|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giao thương gián đoạn, giáo dục chia cắt: Hố sâu ngăn cách hai siêu cường bao giờ mới được lấp đầy?

19:13 | 08/03/2020
Chia sẻ
Quan hệ Mỹ-Trung vốn dĩ đã nguội lạnh vì cuộc chiến thương mại thì nay càng thêm xa cách vì cuộc chiến chống dịch COVID-19. Thương chiến và dịch bệnh có lẽ sẽ sớm qua đi nhưng những tổn hại mà chúng gây ra cho sợi dây liên kết giáo dục được đan kết qua nhiều thập kỉ qua sẽ không dễ gì khôi phục được.
Giao thương gián đoạn, giáo dục chia cắt: Hố sâu ngăn cách hai siêu cường bao giờ mới được lấp đầy? - Ảnh 1.

Trung Quốc là nguồn sinh viên quốc tế lớn nhất của Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc: Ngôi sao đang lên trong bầu trời giáo dục thế giới

Khoảng 20 năm trước, Trung Quốc đứng ở nhóm cuối của mọi bảng xếp hạng quốc tế về giáo dục, khoa học, kĩ thuật và đổi mới. Chỉ sau hai thập kỉ đầu tư mạnh mẽ cho vốn con người, đất nước tỉ dân đã trở thành một đối thủ đáng gờm.

Trong một số tiêu chí, Trung Quốc đã sánh ngang, thậm chí là vượt qua Mỹ.

Thước đo chuẩn chỉnh nhất về trình độ học sinh trung học phổ thông ở các nước trên thế giới là Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA). Kết quả cuộc thi PISA 2018 công bố vào tháng 12/2019 cho thấy Trung Quốc đại lục đã vươn lên dẫn đầu thế giới trong cả ba môn là Đọc, Toán và Khoa học.

Dù có thu nhập thấp hơn và điều kiện học tập khó khăn, học sinh Trung Quốc đại lục vẫn bỏ xa các quốc gia công nghiệp phát triển OECD. Singapore từng dẫn đầu trong lần thi gần nhất năm 2015 thì nay đã tụt xuống hạng 2. Ma Cao và Hong Kong đứng thứ 3 và 4.

Trong khi đó, học sinh Mỹ xếp thứ 13 trong môn Đọc, thứ 37 trong môn Toán và thứ 18 về Khoa học.

Ông Angel Gurria, Tổng Thư kí Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phải thốt lên: "Thành tích của học sinh Trung Quốc thực sự đáng nể vì mức thu nhập ở 4 tỉnh thành được khảo sát đều thấp hơn nhiều trung bình OECD. Chất lượng giáo dục ngày nay sẽ thúc đẩy sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày mai".

Một nghiên cứu của Đại học Standford năm 2016 đã so sánh sinh viên vừa được tiếp nhận vào các trường chuyên ngành kĩ thuật và khoa học máy tính. Kết quả cho thấy những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Trung Quốc có tư duy phản biện trưởng thành hơn ba năm so với học sinh Mỹ.

Năm 2015, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) đã vượt qua Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ) để giành ngôi đầu trong bảng xếp hạng các trường kĩ thuật tốt nhất do tổ chức uy tín U.S. News & World Report công bố. Hiện nay, trong bảng xếp hạng này có 4 trường của Trung Quốc, ba trường của Mỹ, hai của Singapore và một của Đan Mạch.

Mỗi năm, Trung Quốc có 1,3 triệu sinh viên tốt nghiệp các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học), nhiều gấp hơn 4 lần Mỹ. Các môn học ngành STEM cũng chính là hệ thống kiến thức cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng vững chắc các lĩnh vực cơ bản quốc gia.

Tác động của đầu tư cho giáo dục của Trung Quốc đã được thể hiện rõ nét trong nền kinh tế.

Từ lâu Trung Quốc được biết đến với vai trò công xưởng của thế giới trong sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ với chi phí cạnh tranh. Tuy vậy theo báo cáo của Quĩ khoa học Quốc gia Mỹ, giá trị gia tăng của Trung Quốc trong sản xuất hàng công nghệ cao từ chỗ chỉ chiếm 7% toàn cầu năm 2003 đã tăng lên thành 27% năm 2014.

Cùng trong khoảng thời gian trên, giá trị gia tăng của Mỹ từ chỗ đóng góp 36% toàn cầu giảm xuống còn 29%.

Trong lĩnh vực robotics, năm 2018 Trung Quốc lắp đặt thêm 154.000 robot phục vụ sản xuất công nghiệp trong khi con số của Mỹ là 55.000.

Trung Quốc giờ đây là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất máy vi tính, linh kiện bán dẫn, thiết bị viễn thông cũng như dược phẩm. Năm 2015, Trung Quốc có số đơn đăng kí bằng sáng chế nhiều gấp hai lần Mỹ và trở thành quốc gia đầu tiên có hơn 1 triệu đăng kí chỉ trong một năm.

Năm 2014, một nghiên cứu của Học viện Nghệ thuật và Khoa học Mỹ đã cảnh báo: "Nếu nước Mỹ không nhanh chóng hành động để củng cố nền tảng khoa học của mình, chúng ta sẽ đánh mất lợi thế dẫn đầu trong năng lực phát minh và kích thích tăng trưởng việc làm".

Sinh viên Trung Quốc kéo nhau đến Mỹ: Bụt chùa nhà không thiêng?

Đạt được những thành tích đáng nể về giáo dục là vậy nhưng hàng năm Trung Quốc vẫn chứng kiến hàng chục nghìn học sinh nước mình tìm đường sang Mỹ. Trong năm học 2018/2019 có gần 370.000 sinh viên Trung Quốc đang ở Mỹ để theo học các chương trình khác nhau, chiếm 33,7% tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ.

Một số trường của Trung Quốc có thứ bậc cao trong bảng xếp hạng toàn cầu, tuy nhiên các trường của Mỹ như Harvard, Standford, MIT, … vẫn hơn đứt về danh tiếng và lịch sử lâu đời.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tốt nghiệp đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhưng cô con gái độc nhất của ông lại dành ra 4 năm cuộc đời để theo học bằng cử nhân tại Harvard và tốt nghiệp năm 2014.

Các trường đại học Mỹ cuốn hút sinh viên Trung Quốc không phải là hiện tượng quá đáng ngạc nhiên. Điều đáng nói ở đây là con đường đi lên của số học sinh Trung Quốc ở Mỹ, làm sao để đạt được con số 370.000 như hiện nay?

Trong suốt 7 năm từ 2001 đến 2007, số học sinh Trung Quốc tại Mỹ chỉ làng nhàng trong khoảng 6X (hơn 60.000 người), mỗi năm biến động không quá 10%. Tuy nhiên đến 2008, con số này đột ngột tăng nóng 20%, từ 67.700 lên 81.000 người. Trong các năm 2009 và 2010, mức tăng thậm chí còn cao hơn, lần lượt là 21% và 30%.

Cũng vào năm 2010, Trung Quốc vượt qua một quốc gia tỉ dân khác là Ấn Độ để giữ ngôi vị nước có số sinh viên tại Mỹ lớn nhất và nắm giữ danh hiệu này liên tục cho đến nay.

Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa số sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ khi dân số và tình hình tăng trưởng kinh tế của hai nước khá tương tự nhau?

Giao thương gián đoạn, giáo dục chia cắt: Hố sâu ngăn cách hai siêu cường bao giờ mới được lấp đầy? - Ảnh 2.

Cao Khảo: 18 năm đầu đời bỗng chốc thu bé lại vừa bằng một kì thi

Ngày 7/6 hàng năm tại Trung Quốc, kì thi đại học khốc liệt nhất hành tinh mang tên Cao Khảo (Gao Kao) chính thức bắt đầu. Trong hai ngày, hơn 10 triệu thí sinh Trung Quốc phải vượt qua bài thi Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn.

Kết quả bài thi Cao Khảo này gần như là yếu tố duy nhất quyết định ai sẽ đỗ đại học và ai sẽ phải vào đời bằng con đường khác, ai sẽ vào các trường "chiếu dưới" và ai sẽ may mắn lọt vào 9 trường top đầu (C9), …

Vì vậy suốt 18 năm đầu cuộc đời của mỗi thí sinh chỉ được dùng để chuẩn bị cho kì thi tối quan trọng này. Khi ngày thi đến gần, học sinh ngày đêm "cày cuốc" bên chồng sách vở trong khi phụ huynh đi vái tứ phương mong thần linh, tổ tông phù hộ cho con.

Hàng trăm thí sinh chen nhau vào phòng thi Cao Khảo (trái) và phụ huynh đứng đợi bên ngoài trường thi (phải). Ảnh: SCMP, Reuters.

Nhà trọ, khách sạn ở gần địa điểm thi cháy phòng từ rất sớm vì các gia đình muốn tránh bị kẹt xe khi di chuyển. Trong ngày thi, chính phủ yêu cầu người dân giữ trật tự tối đa, xe cộ không được bấm còi, máy bay không người lái bay lượn trên không để ngăn chặn gian lận, …

Những người ủng hộ Cao Khảo cho rằng kì thi nghiêm túc này tạo ra một sân chơi bình đẳng cho giới trẻ.

Những người phản đối thì lập luận rằng cái gọi là sân chơi bình đẳng chỉ là một ảo tưởng mà thôi. Những gia đình khá giả sẽ có điều kiện cho con theo học những gia sư riêng giỏi nhất, sử dụng những công cụ học tập đắt tiền nhất và qua đó có cơ hội thi đỗ cao nhất.

Áp lực khủng khiếp mà kì thi này tạo ra còn bị cho là có tác dụng rất xấu đến sự phát triển của con người. Học sinh Trung Quốc có thể dẫn đầu thế giới về khoa học hay toán nhưng thường tỏ ra lép vế về các kĩ năng khác như tư duy sáng tạo, đổi mới do hệ thống giáo dục cứng nhắc phục vụ thi cử.

Đó là một số nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh quyết tâm cho con đi du học thay vì khổ sở với kiểu giáo dục nhồi sọ cổ lỗ ở quê nhà. Cũng có gia đình mong muốn con cái có nhiều cơ hội phát triển hơn hoặc hi vọng đưa cả nhà đi định cư ở nước ngoài. Những học sinh này sẽ không ôn thi Cao Khảo như bạn bè đồng trang lứa mà sẽ luyện SAT, TOEFL, …

Những phụ huynh này tin rằng học hành ở Trung Quốc chỉ căng thẳng đến khi thi Cao Khảo; sau khi vào đại học các tân sinh viên nghĩ rằng mình đã đáp ứng kì vọng của gia đình và "xả hơi", lơ là chuyện sách vở. Ngược lại, ở Mỹ đại học mới là lúc các sinh viên bắt đầu nghiêm túc phấn đấu.

Nghiên cứu của Đại học Standford năm 2016 cho biết những sinh viên Trung Quốc vừa vào đại học vượt trội hơn so với sinh viên Mỹ về tư duy phản biện. Tuy nhiên nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng trong quá trình học đại học, sinh viên Trung Quốc dậm chân tại chỗ trong khi sinh viên Mỹ nhanh chóng vươn lên bắt kịp.

Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải tiêu nhiều tiền

Khi du học được ưa chuộng hơn học trong nước, các điểm đến thường được lựa chọn chính là các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Anh, Pháp, Australia và đặc biệt là Mỹ với những tên tuổi đã quá quen thuộc như Harvard, MIT, Standford, Yale, Cornell, …

Tỉ lệ sinh viên Trung Quốc trên tổng số sinh viên nước ngoài ở Mỹ là 33,7% còn tỉ lệ này tại Australia cũng lên tới 38,3%. Dĩ nhiên chi phí cho 4-5 năm đại học ở nước ngoài không hề nhỏ.

Để được một trường ở Mỹ nhận học, học sinh Trung Quốc phải dùi mài kĩ năng tiếng Anh, nộp tiền thi lấy đủ loại chứng chỉ, tham gia hoạt động ngoại khóa, chưa kể chi phí di chuyển bằng máy bay, chi phí môi giới - tư vấn du học, …

Những gia đình thuộc loại "nhà mặt phố, bố làm to" sẽ chuẩn bị từ sớm hơn bằng cách cho con vào học các trường tiểu học hay trung học đạt chuẩn quốc tế. Học phí của các trường này cũng đúng chuẩn quốc tế, có thể lên tới 60.000 - 70.000 USD một năm.

Tất cả những chi phí này chỉ có thể được trang trải nhờ vào thu nhập người dân được cải thiện đáng kể sau 30 năm GDP Trung Quốc tăng trưởng trên 10%.

Thêm vào đó, chính sách một con của Trung Quốc đồng nghĩa với việc mỗi đứa trẻ là niềm hi vọng duy nhất của cha mẹ và cả ông bà nội ngoại. Vậy là "nội công, ngoại kích", tất cả cùng dồn lực cho cháu xuất dương lưu biệt.

Khi con đường học hành có quá nhiều chông gai, các gia đình thượng lưu Trung Quốc sẽ chuyển sang dùng quà cáp. Ít thì vài trăm nghìn đô, cá biệt có thể lớn tới cả triệu USD như trường hợp của Yusi Zhao – con gái của tỉ phú Zhao Tao.

Giao thương gián đoạn, giáo dục chia cắt: Hố sâu ngăn cách hai siêu cường bao giờ mới được lấp đầy? - Ảnh 4.

Cô Yusi Zhao. Ảnh cắt từ clip năm 2017.

Năm 2017, cô Yusi Zhao tự quay một video dài hơn 1 giờ đồng hồ, trong đó cô kể (bằng tiếng Trung) về việc mình đã thi đỗ vào Standford danh giá bằng tài năng và nỗ lực của mình như thế nào. Năm 2019, mọi chuyện vỡ lở ra rằng gia đình cô đã chi 6,5 triệu USD cho một công ty tư vấn du học để thu xếp mọi phí tổn liên quan. 

Bên cạnh trí tuệ và quyết tâm của cô, khối tiền kếch sù của cha mẹ cô chắc hẳn cũng đóng vai trò khá quan trọng giúp cô thực hiện giấc mơ Standford.

Đại Suy thoái ở Mỹ và Đại Nhảy vọt từ Trung Quốc

Chênh lệch về chất lượng giáo dục và sự phát triển về điều kiện kinh tế đã đưa sinh viên Trung Quốc đến với Mỹ. Nhưng tại sao bước Đại Nhảy vọt về số lượng sinh viên lại đến vào năm 2009 mà không phải sớm hơn, hay muộn hơn?

Một trong những sự kiện quan trọng nhất xảy ra trong khoảng thời gian này chính là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và theo sau đó là cuộc Đại Suy thoái (Great Recession).

Trong thời kì suy thoái, hoạt động kinh tế trì trệ, nguồn thu từ thuế của chính phủ Mỹ cũng vì thế mà giảm sút. Thu giảm kéo theo chi giảm. Trợ cấp của các bang của Mỹ cho khối đại học công lập liên tục giảm sâu trong giai đoạn 2008-2013 sau đó hồi phục dần nhưng vẫn chưa bằng thời kì trước khủng hoảng.

Cuộc chiến thương mại chi phối hôm nay, cuộc chiến giáo dục định đoạt ngày mai - Ảnh 2.

Các trường tư thục như Harvard, Princeton, … không nhận tiền ngân sách nên ít bị ảnh hưởng bởi biến động này.

Trong khi đó, các trường công lập ở Mỹ có hai nguồn thu là ngân sách nhà nước cấp và tiền thu của gia đình sinh viên. Khi dòng tiền đầu tiên giảm xuống, các trường phải tăng cường tận thu từ sinh viên, thể hiện qua tiền học phí tăng vọt ở khắp các bang.

Năm 2008, thu từ sinh viên chiếm khoảng 36% tổng nguồn thu của các trường. Đến năm 2018, con số này đã tăng lên thành 47%.

Nhưng gia đình Mỹ cũng đang khổ sở vì suy thoái, vì vậy nên các trường phải tìm đến học sinh nước ngoài, trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc.

Du học sinh đến Mỹ thường bị "chặt chém" bằng mức học phí cao gấp 2-3 lần học sinh bản xứ. Ngoài ra, du học sinh còn bị các trường bắt học tiếng Anh lâu hơn khiến tổng thời gian học kéo dài. Nhà trường còn hay sắp xếp học sinh nước ngoài ở cùng một khu kí túc xá và cùng lớp, khiến kĩ năng giao tiếp ngoại ngữ và trao đổi văn hóa khó cải thiện.

Chưa kể, ngày càng nhiều du học sinh Trung Quốc đang bị Mỹ bắt giữ với các cáo buộc gián điệp và ăn cắp tài sản trí tuệ, nhiều sinh viên khác thì bị hoãn hoặc từ chối cấp thị thực (visa).

Tâm lí đề phòng của chính phủ Mỹ xuất phát từ thực tế sinh viên Trung Quốc thường tham gia các hội, nhóm mang tư tưởng Nho giáo và có sự hậu thuẫn của chính quyền Bắc Kinh. Về danh nghĩa, các tổ chức này được lập ra nhằm giúp đỡ sinh viên nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống nơi đất khách quê người. Mỹ thì lo rằng đây có thể là vỏ bọc cho hoạt động gián điệp và phá hoại.

Đến khi trở về Trung Quốc, các du học sinh thất vọng nhận ra rằng thị trường việc làm cho những người "Tây học" đã dần trở nên bão hòa. 

Năm 2019, một nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton đã gửi 27.000 đơn ứng tuyển ảo vào các vị trí về kinh doanh và khoa học tại doanh nghiệp Trung Quốc. Kết quả, những đơn ứng tuyển ghi "tốt nghiệp đại học […] của Mỹ" được nhà tuyển dụng liên lạc ít hơn 18% so với những đơn ứng tuyển ghi "tốt nghiệp đại học […] của Trung Quốc".

Chiến tranh giáo dục nổ ra, ai được ai mất?

Khi ra điều trần trước Thượng viện vào tháng 2/2018, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết cơ quan của ông ngày càng lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng các lực lượng thu thập tình báo "phi truyền thống", bao gồm cả sinh viên, giáo sư và các nhà khoa học.

"Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn mà ở cả các tỉnh thành nhỏ, trong tất cả mọi lĩnh vực", Giám đốc FBI nói.

Tháng 10/2018, tờ Financial Times dẫn 4 nguồn tin riêng cho biết một số cố vấn với tư tưởng bài Hoa đã khuyên Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng cấp thị thực (visa) học sinh cho công dân Trung Quốc, đồng nghĩa với việc đóng chặt cánh cửa với du học sinh từ đất nước tỉ dân.

Khuyến nghị này sau đó đã bị dẹp đi do Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad phản biện rằng lệnh cấm sẽ gây thiệt hại khổng lồ tới các trường công lập của Mỹ. "Đâu phải ai cũng có tiền để đi học trường tư thục sang chảnh như Harvard hay Princeton", Đại sứ Branstad nói.

Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh thì đưa ra lập luận bao quát hơn rằng đa phần các bang của Mỹ có thặng dư thương mại về dịch vụ với Trung Quốc nhờ vào chi tiêu của các du học sinh Trung Quốc.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, sinh viên quốc tế đóng góp 45 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ mỗi năm. Hiệp hội Nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) thì cho biết trong năm học 2018-19, sinh viên quốc tế đóng góp 41 tỉ USD và hỗ trợ gần 460.000 việc làm trong nền kinh tế Mỹ. Riêng các sinh viên Trung Quốc đóng góp khoảng 15 tỉ USD.

Tuy không có lệnh cấm chính thức nhưng trong thực tế, nhiều sinh viên Trung Quốc đang ngày càng khổ sở hơn khi xin visa đến Mỹ.

Giữa bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước leo thang, vào tháng 6/2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng visa sang Mỹ ngày càng bị giới hạn: "Các sinh viên và học giả cần đánh giá kĩ rủi ro liên quan tới visa trước khi quyết định du học, nâng cao nhận thức và có phương án chuẩn bị phù hợp".

Đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu năm 2020 chỉ làm trầm trọng thêm bất đồng giữa hai nước. Mỹ muốn cử một đội chuyên gia y tế tới giúp Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh nhưng chính quyền Bắc Kinh cho rằng Mỹ chỉ đang muốn soi mói để tìm cớ đổ lỗi lên Trung Quốc.

Ngày 31/1, Mỹ là một trong những nước đầu tiên ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người từng ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày gần nhất. Nhiều sinh viên Trung Quốc do vậy không thể đến Mỹ nhập học sau kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) nhiều lần phản đối những chính sách cực đoan như Mỹ đưa ra, tuy vậy ngày 1/2, Australia cũng cấm nhập cảnh với người đến từ Trung Quốc.

Nếu sinh viên Trung Quốc lo một thì các trường đại học nước ngoài còn phải lo mười. 

Chất lượng giáo dục là một yếu tố quan trọng nhưng không phải duy nhất. Các bậc phụ huynh còn đánh giá xem môi trường của nước sở tại có thân thiện với con em Trung Quốc hay không. Và khi nhìn vào những căng thẳng liên tiếp nổi lên từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều trường đã phải lên phương án chuẩn bị.

Tháng 11/2018, trường đại học Illinois, Mỹ thậm chí còn kí một hợp đồng bảo hiểm, đề phòng kịch bản rủi ro nguồn thu từ sinh viên Trung Quốc giảm sút. Phí bảo hiểm mà trường phải trả mỗi năm là 424.000 USD, hạn mức bảo hiểm 60 triệu USD.

Nếu nguồn doanh thu từ sinh viên Trung Quốc giảm từ 20% trở lên, công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường. "Nhân tố rủi ro có thể là lệnh hạn chế visa, đại dịch bệnh, chiến tranh thương mại - những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi", một lãnh đạo của trường cho biết từ trước khi có dịch COVID-19.

Các trường đại học ở Australia và New Zealand cũng đang khổ sở vì vắng bóng sinh viên Trung Quốc dẫn tới nguồn thu bị sụt giảm nghiêm trọng.

Ngoài tác động kinh tế trực tiếp, lệnh cấm với sinh viên và các học giả quốc tế nói chung còn ảnh hưởng tới chất lượng lao động của Mỹ. Ông Edward Alden - chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định:

"Xua đuổi sinh viên quốc tế sẽ gây tổn hại to lớn với nền kinh tế Mỹ. Từ lâu Mỹ đã thu hút được phần lớn những người di cư xuất chúng nhất thế giới vì ban đầu họ đến Mỹ để theo học những ngôi trường danh tiếng. Nếu chúng ta đóng cánh cửa đại học lại với thế giới, nước Mỹ sẽ trở nên nghèo nàn và suy yếu hơn".

Giáo sư Michael Green của Đại học Georgetown - người từng là cố vấn của Tổng thống Bush về châu Á nhận định: Lo ngại gián điệp Trung Quốc là đúng nhưng Mỹ cũng không nên phản ứng thái quá.

"Đúng là có vấn đề liên quan tới sinh viên Trung Quốc, nhưng nước Mỹ không nên vơ đũa cả nắm. Tuyệt đại đa số sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học sẽ trở thành cầu nối giữa hai nước chứ không phải mối đe dọa".

Các biện pháp về y tế để ngăn sự lây lan của dịch bệnh, dù là thái quá, thì cũng có thể hiểu được. Nhưng dịch COVID-19 còn làm dấy lên tâm lí bài Hoa, ghét Trung Quốc sẵn có ở một bộ phận người bản địa. Những ai có bề ngoài giống người Trung Quốc hoặc châu Á nói chung đều dễ bị kì thị, xa lánh như con bệnh. Nhiều người Trung Quốc còn bị hành hung vì định kiến sai lầm rằng người Trung Quốc nào cũng mang virus corona.

Sau khi du học trở về nước, sinh viên Trung Quốc sẽ truyền tải những đánh giá và trải nghiệm ở nước Mỹ của mình cho bạn bè, gia đình, người thân và tác động tới cả những người làm chính sách.

Mỹ muốn tự tô vẽ nên hình tượng đất nước thân thiện, văn minh, chào đón với giới trẻ Trung Quốc, hay đóng chặt cửa vì những toan tính và kì thị vô lí rồi để truyền thông Trung Quốc vẽ thay?

Nếu virus kì thị không sớm bị tiêu diệt thì sau khi dịch bệnh được dập tắt, hai quốc gia, hai nền kinh tế, hai nền văn hóa và cả thế hệ trẻ vẫn sẽ bị chia cắt.

Kiên Dương - Đức Quyền