tỷ đồng.
Vinpearl hiện là một trong những thương hiệu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu thị trường trong nước, với 48 cơ sở tại 18 tỉnh, thành phố. Số này gồm 31 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với công suất trên 16.000 phòng và các khu công viên chủ đề, vui chơi giải trí, sân golf, ẩm thực...
Đến hết năm 2024, tổng tài sản của Vinpearl đạt 76.483 tỷ đồng, tăng thêm 73,5% so với một năm trước đó. Đối ứng bên phía nguồn vốn là nợ phải trả gần 45.000 tỷ và vốn chủ sở hữu 31.483 tỷ.
Hồi tháng 3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông tin đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết từ Vinpearl với 1,79 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 17.933 tỷ đồng.
Trước đây, Vinpearl từng niêm yết trên HoSE với mã VPL từ đầu năm 2008. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, Vinpearl sáp nhập với Vincom thành Vingroup, nên cổ phiếu VPL đã được hoán đổi thành cổ phiếu VIC.