|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể đem đến vận may bất ngờ cho kinh tế thế giới

15:43 | 10/07/2022
Chia sẻ
Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm, nền kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên trong cái rủi có cái may, sự yếu ớt của kinh tế Trung Quốc có thể giúp lạm phát toàn cầu hạ nhiệt.

Tàu container tại một cảng ở thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, ngày 7/11/2021. (Ảnh: AP). 

Động lực giảm phát

Năm nay, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bỗng bị gián đoạn khi nhiều địa phương phải phong toả vì làn sóng lây nhiễm COVID mới. Sau đó, Bắc Kinh đã công bố một loạt chính sách kích thích, nhưng nhiều nhà kinh tế cho biết mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5,5%" cho cả năm 2022 là rất xa vời nếu vẫn còn nguy cơ phong tỏa.

Một năm tăng trưởng yếu ớt của Trung Quốc sẽ kìm hãm nền kinh tế toàn cầu đúng lúc mà Mỹ và nhiều nước phát triển khác cũng đang chậm lại. Nhưng đồng thời, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc cũng có thể giúp giảm áp lực lạm phát toàn cầu.

Ông Logan Wright, Giám đốc thị trường Trung Quốc của công ty nghiên cứu chính sách và kinh tế  Rhodium Group cho biết: “Xét trên phương diện toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể giúp các ngân hàng trung ương chống lạm phát, các nhà hoạch định chính sách chỉ cần tăng lãi suất thấp hơn so với dự tính hiện nay".

Sự leo thang của giá hàng hóa và lương thực bắt nguồn từ chiến sự Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát gây ra bởi tình trạng thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng. 

 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, xác lập mức đỉnh hơn 40 năm. Dữ liệu từ CME Group cho thấy các nhà đầu tư dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất từ mức 1,6% hiện nay lên 3,5% vào cuối năm.

Tờ Wall Street Journal cho biết Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dự định sẽ nâng lãi suất lên trong tháng này, lần đầu tiên trong một thập kỷ. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thì đã tăng lãi suất 5 lần kể từ tháng 12 năm ngoái.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã điều chỉnh tăng lãi suất chính sách hai lần trong tháng 5 và 6. Ngân hàng Dự trữ Australia thực hiện lần tăng lãi suất đầu tiên trong một thập kỷ hồi tháng 5 và lần thứ hai được thực hiện vào tháng trước.

Việc Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác đã giúp tháo gỡ một số “nút thắt” chuỗi cung ứng - một nguyên nhân làm hình thành áp lực lạm phát trên toàn cầu.

Theo công ty vận tải FourKites, khối lượng vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Mỹ vào cuối tháng 6 đã vượt quá ngưỡng đầu tháng 3, khi các hạn chế chống dịch được thắt chặt ở Thượng Hải và Thâm Quyến. Chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến Bờ Tây của Mỹ giảm 15% trong tuần 21-29/6 so với tuần trước đó, và thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm 2021, theo chỉ số Freightos Baltic.

Khi các nút thắt tại Trung Quốc được nới lỏng, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu của phương Tây dành cho hàng tiêu dùng đang suy giảm trong bối cảnh thu nhập bị bào mòn bởi lạm phát. Thay vào đó, người tiêu dùng đang chuyển hướng chi tiêu sang dịch vụ.

Các nhà bán lẻ Mỹ bao gồm Target, Bed Bath & Beyond đã cảnh báo về thiệt hại tài chính do có quá nhiều hàng hóa tồn kho mà khách hàng không còn muốn nữa.

 

Tình cảnh trên có khả năng tạo ra thêm một động lực giảm phát khác: Các nhà sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc có thể sẽ giảm giá vì phải đối mặt với nhu cầu tụt dốc ở trong và ngoài nước, đặc biệt là nếu họ cũng thừa mứa hàng tồn kho. Khả năng này càng dễ xảy ra hơn nếu tác động của việc giảm giá lên biên lợi nhuận được bù đắp lại bởi đồng nhân dân tệ yếu đi.

Trong tháng 5, lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc đi lên 6,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đánh dấu chuỗi 7 tháng đi xuống liên tiếp. Tồn kho thành phẩm trong tháng 4 của doanh nghiệp Trung Quốc tăng 20% so với một năm trước đó, tốc độ nhanh nhất trong một thập kỷ. Hàng tồn kho giảm xuống trong tháng 5 và 6 khi các hạn chế chống COVID-19 được nới lỏng. 

Tác động đa chiều

Tuy nhiên, tác động của Trung Quốc lên lạm phát toàn cầu không phải là một chiều. Chiến lược Zero COVID có thể dẫn đến các đợt phong tỏa khác, tạo ra các điểm tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Kenneth Rogoff, nhà kinh tế thuộc Đại học Harvard cảnh báo: “Nếu những rắc rối này tệ đi, Trung Quốc sẽ xuất khẩu lạm phát sang phần còn lại của thế giới”.

Thị trường hàng hóa công nghiệp là một trong những yếu tố bất ổn khác. Với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, các quan chức Trung Quốc đang rất quyết tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Nỗ lực này có thể đẩy giá vật liệu thô dùng cho xây dựng trên toàn thế giới lên cao hơn nữa, ví dụ như quặng sắt hay nhôm. Nếu sự phục hồi của Trung Quốc mạnh mẽ hơn dự đoán, nhu cầu dành cho dầu và than cũng sẽ đi lên.

Nhưng nhiều nhà kinh tế nhận định Trung Quốc khó có thể phục hồi nhanh chóng như khi nước này vượt qua đợt bùng phát dịch tại Vũ Hán hồi đầu năm 2020. Điểm khác biệt là nhu cầu quốc tế dành cho hàng hóa đã suy giảm, còn người tiêu dùng và doanh nghiệp nội địa thì e dè trước nguy cơ phong tỏa. Còn chiến dịch xây dựng cơ sở hạ tầng có lẽ sẽ không đủ để bù đắp cho sự suy yếu của thị trường bất động sản. 

Giang

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.