|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nước nào nằm trong danh sách 'Dirty 15' có khả năng bị Mỹ áp thuế đối ứng?

07:50 | 01/04/2025
Chia sẻ
Trong một cuộc phỏng vấn vào giữa tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent đã nhắc đến danh sách "Dirty 15". Một tài liệu khác của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đề cập đến 21 cái tên.

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP).

Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp công bố đợt thuế quan lớn nhất từ trước đến nay. Và trong khi các chi tiết vẫn còn là bí ẩn, có một điều đã trở nên rõ ràng: một số đối tác thương mại của Mỹ sẽ phải chịu nhiều đau đớn hơn những cái tên khác.

Vào ngày 2/4, ông Trump sẽ công bố thuế quan đối ứng với các quốc gia áp thuế quan lên hàng hoá Mỹ hoặc có các chính sách khác mà Nhà Trắng coi là rào cản thương mại không công bằng. Vị tổng thống gọi đây là “ngày giải phóng” và “ngày trọng đại” của nước Mỹ.

Kế hoạch áp thuế mới của chính quyền ông Trump đã làm leo thang bất ổn và nhiều thành phần quan trọng của kế hoạch - bao gồm số lượng quốc gia bị ảnh hưởng, cách tính thuế suất đối với từng nước như thế nào và quốc gia nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất - vẫn chưa rõ ràng.

Trong khi ông Trump ca ngợi thuế quan đối ứng là chìa khoá để thiết lập lại mối quan hệ kinh tế của Mỹ với phần còn lại của thế giới, một số quan chức trong chính phủ đã đề xuất thu hẹp phạm vi mục tiêu.

Đơn cử, trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business vào ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent đã chỉ ra danh sách “Dirty 15”.

Theo CNBC, ông Bessent đang ám chỉ đến 15% các quốc gia chiếm phần lớn giao dịch thương mại với Mỹ. Các nước này áp đặt mức thuế quan cao cũng như các rào cản phi thuế quan khác lên hàng hoá Mỹ.

Vị bộ trưởng không nêu tên các quốc gia đó.

Trong một cuộc phỏng vấn vài ngày sau, ông Kevin Hasset, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, tiết lộ chính quyền ông Trump đang cân nhắc 10 đến 15 quốc gia chiếm “toàn bộ thâm hụt thương mại hàng nghìn tỷ USD” của Mỹ.

Ông Hasset cũng không nêu tên các quốc gia đó.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy vào năm 2024, Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hoá cao nhất với các nền kinh tế Trung Quốc, tiếp theo là Liên minh châu Âu, Mexico, Việt Nam, Ireland, Đức, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Italy, Thuỵ Sỹ, Malaysia, Indonesia, Pháp, Áo và Thuỵ Điển.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong một thông báo nhằm lắng nghe ý kiến công chúng như một phần của cuộc đánh giá các hoạt động thương mại không công bằng, liệt kê 21 nền kinh tế mà họ “đặc biệt lưu tâm”. Bản đánh giá đã được gửi cho ông Trump vào ngày 31/3.

Danh sách bao gồm nhiều quốc gia trong nhóm G20 cũng như “các nền kinh tế có thâm hụt thương mại hàng hoá lớn nhất với Mỹ”, theo thông báo của Văn phòng Đại diện Thương mại.

Các nền kinh tế này là Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Nga, Arab Saudi, Nam Phi, Thuỵ Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Việt Nam.

Tổng thống Trump đã làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn vào ngày 30/3 khi ông bác bỏ ý tưởng chỉ có 10 hoặc 15 quốc gia phải đối mặt với thuế quan đối ứng. Trên chuyên cơ Air Force One, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bắt đầu với tất cả các quốc gia”.

Chủ nhân Nhà Trắng đề cập đến thâm hụt thương mại của Mỹ, lập luận rằng hầu như tất cả các đối tác thương mại đều đang “lợi dụng” Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu về bản chất không phải là điều xấu, mà chỉ phản ánh nhu cầu trong nước mạnh mẽ đối với các hàng hoá có thể được cung cấp với mức giá rẻ hơn từ nước ngoài.

Thuế quan đối ứng sắp tới sẽ tiếp nối một loạt các loại thuế quan mà ông Trump đã công bố, bao gồm thuế quan bổ sung 20% đối với hàng hoá Trung Quốc, thuế quan đối với hai nước láng giềng Canada và Mexico không tuân thủ thoả thuận USMCA, thuế quan đối với thép và nhôm và gần đây nhất là thuế quan đối với ô tô và linh kiện nhập khẩu.

Ông Trump từng cho biết Mỹ sẽ triển khai thêm nhiều loại thuế quan khác với các ngành công nghiệp cụ thể, bao gồm cả dược phẩm.

 

Khả Nhân

Bất động sản nhà ở vào giai đoạn 'uptrend' 10 năm
Các chuyên gia cho rằng giá bất động sản nói chung và giá nhà ở nói riêng đang bước vào giai đoạn "uptrend" (xu hướng tăng giá) trong 10 năm tiếp theo. Riêng trong năm 2025, giá sản phẩm được mở bán mới có thể tăng trưởng một chữ số. Lưu ý rằng đà tăng này không thể đột biến trong ngắn hạn mà cần trải qua giai đoạn tích lũy.