Điểm nóng thâm hụt thương mại của Mỹ: Việt Nam xếp hạng ba, Trung Quốc vững ngôi đầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp về thuế quan với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Thương mại Howard Lutnick, ngày 13/2/2025. (Ảnh: Getty Images).
Dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ cho thấy vào năm 2024, nước này báo cáo thâm hụt thương mại hàng hoá hơn 1.211 tỷ USD. Đây là một con số kỷ lục và là nguyên nhân khiến Tổng thống Donald Trump bất bình.
Vào giữa tháng 2, không lâu sau khi quay trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã ra lệnh cho nhiều cơ quan tiến hành đánh giá chính sách thuế quan và các rào cản thương mại khác mà các nước áp đặt lên hàng hoá xuất khẩu của Mỹ.
Mục đích của nhà lãnh đạo 78 tuổi là đáp trả tương xứng bằng “thuế quan đối ứng”, nhằm thu hẹp mức chênh lệch hàng nghìn tỷ USD giữa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Mỹ, đồng thời thúc đẩy lĩnh vực sản xuất trong nước.
Ông Trump dự kiến sẽ tiết lộ thuế quan đối ứng vào ngày 2/4, ngay sau khi các cơ quan chính phủ công bố một loạt báo cáo đánh giá thương mại vốn là tiền đề cho quyết định đánh thuế cuối cùng.
Việt Nam xếp thứ ba trong top thâm hụt thương mại của Mỹ
Vào năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 136,5 tỷ USD hàng hoá của Việt Nam, trong khi xuất khẩu sang nước ta 13 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đạt 123,4 tỷ USD, xếp thứ ba trong số các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại.
Trung bình mỗi tháng, các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam hơn 1,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hơn 11,3 tỷ USD hàng hoá, dẫn đến thâm hụt khoảng 10,2 tỷ USD, theo số liệu của Cục Thống kê Dân số nước này.
Con số thâm hụt thương mại năm 2024 là mức chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu lớn nhất trong lịch sử giao thương giữa hai nước và tăng 6,3% so với mức đỉnh cũ là hơn 116,1 tỷ USD vào năm 2022.
Lần gần đây nhất Mỹ ghi nhận thặng dư thương mại với Việt Nam là vào năm 1996 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 617 triệu USD và nhập khẩu khoảng 332 triệu USD, tương ứng mức thặng dư 285 triệu USD.

Trong giai đoạn năm 1997 - 2024, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã tăng từ mức 101 triệu USD lên hơn 123,4 tỷ USD, tức gấp hơn 1.222 lần. Cùng giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng gấp 46 lần, còn giá trị nhập khẩu tăng 352 lần.
Trong danh sách những thị trường xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ nhiều nhất năm 2024, Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và chiếm hơn 4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Việt Nam đứng sau Mexico, Trung Quốc, Canada, Đức và Nhật Bản, trong khi xếp trên Hàn Quốc, Đài Loan, Ireland và Ấn Độ.
Xét về tổng kim ngạch thương mại hàng hoá hai chiều, Việt Nam là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ với giá trị xuất nhập khẩu năm ngoái đạt 149,6 tỷ USD, chiếm gần 2,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm của Mỹ.

Các vị trí còn lại trong top đầu
Một quốc gia châu Á khác là cái tên đứng đầu danh sách các đối tác có thặng dư thương mại hàng hoá lớn nhất với siêu cường kinh tế số một thế giới. Cái tên đó không hề xa lạ: Trung Quốc.
Vào năm ngoái, Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại khoảng 295,4 tỷ USD với Trung Quốc, con số vượt xa bất kỳ đối tác nào khác. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức thâm hụt cao nhất trong lịch sử giao thương Mỹ - Trung.
Mức kỷ lục cho đến nay chưa bị xô đổ là 418 tỷ USD vào năm 2018, thời điểm ông Trump bắt đầu khơi mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình.
Sau nhiều vòng áp thuế trả đũa lên hàng hoá của nhau, hai nước đã ký thoả thuận thương mại vào năm 2020, trong đó Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm hàng hoá Mỹ. Kết quả là, xuất khẩu hàng hoá của Mỹ sang Trung Quốc đã có xu hướng tăng trong vài năm qua, giúp thu hẹp thâm hụt thương mại.
Một số nền kinh tế châu Á khác cũng có quan hệ thương mại sôi động với Mỹ. Vì lẽ đó, Mỹ ghi nhận tổng thâm hụt hơn 620 tỷ USD với 5 đối tác thương mại lớn nhất tại châu Á, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp hàng hoá lớn nhất của Mỹ vào năm 2023. Và khi giao thương giữa hai bên phát triển, thâm hụt thương mại của Mỹ với nước láng giềng phía nam cũng tăng theo.
Trong năm 2024, Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại hàng hoá khoảng 171,8 tỷ USD với Mexico, gần gấp 2,5 lần so với năm đầu tiên trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Và theo đó, Mexico đã trở thành đối tác có thặng dư thương mại lớn thứ hai của Mỹ, xếp sau Trung Quốc và trên Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã mang lại lợi ích khổng lồ cho Mexico nhờ vị trí địa lý gần sát Mỹ, hiệp định thương mại lớn với “anh hàng xóm” và xu hướng đa dạng hoá chuỗi cung ứng mạnh lên.
Canada - quốc gia láng giềng phía bắc của Mỹ - cũng hưởng lợi từ cuộc thương chiến khi xếp hạng 9 trong danh sách các đối tác có thặng dư thương mại hàng hoá lớn nhất với Mỹ. Mức thặng dư thương mại của Canada với Mỹ là 63,3 tỷ USD vào năm ngoái.
Xét về tổng kim ngạch thương mại hàng hoá hai chiều, Mexico, Canada và Trung Quốc là ba đối tác lớn nhất của Mỹ, với giá trị lần lượt là 839,8 tỷ USD, 762 tỷ USD và 582,4 tỷ USD. Tổng kim ngạch hai chiều của ba nước chiếm đến 40,6% thương mại hàng hoá của Mỹ.

Bên kia Đại Tây Dương, hầu hết các nước châu Âu đều có thặng dư thương mại hàng hoá với Mỹ. Đáng chú ý, Ireland và Đức là hai cái tên còn lại trong nhóm 5 nước có thặng dư thương mại hàng hoá lớn nhất.
Mỹ đã nhập khẩu hơn 50 tỷ USD dược phẩm từ Ireland vào năm ngoái, góp phần gây ra khoản thâm hụt 86,8 tỷ USD. Việc nhập khẩu hơn 68 tỷ USD xe cộ và máy móc từ Đức cũng khiến Mỹ thâm hụt thương mại 84,8 tỷ USD với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
