|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dịch bệnh đeo bám, GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng 0,4%

10:51 | 15/07/2022
Chia sẻ
So với cùng kỳ năm trước, GDP quý II của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% - thấp hơn kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiến hành xét nghiệm diện rộng tại Bắc Kinh, ngày 27/4. (Ảnh: Getty Images).

Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chật vật thoát khỏi tác động của dịch bệnh, GDP quý II năm nay chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS).

Con số trên thấp hơn nhiều so với dự đoán của giới chuyên gia. Chẳng hạn, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo mức tăng trưởng quý II là khoảng 1%.

Cũng theo NBS, sản lượng công nghiệp của tháng 6 cũng không đạt kỳ vọng khi chỉ tăng 3,9% so với một năm trước. Dự báo ban đầu là tăng 4,1%.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã đi lên 3,1% - phục hồi từ cú sụt của tháng 5 và vượt qua kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế. Trước đó, nhiều người cho rằng doanh số bán lẻ tháng 6 sẽ không tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021.

Các sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đã tổ chức một đợt mua sắm khuyến mãi quy mô hồi giữa tháng. Ngoài ra, ngành bán lẻ tháng 6 còn nhận được cú hích khi người dân đẩy mạnh chi tiêu trên nhiều hạng mục như ô tô, mỹ phẩm và dược phẩm.

Tuy nhiên, dịch vụ ăn uống, đồ nội thất và vật liệu xây dựng lại đi xuống. Trong doanh số bán lẻ, doanh số bán hàng trực tuyến của hàng hoá vật lý đã tăng 8,3% so với một năm trước - nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 14% của tháng 5.

 

Mặt khác, đầu tư tài sản cố định trong nửa đầu năm đã vượt kỳ vọng của công chúng khi tăng trưởng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dự báo là 6%. Nếu so với tháng trước thì đầu tư tài sản cố định tháng 6 tăng 0,95%.

Trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự hoặc tốt hơn trong giai đoạn từ tháng 5 sang tháng 6, thì đầu tư trong lĩnh vực bất động sản lại xấu đi.

Cụ thể, số liệu của NBS chỉ ra rằng hoạt động đầu tư vào bất động sản trong nửa đầu năm 2022 đã tụt 5,4% so với một năm trước, tồi tệ hơn mức giảm 4% trong 5 tháng đầu năm.

Tỷ lệ thất nghiệp trên 31 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã giảm từ mức cao trước đại dịch xuống còn 5,8% trong tháng 6, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16 - 24 lại tăng lên 19,3%.

NBS mô tả các kết quả kinh tế mới nhất là những “thành quả vất vả mới có được”, nhưng cảnh báo về tác động “kéo dài” của đại dịch COVID-19 và “nhu cầu đang thu hẹp” tại thị trường nội địa.

Cơ quan này cũng lưu ý đến “nguy cơ lạm phát đình trệ trong nền kinh tế thế giới” và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn ở nước ngoài, CNBC cho hay. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang theo dõi sát sao tiến trình tăng lãi suất ở các nước khác.

Trong quý II vừa qua, Trung Quốc đại lục đã phải đối mặt với đợt bùng phát COVID tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Các đô thị lớn như Thượng Hải phải phong toả trong khoảng hai tháng, trong khi các hạn chế đi lại khiến chuỗi cung ứng thêm gián đoạn.

Đến đầu tháng 6, Thượng Hải, Bắc Kinh và một số tỉnh thành của Trung Quốc mới tiến hành mở cửa trở lại. Trong vài tuần gần đây, chínhg quyền trung ương đã cắt giảm thời gian cách ly và nới lỏng một số biện pháp ngăn chặn COVID.

Tuy nhiên, nhiều khu vực khác ở đất nước tỷ dân đã phải khôi phục các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt khi số trường hợp nhiễm mới tăng đột biến.

Đầu tuần này, Nomura cho biết các khu vực chiếm khoảng 25,5% GDP của Trung Quốc đang chịu một số hình thức phong toả hoặc kiểm soát cao độ. Tỷ lệ này tăng so với mức 14,9% của tuần trước đó.

Thời gian qua, các ngân hàng đầu tư lớn đã nhiều lần hạ dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc do e ngại tác động của chính sách Zero COVID hà khắc. Tính đến cuối tháng 6, ước tính trung vị từ các ngân hàng do CNBC theo dõi là 3,4% - thấp hơn mục tiêu chính thức của Bắc Kinh là “khoảng 5,5%”.

Khả Nhân