Bí ẩn khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc: Cầu không tăng, cung không giảm, tại sao đột nhiên cắt điện tràn lan?
Những ngộ nhận về nguồn cung điện của Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc những tháng qua đã làm tiêu tốn nhiều giấy mực của báo chí cũng như được cả thế giới quan tâm bàn tán. Nguyên nhân của tình trạng thiếu điện trầm trọng được cho là do hàng loạt nhân tố bất lợi khiến cho nguồn cung lao dốc. Nhưng sự thực có phải như vậy?
Thiếu than nhập khẩu từ Australia?
Quan hệ Trung Quốc – Australia căng như dây đàn sau khi chính quyền Canberra lớn tiếng yêu cầu điều tra về nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh giận dữ và ban hành một lệnh cấm không chính thức đối với than nhập khẩu từ Australia, nhiều tàu chở than không được cập cảng Trung Quốc.
Thực tế, lượng than nhập khẩu chỉ tương đương khoảng 10% tổng sản lượng than của Trung Quốc và cũng không hề suy giảm so với trước do có các nguồn thay thế cho Australia. Cụ thể trong tháng 8 và 9 khi tình trạng thiếu điện diễn ra nghiêm trọng nhất, Trung Quốc nhập khẩu lần lượt 28 triệu và 32 triệu tấn than, tăng trưởng tương ứng 36% và 76% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 10 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu hơn 257 triệu tấn than, tăng gần 2% so với cùng kỳ.
Thiếu than nội địa vì lũ lụt?
Tỉnh sản xuất than chủ lực là Sơn Tây bị ngập lụt hồi giữa tháng 10, làm dấy lên nhiều lo ngại về nguồn nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện đã xảy ra từ vài tháng trước trận lụt.
Ngoài ra, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết sản lượng than khai thác toàn quốc trong tháng 10 là 360 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2020 và tăng 5,5% so với cùng kỳ 2019 khi chưa có dịch COVID-19.
Nhà máy nhiệt điện than đóng cửa vì giá than quá cao? Vì mục tiêu khí thải?
Một luận điểm thường được nhắc đến trong các cuộc bàn thảo về khủng hoảng năng lượng Trung Quốc là: Giá điện mà các nhà máy bán cho lưới điện quốc gia do nhà nước kiểm soát chứ không tự do biến động theo cơ chế thị trường. Vì vậy, khi giá đầu vào như than lên cao hơn giá bán, các nhà máy sẽ đóng cửa để bớt thua lỗ.
Một nhân tố nữa là chính quyền địa phương có thể đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện đóng cửa để đảm bảo tuân thủ mục tiêu giảm phát thải của chính phủ ở Bắc Kinh.
Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy tổng sản lượng điện của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2021 liên tục duy trì trên 600 tỷ kWh, có khi trên 700 tỷ kWh, mỗi tháng. Sản lượng điện công nghiệp trong 10 tháng qua không những tăng trưởng so với cùng kỳ 2020 mà còn tăng so với 2019 khi chưa có đại dịch.
Nhiệt điện (bao gồm nhiệt điện than, khí tự nhiên, …) vẫn duy trì tỷ trọng đóng góp khoảng 70% trong tổng cơ cấu phát điện của đất nước tỷ dân.
Nhu cầu tăng đột biến?
Nếu vấn đề không nằm ở phía cung thì phải chăng là do nhu cầu điện sản xuất tăng vọt?
Thực tế, hoạt động công nghiệp của Trung Quốc không gia tăng đột ngột, thậm chí là liên tục suy giảm trong những tháng gần đây.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) khu vực sản xuất sau khi lập đỉnh trong tháng 3 đã xuống dốc 7 tháng liên tiếp, trong đó có hai tháng dưới ngưỡng 50 quan trọng – báo hiệu tháng sau tệ hơn tháng trước. Các chỉ số phụ về sản xuất và đơn hàng mới cũng đồng loạt đi xuống.
Đầu tư vào bất động sản cũng không có tiến triển đột biến trong bối cảnh chính quyền trung ương thắt chặt dòng vốn tín dụng, Evergrande đứng bên bờ vực phá sản và hàng loạt doanh nghiệp địa ốc khác gặp khó khăn về nguồn tiền.
Hoạt động kinh tế èo uột còn thể hiện qua mức tăng trưởng GDP gây thất vọng 4,9% trong quý III, chỉ cao hơn quý I và quý II/2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát, còn lại thấp hơn nhiều so với quý I và II năm nay cũng như thời trước dịch.
Điện đã chạy đi đâu?
Truyền thông thế giới phỏng vấn nhiều ông bà chủ doanh nghiệp tại Trung Quốc khổ sở vì bị cắt điện, không thể hoàn thành đơn hàng, buộc phải bồi thường cho đối tác và cắt giảm nhân công. Nhiều nhà máy được yêu cầu chỉ hoạt động 3-4 ngày mỗi tuần, hoặc chỉ chạy vào lúc nửa đêm gà gáy.
Khi cắt điện sản xuất vẫn chưa đủ, Trung Quốc còn cắt điện sinh hoạt của người dân. Đèn đường tối om, cả tòa chung cư chìm trong bóng đêm. Thang máy không hoạt động. Những người quen thanh toán không dùng tiền mặt đột nhiên không thể mua bán được gì.
Nếu như nhu cầu sản xuất không tăng, nguồn cung năng lượng không giảm, vậy điện đã chạy đi đâu mà Trung Quốc phải để người dân sống trong tăm tối như vậy?
Một khả năng là các số liệu thống kê của Trung Quốc đã bị "xào nấu" và phản ánh không chính xác tình hình thực tế. Có thể sản lượng điện quả thực đã sụt giảm vì thiếu than hoặc vì chính quyền muốn giảm phát thải nhưng số liệu đã được chỉnh sửa trước khi công bố.
Một kịch bản khác là Trung Quốc đã sử dụng một phần lớn điện năng cho hoạt động sản xuất trang thiết bị, khí tài quân sự.
Các tỉnh và thành phố ở gần biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cắt điện, trong khi các thành phố cấp ba ở sâu trong đại lục lại tương đối ít bị tác động. Tại sao Trung Quốc lại hy sinh lợi ích của các trung tâm kinh tế duyên hải?
Theo Giáo sư Xie Tian của Đại học South Carolina, các nhà máy quốc phòng của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở các thành phố và thị trấn nhỏ ở trong đất liền chứ không phải ở các thành phố lớn. Hoạt động sản xuất thiết bị quân sự, đặc biệt là những khí tài hiện đại như tên lửa siêu vượt âm và pháo điện từ (rail gun), tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Vì thế, Trung Quốc có thể đã phải cắt điện ở các trung tâm công nghiệp lớn để ưu tiên cho các nhà máy quốc phòng.
Tình trạng cắt điện lên đến đỉnh điểm trong tháng 9, đây cũng là khoảng thời gian mà Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận phát triển tàu ngầm hạt nhân (AUKUS) mà Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích. Lãnh đạo Phương Tây không chỉ đích danh Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng liên minh AUKUS được thiết lập để hạn chế tầm ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc trên Thái Bình Dương.
Trong nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11, tình trạng thiếu năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt của Trung Quốc đã thuyên giảm đi nhiều. Tuy nhiên mùa đông đang đến gần và nhu cầu sưởi ấm của người dân đang lên cao.
Ngày 25/11 vừa qua, hãng tin Bloomberg cho biết tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc đã phát tem phiếu để người dân mua than sưởi ấm trong những ngày đông sắp tới. Nhiều gia đình đã tích trữ sẵn củi khô và lõi ngô. Hãy cùng chờ xem liệu Trung Quốc có một lần nữa cắt điện tới hàng trăm triệu người dân hay không.