Có gì trong bản đánh giá thương mại quan trọng mà Mỹ sẽ công bố vào ngày mai?

Tàu container bên ngoài cảng Oakland của Mỹ. (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố thuế quan đối ứng vào ngày 2/4. Ông gọi ngày 2/4 là “ngày giải phóng” nền kinh tế Mỹ khỏi hành vi không công bằng của các đối tác thương mại.
Quyết định đánh thuế sẽ dựa một phần vào các báo cáo do Đại diện Thương mại, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ tổng hợp trong thời gian qua. Dự kiến, các bản báo cáo sẽ được phát hành vào ngày 1/4.
Bên dưới là những gì chủ nhân Nhà Trắng đã ra lệnh cho từng cơ quan xem xét và đánh giá, theo Reuters:
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR)
- Xác định hành vi thương mại không công bằng của các quốc gia khác và đề xuất biện pháp khắc phục, kết hợp với Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick và cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro.
- Khởi động một cuộc tham vấn công khai để xem xét tác động của Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đối với người lao động, nông dân và doanh nghiệp Mỹ và “đưa ra các khuyến nghị liên quan đến sự tham gia của Mỹ trong thoả thuận”.
- Xem xét các thoả thuận thương mại khác của Mỹ để đề xuất thay đổi nhằm "duy trì mức độ chung của các nhượng bộ có qua có lại và cùng có lợi”.
- Xác định các quốc gia mà Mỹ có thể đàm phán thoả thuận thương mại trên cơ sở song phương hoặc theo từng lĩnh vực cụ thể để có quyền tiếp cận thị trường xuất khẩu cho hàng hoá và dịch vụ Mỹ.
- Tham vấn với ông Navarro để xem xét tác động của tất cả các thoả thuận thương mại, bao gồm cả thoả thuận mua hàng của Tổ chức Thương mại Thế giới, liên quan đến chỉ thị “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” vào năm 2017 của ông Trump.
- Xác định liệu Trung Quốc có thực hiện đúng cam kết theo thoả thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn 1 mà hai bên ký kết vào năm 2020 hay không, sau đó đề xuất biện pháp khắc phục phù hợp “bao gồm cả việc áp dụng thuế quan hoặc các biện pháp khác nếu cần”.
- Đánh giá các đợt tăng thuế quan mạnh tay của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với xe điện, sản phẩm năng lượng mặt trời và các mặt hàng chiến lược khác của Trung Quốc, sau đó xem xét các sửa đổi bổ sung để ngăn chặn việc lách luật thông qua nước thứ ba.
Bộ Thương mại Mỹ
- Cùng với USTR và Bộ Tài chính Mỹ, điều tra nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại hàng hoá lớn và dai dẳng của Mỹ và tìm hiểu tác động đến an ninh quốc gia, đồng thời đề xuất biện pháp thích hợp, “chẳng hạn như thuế quan bổ sung toàn cầu hoặc các chính sách khác để khắc phục tình trạng thâm hụt”.
- Xem xét các luật chống bán phá giá và chống trợ cấp, bao gồm cả trợ cấp xuyên quốc gia, điều chỉnh chi phí và “zeroing” (tức quy về 0). Đề xuất các sửa đổi để cải thiện việc tuân thủ luật.
- Cùng với USTR, đánh giá các đề xuất lập pháp liên quan đến những thay đổi đối với Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn của Trung Quốc. Quy chế này được cấp vào năm 2000.
- Đánh giá tình trạng quyền sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ đã cấp cho các thực thể Trung Quốc và đưa ra khuyến nghị để đảm bảo công bằng và cân bằng đối với quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
- Đánh giá hiệu quả của các loại miễn trừ và điều chỉnh khác với thuế quan thép, nhôm. Đánh giá này đã dẫn đến việc chính phủ Mỹ rút lại các miễn trừ và tăng thuế nhôm lên 25%, tương ứng với thuế thép.
- Đề xuất những thay đổi trong hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ dựa theo sự xuất hiện của các đối thủ chiến lược và rủi ro địa chính trị nhằm đảm bảo lợi thế công nghệ của Mỹ được duy trì và tăng cường.
Đề xuất này bao gồm việc loại bỏ các lỗ hổng cho phép chuyển giao hàng hoá, phần mềm, dịch vụ và công nghệ chiến lược cho các đối thủ.
- Xem xét và đề xuất điều chỉnh thích hợp về việc ban hành quy định đối với xe có thể kết nối internet và cân nhắc liệu có nên áp dụng biện pháp tương tự đối với các sản phẩm có kết nối mạng khác hay không.
- Cùng với Bộ An ninh Nội địa Mỹ, đánh giá tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn lậu ma tuý fentanyl từ Canada, Mexico và Trung Quốc, sau đó đưa ra khuyến nghị để giải quyết tình trạng khẩn cấp này.
Cuộc đánh giá đã dẫn đến việc chính phủ Mỹ áp thuế bổ sung 20% đối với hàng hoá Trung Quốc và tạm hoãn thuế quan 25% đối với một số hàng hoá của Mexico và Canada.
Bộ Tài chính Mỹ
- Xem xét các chính sách ngoại tệ để xác định hành vi thao túng với mục đích làm sai lệch cán cân thanh toán hoặc tạo ra lợi thế không công bằng trong thương mại. Đề xuất các biện pháp khắc phục và xác định các quốc gia “cần chỉ định là nước thao túng tiền tệ”.
- Xem xét các chính sách thuế quốc tế có hành vi phân biệt đối xử với doanh nghiệp và công dân Mỹ.
- Cùng với Bộ Thương mại, xem xét các hạn chế đối với dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ vào các công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc cũng như những quốc gia đáng ngờ khác mà chính quyền ông Biden áp đặt. Mục đích là kiểm tra liệu Mỹ có cần sửa đổi hay thay thế các hạn chế này nhằm tăng cường an ninh quốc gia hay không.
- Cùng với Bộ Thương mại và Bộ An ninh Nội địa, cân nhắc tính khả thi của kế hoạch thành lập và xây dựng Cơ quan Thuế vụ Nước ngoài để thu thuế quan và các khoản thu khác liên quan đến thương mại quốc tế.
- Đánh giá rủi ro tổn thất doanh thu thuế quan do ma tuý bất hợp pháp và hàng lậu theo quy chế miễn trừ “de minimis” đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 USD, và đề xuất điều chỉnh.