Khủng hoảng bất động sản làm nhiều người dân Trung Quốc khốn đốn
Anh Peter đã từ bỏ khởi nghiệp và kế hoạch mua xe BMW 5 series sau khi tập đoàn địa ốc Aoyuan Group ngừng thi công căn nhà 2 triệu nhân dân tệ (300.000 USD) tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam.
Hiện nay, anh Peter đang phải trả lãi khoản vay chiếm mất 90% thu nhập khả dụng và một ngôi nhà chỉ tồn tại trên giấy. “Tôi biết mọi khoản đầu tư đều có rủi ro và bạn phải trả giá cho quyết định của mình”, anh nói. “Nhưng chủ nhà không phải là người đáng trách và không nên chịu trách nhiệm”.
Theo Bloomberg, anh Peter là một trong hàng trăm nghìn người mua nhà tại 90 thành phố Trung Quốc cùng phản đối chi trả 2.000 tỷ nhân dân tệ tiền vay mua nhà sau khi các doanh nghiệp như Aoyuan hay Evergrande tạm ngừng các dự án.
Ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, chiếm khoảng 70% tổng tài sản, đang cùng nhau tẩy chay chi trả nợ vay thế chấp, tạo ra nguy cơ tới nền kinh tế và ổn định xã hội.
Nhiều người dân Trung Quốc vay tiền ngân hàng rồi chuyển cho các tập đoàn bất động sản để xây dựng dự án, với hy vọng nhận được nhà ở trong tương lai. Hiện nay các tập đoàn này đang gặp khó khăn về tài chính, không thể hoàn thành và bàn giao nhà. Người mua nhà tức giận và quyết định không trả nợ ngân hàng.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng giải quyết tình hình, với một số gợi ý về khoảng thời gian ân hạn cho các khoản vay, đồng thời đề nghị chính quyền và ngân hàng giải cứu các bất động sản này.
Nhà phân tích Kristy Hung của Bloomberg Intelligence ước tính, việc ngừng xây dựng đã ảnh hưởng tới số lượng nhà ở trị giá 4.700 tỷ nhân dân tệ và sẽ cần tới 1.400 tỷ nhân dân tệ, hoặc 1,3% GDP Trung Quốc để hoàn thiện.
Thị trường đặc biệt
Thị trường nhà ở Trung Quốc độc đáo ở chỗ, nhà mới được bán trước cả khi xây dựng, với việc chi trả nợ vay thế chấp mua nhà bắt đầu ngay sau khi ký hợp đồng. Dòng tiền này thúc đẩy sự bùng nổ nhà ở bằng cách giúp các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu các dự án mới nhanh chóng.
Dù việc các dự án bất động sản tạm ngưng không phải là hiếm ở Trung Quốc, mức độ của khủng hoảng hiện này là chưa từng có tiền lệ. Cuộc khủng hoảng này đến sau hai năm phong tỏa COVID và kế hoạch tạo nên “sự thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình bằng cách nhắm tới khu vực tư nhân.
Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ lên cao kỷ lục, giá nhà ở trượt dài trong 10 tháng liên tiếp, trong khi thu nhập khả dụng trên đầu người thu hẹp đến nay đã là quý thứ 5.
Trong một thập kỷ, tỷ lệ nợ hộ gia đình chia cho GDP của Trung Quốc đã tăng từ 27,8% vào 2011 lên mức 61,6% năm 2021. Tất nhiên, con số này vẫn tương đối nhỏ nếu so sánh với các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Nhật Bản.
Cựu chiến lược gia Hong Hao tại Bocom International Holdings cho biết hiện tượng tẩy chay chi trả tiền vay mua nhà sẽ kìm hãm giá và doanh số bất động sản, tạo ra hiệu ứng của cải tiêu cực.
“Tôi không nghĩ [thị trường bất động sản] là một kênh đầu tư tốt nữa. Nhiều người từng nghĩ rằng giá nhà sẽ không bao giờ giảm. Nhưng một sự thay đổi lớn sắp diễn ra”, ông nói.
Ông Andy Xie, một nhà kinh tế học độc lập, cho biết chu kỳ tài sản dài đã thay đổi. “Tăng trưởng từng là lý do hợp lý cho giá nhà cao và tăng nhanh, hay nói cách khác, một ngày nào đó, thu nhập sẽ bắt kịp với giá bất động sản. Giờ thì mọi chuyện đã khác”.
Tại Trung Quốc, thu nhập khả dụng chỉ bằng một phần nhỏ của Mỹ và sẽ cần hàng thập kỷ tiết kiệm để có một căn hộ chung cư với giá khoảng vài triệu nhân dân tệ tại những vùng trung tâm. Nhiều cặp đôi trẻ thường dựa vào cha mẹ và ông bà để giúp đỡ trong việc mua nhà.
Anh Li, 26 tuổi, nhân viên tại công ty công nghệ đã bị giảm 25% lương vào năm nay. Hiện anh đang dùng 1/3 lương, tương đương 4.000 nhân dân tệ để chi trả cho khoản vay cho một dự án dừng thi công của Evergrande tại Vũ Hán. Tháng này, anh cùng 5.000 người khác cùng cố gắng ép chính quyền và nhà thầu tái khởi động dự án.
- TIN LIÊN QUAN
-
Dân Trung Quốc giam tiền vào 65 triệu căn nhà hoang, nền kinh tế lấy gì để tăng tốc? 14/11/2021 - 08:33
Anh Li “sợ hãi” về tương lai và ngại bắt đầu một mối quan hệ bởi không chắc liệu mình có thể sở hữu bất động sản hay không. Nhiều nam thanh niên Trung Quốc cố sở hữu vài căn nhà để tăng khả năng thành công trong việc tìm bạn đời và kết hôn.
Giải pháp pháp lý
Người mua nhà đang xem xét đến các giải pháp pháp lý, đặc biệt nhằm chống lại ngân hàng. Một vài án lệ trước đây đã ủng hộ người mua, vô hiệu hóa hợp đồng và yêu cầu nhà phát triển dự án trả cọc cũng như chi trả tiền vay còn lại cho ngân hàng.
Anh Guo, người mua nhà trong một dự án của Evergrande tại Hồ Nam đã kiện ngân hàng sau khi dự án bị ngừng vào năm ngoái và bên cho vay không chuyển khoản tiền cần thiết cho việc xây dựng vào một tài khoản ủy thác. "Nếu ngân hàng ủy thác và nhà phát triển vi phạm pháp luật, tại sao người mua nhà phải trả giá?”, anh nói.
Ngân hàng của anh Peter cũng đã không chuyển tiền vào tài khoản ủy thác được dùng để tài trợ cho dự án, thay vào đó để nhà đầu tư thoải mái sử dụng khoản tiền này. Evergrande và Aoyuan vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Tất nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng biểu tình hoặc tạo áp lực với chính quyền. Anh Tom, người mua một dự án của Evergrande tại Cảnh Đức Trấn không định ngừng thanh toán tiền vay hoặc tham gia biểu tình vì lo sợ ảnh hưởng tới xếp hạng tín dụng. Anh tin tưởng rằng chính quyền sẽ đảm bảo dự án được hoàn thành.
Tuy nhiên, nhiều người mua nhà, đặc biệt là những người già, không thể chờ đợi. Ông Liu, một người đã về hưu tại Cảnh Đức Trấn đã sử dụng khoản tiết kiệm cả đời trị giá 800.000 nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỷ đồng) để mua một căn hộ với thang máy. Ông đã đến công trường hai lần và không thấy có bất cứ hoạt động xây dựng nào.
“Chúng tôi mong chính phủ có thể giải quyết vấn đề này. Nhưng thành thật mà nói, có vẻ hy vọng đã tàn lụi rồi”, ông Liu, người đang sống bằng khoản lương hưu 3.500 nhân dân tệ nói.