Nếu bị Mỹ áp thuế nhập khẩu đối ứng, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm tới 1,3 điểm %
Ngày 1/4, Cơ quan điều tra thương mại của Mỹ sẽ trình lên Tổng Thống Donald Trump văn bản đánh giá các đối tác thương mại về vấn đề bất đối xứng trong giao thương với Mỹ và gây tác động tiêu cực cho thương mại Mỹ.
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị nêu tên trong báo cáo này, dẫn tới nguy cơ bị áp thuế đối ứng. Nguyên nhân là do Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số các thị trường mà Mỹ thâm hụt thương mại lớn. Đồng thời, Việt Nam cũng đang áp mức thuế nhập khẩu bình quân từ Mỹ cao hơn so với chiều ngược lại.
Ngày 23/3, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã thu hẹp đáng kể phạm vi áp thuế, có thể chỉ tập trung vào “Dirty 15” – các quốc gia vi phạm theo hai tiêu chí: Áp đặt thuế quan không công bằng đối với hàng hóa Mỹ và khiến Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn (theo Bloomberg). Do đó, Việt Nam có nguy cơ rất cao khi vi phạm cả hai tiêu chí này.
Bình luận về rủi ro thuế quan, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nguy cơ Việt Nam bị Mỹ áp thuế đối xứng là có.
Nguyên tắc đánh thuế của chính quyền ông Donald Trump cũng hơi khác so với trước, họ không đánh theo lĩnh vực và ngành nghề mà đánh theo quốc gia. Vậy nên, những quốc gia hội tủ đủ hai điều kiện: gây thâm hụt thương mại với Mỹ cao và chênh lệch áp thuế nhập khẩu thì rất có thể sẽ nằm trong danh sách áp thuế đối xứng của Mỹ.

Các quốc gia mà Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại lớn. (Nguồn: KBSV).
Hiện nay, mức trung bình của các mức thuế nhập khẩu hàng hoá của Mỹ là 2,2% còn Việt Nam đang là 5,1%. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong top 3 quốc gia tạo ra thâm hụt thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã có một số động thái chủ động đưa ra chính sách giúp cân bằng thương mại giữa hai nước, từ đó có cơ sở đàm phán để phía Mỹ gỡ bỏ việc áp dụng Thuế đối ứng.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm mức thuế tối huệ quốc (MFN) đối với 14 sản phẩm chủ yếu xuất khẩu từ Mỹ. Nếu đề xuất được thông qua, chênh lệch thuế quan giữa hai nước có thể giảm đáng kể, dẫn đến thay đổi về mức thuế Việt Nam có thể phải chịu từ Mỹ.
Tăng trưởng GDP có thể giảm trên 1 điểm %
Ở kịch bản xấu nhất nếu Việt Nam bị áp thuế đối ứng, theo ước tính của các chuyên gia, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 có thể giảm trên 1 điểm %.
Hiện tại, thị trường Mỹ đang chiếm 30% tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu, vì vậy nếu bị Mỹ áp thuế dù ít hay nhiều thì xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công Fulbright cho hay.
Dựa trên mức nền xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 14,5%, ông Thành dự báo năm 2025, trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump không đánh thuế, xuất khẩu cũng chỉ dự kiến tăng trưởng khoảng 9 - 10%; nếu đánh thuế thì chỉ tiêu này còn thấp hơn.
Các nhà phân tích từ Công ty Chứng khoán KB (KBSV) thì đưa ra ba kịch bản nếu Việt Nam bị đưa vào danh sách áp thuế đối ứng. Ở kịch bản thứ 1, hàng hoá Việt Nam bị áp thuế đối ứng không tính đến VAT Mỹ thêm 5,8%.
Kịch bản 2, ông Trump có thể xem xét đến cả những rào cản thương mại khác mà các quốc gia khác đang áp dụng, điển hình như thuế VAT. Theo cách tiếp cận này, sẽ phải cộng thêm phần chênh lệch giữa thuế VAT mà Việt Nam đang áp dụng (10%) và thuế bán hàng (Sales Tax) trung bình các bang của Mỹ đang áp dụng (5%). Như vậy, mức Thuế đối ứng có thể lên tới xấp xỉ 11%.
Nếu áp mức thuế đối ứng lên đến 11%, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 có thể giảm 0,7- 1,3 điểm % so với kịch bản không bị áp thuế. Trước đó, Goldman Sachs cũng dự báo GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5 điểm % nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%.
Tia kỳ vọng Việt Nam không bị áp thuế
Kịch bản 3, Việt Nam không bị áp thuế đối ứng Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Cụ thể, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ từ tháng 9/2023.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang có những kế hoạch tăng mua hàng hóa từ Mỹ như khí LNG, máy bay, nông sản, thực phẩm… và những nỗ lực nhằm hạn chế hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng đã được chính phủ Mỹ ghi nhận.
"Trong trường hợp, Mỹ đánh giá tích cực về những động thái của Việt Nam, vẫn có khả năng Việt Nam không bị Mỹ đưa vào danh sách trong kỳ đánh giá này", KBSV cho biết.

Ông Nguyễn Thế Minh,Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. (Ảnh: VNB).
Đây cũng là kịch bản mà ông Thế Minh lựa chọn. Ông cho biết, Việt Nam có khả năng chưa nằm trong danh sách đánh thuế của Mỹ đợt này bởi ba lý do.
Thứ nhất, Việt Nam đang thể hiện rằng sẽ cố gắng thu hẹp mức chênh lệch về cán cân thương mại cũng như chênh lệch về thuế quan. Thứ hai, Việt Nam cũng đang có những bước đi đầu tiên để xoa dịu sự căng thằng với Mỹ như cho phép dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk vào Việt Nam hay các dự án của tập đoàn Trump.
Và thứ ba, Việt Nam đã đưa ra những kế hoạch nhằm cân bằng cán cân thương mại và chênh lệch thuế quan và sẽ sớm thực hiện như việc giảm thuế MFN với 14 sản phẩm từ Mỹ như: Ô tô, gỗ, khí hóa lỏng LNG, sản phẩm nông nghiệp.
Ngoại trừ Trung Quốc, các quốc gia vào "tầm ngắm" thuế quan của ông Trump như: Canada, Mexico hay quốc gia có mức chênh thuế với Mỹ cao như Ấn Độ đều đã có động thái nhằm xoa dịu căng thẳng với chính quyền ông Trump.

Chênh lệch thuế quan của Việt Nam với Mỹ vẫn thấp hơn nhiều quốc gia như: EU, Mexico, Trung Quốc, Canada,...(Nguồn: KBSV).
Quan trọng nữa, cách điều hành của ông Trump là đưa ra các chính sách thuế quan để đàm phán và tạo lợi ích về thương mại đối với Mỹ. Vì vậy, những động thái ban đầu của Việt Nam có thể xoa dịu áp lực đối với căng thẳng thuế quan của chính quyền ông Trump.
Ngay cả với trường hợp xấu nhất là bị áp thuế, mức ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước cũng không quá lớn bởi phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ là từ doanh nghiệp FDI và chỉ có một số ngành, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng như: Đồ gỗ, da giày hay thuỷ sản.
"Nếu Mỹ áp thuế đối ứng tới 11% - 13% với Việt Nam, tăng trưởng GDP có thể giảm trên 1 điểm %", ông Minh dự báo. Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay từ 8% trở lên nhưng môi trường thế giới bất ổn và những rủi ro thương mại lớn như hiện nay khiến khả năng đạt mục tiêu này càng khó khăn.
Những gì Chính phủ đang làm nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng thương mại với Mỹ cho thấy nhiều khả năng Việt Nam sẽ đàm phán và đưa ra các chính sách thuế quan cân bằng với để Mỹ để giữ được thị trường xuất khẩu và mức tăng trưởng tương đối tốt trong năm nay.
Tuy nhiên, thực tế chính sách của Mỹ như thế nào thì vẫn là một ẩn số bởi sự thay đổi chóng vánh của ông Trump.
Một rủi ro nữa có thể bị Mỹ nhắm đến là việc các tập đoàn FDI coi Việt Nam là quốc gia để né thuế. Vì vậy, nếu Mỹ không bị áp thuế đợt này và tình trạng đội lốt xuất xứ gia tăng thì chính quyền ông Trump sẽ "để ý" đến Việt Nam.
Tuy nhiên, so với Ấn Độ hay một số quốc gia khác, mức chênh lệch thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ vẫn thấp hơn nhiều. Vì vậy, vẫn có một tia kỳ vọng rằng Việt Nam sẽ không bị vào tầm ngắm về thuế quan của chính quyền ông Trump, ông Minh nhìn nhận.