|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm 2022 phụ thuộc vào thị trường địa ốc và diễn biến đại dịch

10:29 | 19/07/2022
Chia sẻ
Các đợt bùng phát dịch có thể khiến thêm nhiều khu vực bị phong tỏa, gây gián đoạn hoạt động kinh tế và khiến thị trường bất động sản lao dốc hơn nữa. Các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc xuống còn khoảng 3%.

Cảnh sát mặc đồ bảo hộ khử trùng COVID-19 tại cảng Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tháng 8/2021. (Ảnh: AFP).

Triển vọng kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ được quyết định bởi khả năng kiểm soát của chính phủ đối với các đợt bùng phát COVID-19 và thị trường bất động sản.

Các dấu hiệu ban đầu có vẻ tiêu cực. Số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5, dẫn đến nhiều khu vực bị phong tỏa hơn. Thêm vào đó, làn sóng “tẩy chay thế chấp ” ở hàng chục thành phố đang làm gia tăng nhận thức của các hộ gia đình về việc các nhà phát triển bất động sản không có khả năng hoàn thành dự án nhà ở. Có nguy cơ thị trường bất động sản sẽ càng suy giảm mạnh hơn nữa.

Dữ liệu mới đây cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc gần như chững lại trong quý II. Sau đó, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm xuống còn khoảng 3%, thấp hơn hẳn mục tiêu chính phủ là khoảng 5,5%.

Quý II vừa qua, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021, mức thấp thứ 2 trong lịch sử chỉ sau cú lao dốc đầu dịch COVID-19.

Dưới dây là 4 xu hướng cần theo dõi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 6 tháng cuối năm 2022, theo Bloomberg.

Phong tỏa

Tốc độ tăng trưởng 0,4% trong quý II là con số thấp thứ hai từng được ghi nhận. Nguyên nhân lớn nhất là các cuộc phong tỏa ở hàng chục thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của Omicron. Ông Gary Ng, nhà kinh tế tại Natixis nhận xét: “Không gì tệ hơn các cuộc phong tỏa thành phố quy mô lớn và sự đình trệ của hoạt động kinh tế”.

 

 

Trong nghiên cứu gần đây, các nhà kinh tế của Nomura lập luận rằng Trung Quốc chịu sự chi phối của “Chu kỳ Kinh doanh COVID-19”. Đầu tiên, ca nhiễm gia tăng khiến doanh nghiệp bị đóng cửa. Một khi số ca bệnh giảm, kích thích của chính phủ dẫn dắt cho hoạt dộng kinh tế phục hồi, có khả năng dẫn đến một làn sóng dịch mới. Với các biến thể phụ như BA.5 xuất hiện tại một số thành phố, tốc độ và thời gian của các đợt phong tỏa trở nên cực kỳ khó đoán.

Các nhà kinh tế nói thêm: “Chúng tôi tin rằng thị trường đã quá lạc quan về tăng trưởng của Trung Quốc” trong nửa cuối năm. 

Về mặt tích cực, chính quyền địa phương Trung Quốc ngày càng thành thạo trong việc duy trì vận chuyển hàng hóa và nhà máy trong các đợt phong tỏa. Ông Andy Rogthman, chuyên gia đầu tư tại Matthews Asia nói: “Tôi kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng với sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 bằng các cuộc phong tỏa cục bộ, hẹp hơn thay vì áp dụng trên quy mô toàn thành phố như tháng 4 và tháng 5, nhằm tránh gây ra gián đoạn nghiêm trọng tới sự phục hồi kinh tế”.

Bất động sản

Sự suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc tệ đi trong quý II. Một phần nguyên nhân là các đợt phong tỏa làm giảm thu nhập hộ gia đình và khiến họ không còn sẵn lòng mua nhà như trước.

Rủi ro là sự suy yếu của thị trường bất động sản càng kéo dài thì càng có khả năng trở thành vòng lặp luẩn quẩn. Đây rõ ràng là mối nguy lớn do nhu cầu dịch vụ và hàng hóa phát sinh từ việc xây dựng và bán nhà chiếm khoảng 20% GDP Trung Quốc.

Dấu hiệu cảnh báo mới nhất là khách mua nhà tại hàng chục thành phố từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp, đe dọa cả ngành ngân hàng. Làn sóng này cũng gửi thông điệp rõ ràng tới những người mua tiềm năng là nhà của họ có thể không được bàn giao đúng thời hạn.

 

Các nhà kinh tế đang theo dõi dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tung ra các biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ thị trường nhà ở. Công ty tư vấn TS Lombard dự kiến ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay chính sách 10 điểm cơ bản, qua đó tác động đến lãi vay thế chấp, và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản.

Kích thích kinh tế

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Trung Quốc có thể chấp thuận các đợt bán trái phiếu chính quyền địa phương với quy mô chưa từng có, góp phần mang đến 7.200 tỷ nhân dân tệ (1.100 tỷ USD) để đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong năm nay. Các dự án này có thể thúc đẩy việc làm và chi tiêu hộ gia đình.

Rắc rối là tuy việc bán trái phiếu có thể tạo ra thêm nguồn tài trợ cho chính quyền địa phương nhưng nguồn thu truyền thống từ việc bán đất và thuế lại đang lao dốc. Nhà kinh tế Wang Tao của UBS Group ước tính trong nửa đầu năm 2022, nguồn thu của các chính quyền địa phương thiếu hụt đến 2.700 tỷ nhân dân tệ.

Bà Tao kêu gọi chính phủ Trung Quốc cân nhắc phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt để bổ sung ngân sách. Nếu không có thêm biện pháp hỗ trợ, bà cho rằng Trung Quốc thậm chí còn khó có thể tăng trưởng 3% trong cả năm.

Thời tiết cũng là yếu tố khó lường: Trung Quốc trải qua nắng nóng kỷ lục và mưa lũ trong những tuần gần đây, khiến cho việc xây dựng bị đình đốn.

Tiêu dùng và đầu tư tư nhân

Tiêu dùng là động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc trong phần lớn thập kỷ qua. Vậy nên điều cốt yếu là các hộ gia đình chi tiêu trở lại. Đầu tư bởi doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân thường lớn hơn đầu tư cơ sở hạ tầng, do đó niềm tin kinh doanh cũng quan trọng.

Nhưng tâm lý đã rơi gần xuống mức thấp kỷ lục. Khảo sát của ngân hàng trung ương Trung Quốc trong quý II cho thấy kỳ vọng việc làm của hộ gia đình đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ hộ gia đình dự định tiết kiệm nhiều hơn tăng lên 58%, cao hơn mức trước đại dịch là 46%.

 Lưu ý: Số liệu trên 50 thể hiện sự cải thiện, dưới 50 là ngược lại. 

Báo cáo phân tích của các nhà kinh tế Standard Chartered viết: “Chúng tôi kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng sẽ cải thiện hơn nữa trong nửa cuối năm nhờ việc nới lỏng các biện pháp khống chế COVID-19. Tuy nhiên, nhiều khả năng tốc độ phục hồi sẽ chậm chạp”.

Thước đo tâm lý khu vực tư nhân từ trường kinh doanh Cheung Kong của Trung Quốc đang ở gần đáy lịch sử. Lo sợ lạm phát tại các nền kinh tế lớn sẽ khiến xuất khẩu giảm tốc, càng làm suy yếu triển vọng của doanh nghiệp tư.

Tuy mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% là ngoài tầm tay của Trung Quốc, các nhà kinh tế đoán rằng giới quan chức sẽ tập trung vào việc hạn chế hậu quả tiêu cực.

Ông Peiqian Liu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Tập đoàn NatWest Group cho biết: “Tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình việc làm trong nửa cuối năm, do tôi dự đoán trong vài tháng tới các nhà hoạch định chính sách sẽ chuyển ưu tiên từ mục tiêu GDP sang mục tiêu việc làm”.

Giang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.