|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tin không vui cho NĐT: Thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng vượt dự báo trong tháng 2

19:51 | 28/03/2025
Chia sẻ
Vào tháng 2, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng mạnh hơn dự kiến, trái ngược với kết quả chỉ số giá tiêu dùng được công bố trước đó.

Khách mua sắm tại khu Soho, New York. (Ảnh: Bloomberg).

Theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 28/3, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 2 đã tăng 0,3% so với tháng liền trước và đi lên 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai đều phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones.

Tuy nhiên, vấn đề đáng ngại nằm ở PCEPI lõi - tức chỉ số không bao gồm biến động của giá thực phẩm và năng lượng. Các nhà kinh tế thường coi PCEPI lõi là chỉ báo tốt hơn về xu hướng lạm phát dài hạn.

Báo cáo cho thấy PCEPI lõi tháng 2 đã lên 0,4% so với tháng liền trước và bật tăng 2,8% so với cùng kỳ. Các nhà kinh tế dự đoán mức tăng lần lượt là 0,3% và 2,7%, theo CNBC.

Trong tháng 2, giá hàng hoá nhích 0,2%, dẫn đầu là hàng hoá giải trí và xe cộ với mức tăng 0,5%. Giá xăng bù đắp phần nào mức tăng chung vì khoản mục này giảm 0,8%. Giá dịch vụ đi lên 0,4%.

Một báo cáo khác do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố vào cùng ngày cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng tốc 0,4% trong tháng 2, thấp hơn mức dự báo 0,5%. Chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng dù thu nhập cá nhân của người Mỹ đi lên 0,8%, cao hơn con số ước tính 0,4%.

 

Đánh giá về báo cáo mới, bà Ellen Zentzer, chiến lược gia kinh tế trưởng tại Morgan Stanley Wealth Management, cho hay: “Có vẻ như Fed... vẫn còn nhiều việc phải làm.

Số liệu lạm phát cao hơn dự kiến hôm nay không phải là quá nóng, nhưng chúng sẽ không đẩy nhanh tiến độ cắt giảm lãi suất của Fed, đặc biệt là khi xét đến sự bất ổn xoay quanh thuế quan”.

Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh thị trường lo ngại rằng các kế hoạch áp thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát vào thời điểm dữ liệu đang tiến triển chậm nhưng chắc về mức mục tiêu 2% của Fed.

Sau khi cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản (bps) vào năm 2024, ngân hàng trung ương Mỹ đã tạm dừng trong năm 2025. Gần đây, nhiều quan chức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tác động của thuế quan với giá cả.

Tại cuộc họp hồi đầu tháng 3, các quan chức Fedđã hạ triển vọng về tăng trưởng kinh tế và nâng dự báo lạm phát. Theo đó, họ hiện kỳ vọng nền kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,7% trong năm nay, giảm 0,4 điểm % so với dự báo hồi tháng 12. Lạm phát lõi dự kiến sẽ đạt 2,8%, tăng 0,3 điểm % so với ước tính trước đó.

Các nhà kinh tế có xu hướng coi thuế quan là sự kiện diễn ra một lần và không dẫn đến áp lực lạm phát kéo dài. Tuy nhiên, phạm vi rộng của chương trình thuế quan cũng như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại toàn cầu có thể thay đổi phép tính.

Trước PCEPI, Bộ Lao động Mỹ đã công bố một thước đo lạm phát khác là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cách đây hai tuần. Bản báo cáo chỉ ra CPI đã tăng ít hơn dự kiến vào tháng 2 do người tiêu dùng và doanh nghiệp lo ngại về tác động của thuế quan đối với lạm phát.

Cụ thể, CPI tháng 2 chỉ nhích 0,2% so với tháng liền trước và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này thấp hơn ước tính lần lượt của các nhà kinh tế là 0,3% và 2,9%.

Không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, CPI lõi cũng nhích 0,2% so với tháng liền trước và đi lên 3,1% so với một năm trước. Tương tự, cả hai đều thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế là 0,3% và 3,2%.

 

 

Yên Khê

Nếu bị Mỹ áp thuế nhập khẩu đối ứng, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm tới 1,3 điểm %
Ngày mai (1/4), Mỹ sẽ có bản đánh giá các đối tác thương mại về vấn đề bất đối xứng trong giao thương, trong đó có Việt Nam. Theo KBSV, nếu bị áp thuế nhập khẩu đối xứng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay có thể giảm từ 0,7 - 1,3 điểm % so với kịch bản không bị áp thuế.