|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khủng hoảng năng lượng và bất động sản giáng đòn mạnh vào GDP Trung Quốc

10:28 | 18/10/2021
Chia sẻ
Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc trong quý III vừa qua do các yếu tố bất lợi từ khu vực nhà đất cũng như tình trạng thiếu hụt năng lượng. Tình hình quý IV thậm chí có thể sẽ xấu hơn.
Khủng hoảng năng lượng và bất động sản giáng đòn mạnh vào GDP Trung Quốc - Ảnh 1.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, GDP quý III của nước này tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 7,9% của quý II. Kết quả này cũng thấp hơn dự báo 5% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát và dự báo 5,2% mà Reuters đưa ra.

Tính chung ba quý đầu năm: GDP Trung Quốc tăng 9,8% so với cùng kỳ, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng 9 tháng tăng 16,4%.

Một số thống kê kinh tế mà Trung Quốc vừa công bố sáng 18/10:

- Sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo là 3,8%.

- Doanh số bán lẻ tháng 9 tăng 4,4%, trong khi dự báo là 3,5%.

- Đầu tư tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm tăng 7,3%, trong khi dự báo là 7,8%.

- Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,9% vào thời điểm cuối tháng 9/2021, giảm 0,5 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái.

- GDP quý III tăng trưởng 4,9% so với quý III/2020 và tăng 0,2% so với quý liền trước.

Theo Bloomberg, việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát thị trường bất động sản đã làm giảm sút hoạt động xây dựng, đồng thời khiến dòng vốn vào lĩnh vực này chậm lại. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng thanh khoản tại Evergrande đang lan rộng ra các doanh nghiệp khác trong ngành và dẫn tới doanh số bán đất sụt giảm.

Không những thế, tình trạng thiếu điện trầm trọng trong tháng 9 đã buộc các nhà máy phải giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhiềm kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục cản trở tiêu dùng của người dân.

Bloomberg dẫn lời bà Helen Qiao, Chuyên gia kinh tế khu vực Trung Quốc tại Bank of America nhận định: "Về phía cầu, mảng đầu tư quý vừa qua tương đối yếu. Về phía cung, tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng là rất nghiêm trọng". Bà Qiao dự báo tăng trưởng trong quý IV nhiều khả năng sẽ chỉ còn khoảng 3-4%.

Cục Thống kê Trung Quốc khẳng định quá trình phục hồi kinh tế "vẫn chưa vững chắc" và còn thiếu cân bằng. Tuy nhiên, Trung Quốc đảm bảo sẽ đạt được mục tiêu cả năm. Phát biểu tối 17/10, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương dự báo GDP năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 8%.

Bà Chang Shu, Kinh tế trưởng khu vực Châu Á của Bloomberg nhận định: "Trung Quốc cần các hỗ trợ chính sách mạnh tay hơn để kéo cỗ xe kinh tế ra khỏi đoạn đường lầy lội hiện nay. Tuy nhiên, nền kinh tế không thể nhanh chóng quay đầu do các nhân tố tiêu cực chủ yếu đến từ các cú sốc cung và chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện các cải cách tổng thể mang tính dài hạn".

Khủng hoảng năng lượng và bất động sản giáng đòn mạnh vào GDP Trung Quốc - Ảnh 4.

Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9/2021 là 4,9%, thấp nhất trong ba năm trở lại đây.

Tuy tỷ lệ thất nghiệp giảm nhưng "sự thật không thể chối cãi là tăng trưởng đã sa sút đáng kể trong quý III và không đồng nhất với diễn biến trên thị trường việc làm", Bloomberg dẫn lời ông Raymond Yeung, Kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, nhận định. "Triển vọng kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ rất bấp bênh do cuộc khủng hoảng năng lượng và bất động sản".

Loạt tổ chức hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc

Theo Bloomberg, việc tăng trưởng trong quý III chậm lại là điều đã được dự báo từ trước do mức nền so sánh của năm 2020 là khá cao. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như những lo ngại về thị trường bất động sản đã khiến nhiều nhà kinh tế bất ngờ.

Trong các tháng 8, 9 và 10, hàng loạt ngân hàng toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc.

Khủng hoảng năng lượng và bất động sản giáng đòn mạnh vào GDP Trung Quốc - Ảnh 5.

Bắc Kinh chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay, khiêm tốn hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế. Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ chưa vội bơm kích thích kinh tế.

Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường bày tỏ lạc quan: "Trong quý III, vì nhiều lý do khác nhau, tăng trưởng đã chậm lại đôi chút. Nhưng xét theo cả năm, chúng tôi tin tưởng sẽ đạt các mục tiêu phát triển chung".

Các chuyên gia kỳ vọng Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ có chọn lọc, đồng thời cho rằng khả năng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng sẽ khó xảy ra hơn so với trước.

Mức độ thiệt hại mà đợt suy thoái bất động sản và tình trạng thiếu hụt năng lượng gây ra có thể được quan sát thấy ở các lĩnh vực thượng nguồn, cụ thể như sản lượng sắt thép và xi măng đều sụt giảm. 

Khai thác than trong tháng 9 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu than nhảy vọt tới 76%. Nhập khẩu nhiều làm giảm GDP.

Đức Quyền

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.