Hàng triệu người lo sốt vó vì Evergrande, chính phủ Trung Quốc khó khoanh tay đứng nhìn
Các chủ nợ, nhà đầu tư, nhà cung cấp cho Evergrande và những doanh nghiệp bất động sản nặng nợ khác là nhóm có khả năng chịu tác động mạnh nhất trong cuộc khủng hoảng thanh khoản lần này. Ngoài ra, các công ty có cơ cấu doanh thu đáng kể đến từ Trung Quốc cũng phải gánh không ít rủi ro.
Thứ Hai tuần trước, thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu phải một phen náo loạn khi nhà đầu tư lo ngại việc Evergrande sụp đổ có thể dẫn tới bất ổn lây lan ra khắp thế giới. Những ngày sau đó, tâm lý thị trường đã phần nào bình ổn trở lại khi Evergrande tuyên bố dàn xếp xong khoản lãi trái phiếu nội tệ đến hạn.
Tuy nhiên, nguy hiểm còn lâu mới chấm dứt vì tập đoàn bất động sản này chưa trả được 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu ngoại tệ đến hạn hôm 23/9. Ngày 29/9 sẽ có thêm 47,5 triệu USD lãi trái phiếu khác đến hạn trả. Nếu không thể thanh toán trong thời gian ân hạn 30 ngày, Evergrande sẽ bị tuyên bố vỡ nợ.
Những người đang đứng ngồi không yên vì Evergrande bao gồm:
Doanh nghiệp cùng ngành bất động sản
Theo Bloomberg, quy mô khổng lồ của Evergrande cộng thêm chính sách tăng cường thắt chặt ngành địa ốc từ phía Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những tác động đáng kể tới các nhà phát triển bất động sản.
Tổng tài sản của Evergrande hiện vào khoảng 367 tỷ USD, tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Vì vậy, bất kỳ hoạt động bán thanh lý tài sản nào cũng sẽ gây sốc cho thị trường.
Citigroup nhận định: Dù có chuyện gì xảy ra với Evergrande thì giá nhà đất ở Trung Quốc hiện cũng đang chịu rủi ro "sụt giảm đáng kể".
Trong tháng 9 này, chỉ số bất động sản Hang Seng tụt xuống mức thấp nhất 5 năm gần đây. Chỉ số này bao gồm cổ phiếu của các đại gia trong ngành như Evergrande (đã sụt 83% so với đầu năm), Country Garden Holdings (giảm 26% so với đầu năm) hay China Overseas (mất 22% trong 6 tháng qua).
Nếu Bắc Kinh không bơm tiền giải cứu và để cho Evergrande vỡ nợ, chi phí vay vốn của các doanh nghiệp còn lại trong ngành sẽ lên cao hơn rõ rệt, áp lực tài chính sẽ càng đè nặng. Trái phiếu của Evergrande hiện chỉ giao dịch ở khoảng 30% mệnh giá, giá trái phiếu đi xuống đồng nghĩa với việc lợi suất tăng lên.
Chủ nợ và nhà đầu tư
Cổ phiếu của những doanh nghiệp đã cho vay hoặc đầu tư vào các công ty bất động sản Trung Quốc biến động khá thất thường giữa nguy cơ nợ xấu tăng cao và phải trích lập dự phòng.
Nhà phân tích Judy Zhang của Citigroup cho biết các nhà hoạch định chính sách nhiều khả năng sẽ có biện pháp hỗ trợ nhưng một số ngân hàng vẫn sẽ trở thành nạn nhân.
Tính toán của Citigroup cho thấy những ngân hàng có nguy cơ thiệt hại lớn nhất vì cho vay bất động sản rủi ro bao gồm China Minsheng Bank, Ping An Bank và China Everbright Bank. Một số nhà băng được cho là chịu ít rủi ro hơn là Bank of Nanjing, Chongqing Rural Commercial Bank và Postal Savings Bank of China.
Các nhà cung cấp tại châu Á
Các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng và nội thất cho các dự án của Evergrande cũng rất đáng chú ý. Nhà đầu tư cần đánh giá xem Evergrande còn nợ những công ty này bao nhiêu tiền và liệu trong tương lai có thể làm ăn với nhau và tạo doanh thu nữa hay không.
Tập đoàn của chủ tịch Hứa Gia Ấn đang cạn tiền và đã phải đề nghị thanh toán cho một số đối tác bằng bất động sản xây dang dở.
Cổ phiếu của một số nhà cung cấp lớn cho Evergrande hiện đều thấp hơn đáng kể so với đầu năm. Cụ thể như Gree Electric Applinces mất 39%, Suning.com sụt 33%, Midea Group và Suzhou Gold Mantis cùng mất 32%, Hangzhou Robam Appliances giảm 18%.
Cổ phiếu của các công ty con của Evergrande cũng lao dốc mạnh. Trong đó, Evergrande Property Services mất phân nửa giá trị, China Evergrande New Energy Vehicle (chuyên về xe điện) cắm đầu giảm tới 93%.
Các ông lớn công nghiệp tại Mỹ
Nếu Evergrande phá sản hoặc phải tái cấu trúc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, từ đó tác động tới cổ phiếu của các tập đoàn đa quốc gia tại Mỹ.
Theo Bloomberg, các tập đoàn công nghiệp, thường được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế Mỹ, nhiều khả năng sẽ bị thiệt hại nặng nề nhất.
Tính toán của JPMorgan Chase cho thấy các nhà sản xuất công nghiệp của Mỹ có khoảng 10% doanh thu chịu rủi ro ở Trung Quốc, trong đó có những cái tên như General Electric, Otis Worldwide, Honeywell International và nhà sản xuất máy xây dựng Caterpillar.
Các đại gia khoáng sản
Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng Evergrande đang khiến giá cổ phiếu các doanh nghiệp vật liệu cơ bản chao đảo.
Theo ước tính của Bloomberg, Trung Quốc chiếm tới 62% doanh thu của tập đoàn khai khoáng BHP Group, 58% của đại gia quặng kim loại Rio Tinto, gần một nửa doanh thu của Anglo American và Glencore.
Các nhà sản xuất xi măng như HeidelbergCement và nhà cung cấp vật liệu xây dựng như Kone OYJ và Schindler Holding cũng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ việc Evergrande.
1,5 triệu người mua nhà của Evergrande và 4 triệu lao động tại Trung Quốc
Giống các tập đoàn bất động sản khác, Evergrande cũng huy động vốn bằng cách bán nhà ở hình thành trong tương lai, tức là doanh nghiệp thu tiền của người mua nhà rồi dùng tiền đó để thi công, sau một vài năm sẽ bàn giao nhà hoàn thiện.
Theo ước tính của Capital Economics, Evergrande đã bán gần 1,5 triệu căn nhà chưa xây với tổng trị giá khoảng 200 tỷ USD. Giả sử Evergrande phá sản và mỗi gia đình có 3-4 người thì tức là tổng cộng khoảng 5 triệu công dân Trung Quốc mất tiền mà không nhận được nhà.
Ngoài ra, Evergrande còn là một nhân tố đáng kể trên thị trường việc làm của Trung Quốc khi tập đoàn này có tới 200.000 nhân viên và mỗi năm thuê thêm khoảng 3,8 triệu lao động để thi công các dự án.
Ông Will Malcolm, Giám đốc quản lý danh mục tại quỹ Aviva Investors, nhận định: "Câu chuyện xã hội ở đây là rất quan trọng. Mối quan tâm lớn nhất lúc này là các dự án của Evergrande được hoàn thành và người mua được bảo vệ. Muốn xây xong các dự án thì các nhà cung cấp phải được trả tiền".
Tác giả Shuli Ren của Bloomberg cho rằng kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra trong cuộc khủng hoảng Evergrande lần này là người dân đổ ra đường biểu tình, tạo ra bất ổn trong xã hội Trung Quốc. Evergrande nợ rất nhiều người rất nhiều tiền, bao gồm cả người mua nhà, người đầu tư vào quỹ quản lý tài sản, và ngay cả chính nhân viên trong công ty.
Evergrande từng ép buộc người lao động phải cho tập đoàn vay tiền, nếu không sẽ bị cắt tiền thưởng.
Chính phủ Trung Quốc chắc chắn không muốn hàng trăm nghìn hay thậm chí hàng triệu người xuống đường phản đối vì Evergrande.
Sau khi đảm bảo lợi ích cho người mua nhà và người lao động, Bắc Kinh mới tính đến quyền lợi của người cho vay.
Nếu Trung Quốc đối xử công bằng giữa các chủ nợ trong và ngoài nước, mọi chuyện sẽ diễn ra tương đối êm đẹp.
Nếu các chủ nợ trong nước được ưu tiên thanh toán một cách bất hợp lý, các tổ chức cho vay nước ngoài sẽ kiện cáo, đồng thời chi phí đi vay bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng lên vì rủi ro giờ đây bị cho là cao hơn.
Các cổ đông gần như không có cơ hội nhận được đồng nào nếu Evergrande phá sản.