Indonesia: Mặt trái của chiến lược đặt cược vào xe điện

Hoạt động khai thác tại mỏ nickel ở Sorowako, Indonesia. Ảnh: Reuters
Trang tin của Viện Lowy (Australia) mới đây đăng bài viết cho rằng nhu cầu về ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đã đạt đỉnh và ô tô điện (EV) đang chiếm ưu thế. Trở thành ngành công nghiệp nickel lớn nhất thế giới và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng vào sản xuất EV và sản xuất pin là những dấu hiệu cho thấy nỗ lực này đã thành công.
Nghiên cứu mới công bố của Viện Lowy đã chứng minh rằng các chính sách công nghiệp của Indonesia đóng vai trò quan trọng đối với thành công này. Tuy nhiên, chính những chính sách này đã gây ra chi phí cực kỳ cao cho người lao động, môi trường và khí hậu toàn cầu.
Theo bài viết trên, những gì được dán nhãn là "xanh" chỉ có vẻ bề ngoài. Ở hậu trường, quá trình tạo ra các công nghệ tái tạo, bao gồm cả EV, hoàn toàn không phải vậy. Công nhân khai thác nickel phải đối mặt với điều kiện làm việc không an toàn và các sản phẩm phụ độc hại đang gây ô nhiễm hệ sinh thái, đe dọa đến nông nghiệp và nghề cá địa phương.
Sản lượng nickel tăng chỉ có thể đạt được khi số lượng nhà máy điện than tăng mạnh để cung cấp năng lượng cần thiết cho các nhà máy luyện kim, làm suy yếu mọi tuyên bố về tính bền vững.
Với việc Indonesia tuyên bố có thể rút khỏi Thỏa thuận Paris - nền tảng của việc giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu - sau khi Mỹ rút lui và từ bỏ một thỏa thuận tài trợ khí hậu quan trọng, uy tín của Indonesia khó có thể được cải thiện trong thời gian tới.
Việc Indonesia áp dụng xe điện là quá chậm - chỉ có 17.000 xe được bán vào năm 2023. Quá trình chuyển đổi nhanh chóng để điện khí hóa ngành giao thông của Indonesia sẽ rất quan trọng trong việc xây dựng nhu cầu mở rộng ngành công nghiệp xe điện. Nếu không tạo ra nhu cầu, ngành công nghiệp này sẽ trì trệ và vẫn còn non trẻ.
Hơn nữa, Indonesia nổi tiếng là nước sản xuất không có sức cạnh tranh. Quá trình tự do hóa nền kinh tế vẫn chưa hoàn thiện. Một vấn đề khác là việc áp dụng các quy tắc về hàm lượng nội địa thúc đẩy sản xuất đầu vào trong nước thay vì nhập khẩu chất lượng cao hơn.
Không áp dụng các chính sách thân thiện với khí hậu là tự chuốc lấy thất bại cho chiến lược xe điện của chính phủ. Kết hợp với việc không hành động cải cách, khả năng cạnh tranh của Indonesia có vẻ mong manh. Xe điện có thể là một lựa chọn tốt, song Indonesia vẫn còn nhiều việc phải thực hiện.
Indonesia đã cam kết rõ ràng về các chính sách hạ nguồn và công nghiệp EV. Chiến lược này đã mang lại một số lợi ích kinh tế tập trung cùng với chi phí đáng kể. Lợi ích chính là một câu chuyện thành công riêng lẻ về hạ nguồn nickel, đóng vai trò quan trọng trong việc định vị Indonesia trong chuỗi cung ứng mới nổi cho EV.
Tuy nhiên, không nên đánh đổi thành công này bằng bất kỳ giá nào. Một hệ sinh thái chính sách công nghiệp hướng đến xuất khẩu và tìm cách hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu là điều cần thiết, đòi hỏi phải đa dạng hóa các đối tác đầu tư và thương mại có sẵn, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh sản xuất của Indonesia thông qua khuôn khổ chính sách cởi mở hơn.
Indonesia đã chứng minh rằng họ có thể tạo ra sự ổn định về chính sách. Tuy nhiên, cần phải tiến hành những cải cách chính sách khó khăn nếu quốc gia này muốn tận dụng đòn bẩy mà ngành công nghiệp nickel hàng đầu đã cung cấp để tích hợp với chuỗi cung ứng EV toàn cầu. Và chính sản xuất EV và pin sẽ tạo ra lợi ích kinh tế rộng lớn hơn.
Để trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu xe điện hàng đầu, Indonesia cần tránh các chính sách bảo hộ và hướng nội; tránh sự can thiệp của chính phủ vào sản xuất xe điện; tập trung vào việc cho phép các công ty có khả năng cạnh tranh quốc tế thúc đẩy sản xuất và mở rộng ngành.
Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á này cần tăng cường tính cởi mở và định hướng xuất khẩu của ngành công nghiệp xe điện.
Duy trì định hướng xuất khẩu của ngành là một đặc điểm cốt lõi của chính sách công nghiệp thành công trong lịch sử, đòi hỏi phải cho phép nhập khẩu nhiều đầu vào hơn cho xe điện… Những nỗ lực cải cách quy mô lớn hơn sẽ mang lại năng suất lao động cao hơn và thúc đẩy sản lượng. Các cải cách bao gồm cải thiện quản trị chung, giải quyết tham nhũng, giảm bớt các quy định kinh doanh và tăng cường cởi mở với thương mại và đầu tư nước ngoài.
Ngành công nghiệp nickel và EV cần có các đối tác kinh tế mới để phòng ngừa nguy cơ suy yếu kinh tế ở Trung Quốc và mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc tăng cường thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, những thị trường lớn nhất cho EV sau Trung Quốc, sẽ đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về môi trường, lao động và khí thải.
Chính phủ Indonesia nên tạo điều kiện đàm phán lại về các nhà máy luyện nickel đang được xây dựng hoặc đang trong giai đoạn lập kế hoạch giữa các công ty phương Tây và các công ty Trung Quốc. Các cuộc đàm phán giữa các công ty nickel Trung Quốc với Stellantis và Ford là một ví dụ đầy hứa hẹn về sự hợp tác cần thiết.
Việc cưỡng chế thoái vốn khỏi các lợi ích của Trung Quốc là một chiến lược có rủi ro cao. Việc cưỡng chế thoái vốn trước đây trong lĩnh vực khai khoáng của Indonesia đã đẩy các công ty khai thác nước ngoài ra khỏi đất nước, điều này đã chuyển hướng nguồn vốn trong nước khan hiếm sang đầu tư khai thác.
Indonesia nên tham gia Diễn đàn Đối tác An ninh Khoáng sản để tiếp cận nguồn tài chính cho chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng bền vững và đa dạng. Việc thiết lập các mối liên kết chính thức với Đối tác An ninh Khoáng sản sẽ thúc đẩy đa dạng hóa cả đối tác đầu tư nước ngoài và các điểm đến xuất khẩu.