|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyên gia phản đối Fed: Tăng lãi suất để hạ lạm phát là 'giải pháp sai lầm'

15:00 | 05/07/2022
Chia sẻ
Một nhà phân tích cho rằng tăng lãi suất để kiềm chế nhu cầu - cũng như lạm phát, không phải là giải pháp đúng đắn vì giá hàng tiêu dùng tăng cao chủ yếu bắt nguồn từ các cú sốc trong chuỗi cung ứng.

Kìm nhu cầu để giảm lạm phát

Trong giai đoạn phong toả vì đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên toàn cầu không thể sản xuất và vận chuyển hàng hoá đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả. Điều đó đã góp phần làm hình thành áp lực lạm phát.

Giờ đây, các lệnh cấm vận giáng lên Nga - một mắt xích quan trọng của nhiều hàng hoá công nghiệp, càng khiến nguồn cung trở nên eo hẹp, qua đó làm trầm trọng thêm các nút thắt đã xuất hiện trong chuỗi cung ứng.

Ông Paul Gambles - đối tác quản lý tại hãng tư vấn MBMG Group, cho hay: “Nguồn cung là thứ rất khó kiểm soát. Chúng tôi nhận thấy trên khắp các ngành nghề, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức khác nhau khi cố gắng bổ sung nguồn cung cho thị trường”.

Trong bối cảnh đó, chính phủ các nước đã chuyển sang hạ nhiệt nhu cầu như một cách để kiềm chế lạm phát. Việc nâng lãi suất là nhằm mục đích đưa nhu cầu lên ngang bằng với nguồn cung đang bị hạn chế, theo CNBC.

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát tín hiệu về một đợt tăng lãi suất mạnh tay khác vào tháng 7. (Ảnh: Reuters).

Fed là một trong các ngân hàng trung ương đi đầu. Đầu tháng 6, Fed đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Hiện, lãi suất chuẩn của Mỹ đang ở phạm vi 1,5 - 1,75% và Chủ tịch Jerome Powell hàm ý rằng Fed có thể sẽ thực hiện thêm một đợt tăng như vậy vào tháng 7.

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) cũng dự kiến tăng lãi suất lần nữa trong tuần này, và các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương khác như Philippines, Singapore và Malaysia đều đã đi vào lộ trình tăng lãi suất.

Trong một tuyên bố, Fed cho biết họ chọn tăng lãi suất vì “hoạt động kinh tế nói chung” dường như đã tăng tốc trong quý I năm nay. Theo tuyên bố, lạm phát gia tăng phản ánh “sự mất cân bằng cung - cầu, bắt nguồn từ đại dịch, giá năng lượng leo thang và áp lực giá trên diện rộng”.

Chính sách tiền tệ là “giải pháp sai lầm”

Ông Gambles cho rằng nhu cầu hàng hoá hiện nay vẫn thấp hơn mức trước đại dịch, và thực chất nhu cầu sẽ đi xuống ngay cả khi không có rào cản dịch bệnh.

“Nếu chúng ta xem xét thị trường việc làm tại Mỹ, nếu chúng ta không có COVID-19 và không phong toả, thì chúng ta vẫn còn thiếu khoảng 10 triệu việc làm so với tính toán.

Vì vậy, trên thực tế, nguy cơ suy yếu của thị trường lao động là rất cao. Thị trường việc làm sa sút thì nhu cầu tiêu dùng hẳn sẽ tăng rất chậm chạp”, đối tác quản lý của MBMG Group lập luận.

“Và, một lần nữa, tôi không nghĩ đó là vấn đề chính sách tiền tệ. Tôi không cho rằng chính sách tiền tệ của Fed có thể tạo ra nhiều khác biệt hay tác động đáng kể đến nhu cầu hàng hoá”, ông Gambles nhấn mạnh.

Cũng theo lời vị chuyên gia, trong bối cảnh các cú sốc nguồn cung liên tục trở nên nghiêm trọng hơn, các ngân hàng trung ương sẽ khó có thể khống chế được lạm phát trong dài hạn.

Do đó, ông Gambles đề xuất rằng Mỹ nên xem xét tăng cường tài khoá để khắc phục bài toán lạm phát. Ông nhấn mạnh rằng điều chỉnh các chính sách tiền tệ là “giải pháp sai lầm cho vấn đề”.

“Ngân sách liên bang cho cho năm tài khoá 2022 sẽ thấp hơn tổng ngân sách năm ngoái... Như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ thiếu hụt kích thích tài khoá khá lớn. Chính sách tiền tệ khó có thể xoay chuyển được sự thiếu hụt này”, ông Gambles cho hay.

 

Các nhà kinh tế học hiện đại - như cố vấn cấp cao Stephen King của HSBC, cũng đưa ra những phân tích cho rằng không phải một cú sốc cung hoặc cầu đơn thuần đã gây ra lạm phát, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố ở hai vế của phương trình.

Nhóm chuyên gia này lập luận, việc phong toả thời đại dịch, biến động trong chuỗi cung ứng và chiến sự tại Ukraine - cũng như các kích thích tài khoá của chính phủ và chính sách tiền tệ lỏng lẻo, đã góp phần “nuôi dưỡng” lạm phát.

“Về mặt kinh tế, cuộc khủng hoảng COVID được nhiều người coi là một thách thức về nhu cầu. Các ngân hàng trung ương đã phản ứng bằng cách duy trì lãi suất thấp và nới lỏng định lượng, ngay cả khi chính phủ đã tung ra các kích thích tài khoá lớn”, ông King cho hay trong một ghi chú đầu năm nay.

“Trên thực tế, COVID-19 chỉ tạo ra tác dụng phụ ở phía cầu, trong thời gian phong toả ở những nền kinh tế tiên tiến”, vị cố vấn lưu ý. Nói cách khác, áp lực ở phía cầu khá nhẹ nhàng và không kéo dài lâu.

“Trong khi đó, các tác dụng phục ở phía cung lại vừa lớn vừa dai dẳng hơn rất nhiều: thị trường hiện hoạt động kém hiệu quả hơn, các quốc gia bị mất kết nối với nhau về mặt kinh tế và người lao động khó xuất ngoại để làm việc và trong một số trường hợp, họ cũng không sẵn lòng đi làm ngay tại chính quê nhà của mình.

Việc nới lỏng các điều kiện chính sách khi hiệu suất của phía cung đã giảm sút càng dễ làm phát sinh lạm phát”, ông King diễn giải.

Vị cố vấn nói thêm, vì nguồn cung không thể tăng lên khi dòng tiền ồ ạt chảy vào nền kinh tế ở các nước lớn như Mỹ, giá cả tiêu dùng sẽ buộc phải đi lên.

 

Dù vậy, tăng lãi suất vẫn là một “liều thuốc giải” phổ biến để chế ngự lạm phát, CNBC lưu ý. Song, các nhà kinh tế hiện đang lo ngại rằng việc sử dụng lãi suất như một công cụ để giải quyết lạm phát có thể kích hoạt suy thoái kinh tế.

Lãi suất tăng cao có thể khiến doanh nghiệp khó vay vốn để mở rộng sản xuất. Điều này có thể buộc họ phải cắt giảm đầu tư, cuối cùng gây tổn hại cho người lao động và thị trường việc làm. 

Yên Khê

SHS: VN-Index có thể điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi tăng trưởng ổn định trở lại
Theo các nhà phân tích của Chứng khoán SHS, năm 2025 giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản.