|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Fed thừa nhận suy thoái do tăng lãi suất là ‘một khả năng’

07:18 | 23/06/2022
Chia sẻ
Chia sẻ trước Quốc hội hôm 22/6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này quyết tâm kìm lạm phát và có khả năng biến mục tiêu đó thành hiện thực. Song, suy thoái vẫn là “một khả năng”.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: AP).

Rủi ro suy thoái

Phát biểu trước Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện ngày 22/6, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay: “Tại Fed, chúng tôi hiểu được tình trạng lạm phát tăng cao đang gây khó khăn cho cuộc sống người dân ra sao.

Chúng tôi cam kết sẽ hạ nhiệt lạm phát và đang khẩn trương hành động. Chúng tôi có những công cụ cần thiết và quyết tâm để bình ổn giá cả thay cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp Mỹ”.

Cùng với việc bày tỏ quyết tâm chống lạm phát, ông Powell cho biết điều kiện kinh tế nhìn chung là khá thuận lợi, thị trường lao động ổn định và nhu cầu tuyển dụng liên tục tăng cao, theo CNBC.

Song, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Đảng Dân chủ) cảnh báo ông Powell rằng nếu tiếp tục tăng lãi suất, nền kinh tế có thể bị đẩy vào suy thoái mà Fed cũng không ngăn chặn được lạm phát.

“Ông biết rõ rằng điều tồi tệ hơn cả lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp chính là lạm phát tăng nóng và suy thoái kinh tế, hàng triệu người có thể mất việc. Tôi hy vọng Fed sẽ cân nhắc điều đó trước khi đẩy nền kinh tế Mỹ xuống vực sâu”, bà Warren nhấn mạnh.

Mặc dù Chủ tịch Fed nói ông tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rất vững mạnh, bản thân ông vẫn thừa nhận một cuộc suy thoái có thể xảy ra.

“Đó chắc chắn là một khả năng. Suy thoái hoàn toàn không phải là kết quả mà chúng tôi muốn, nhưng rõ ràng là một khả năng. Thẳng thắn mà nói, những sự kiện diễn ra trên thế giới trong vài tháng qua khiến chúng tôi khó hoàn thành hai mục tiêu cốt lõi là đưa lạm phát về mức 2% và duy trì một thị trường lao động ổn định”, ông Powell cho hay.

Cuộc hạ cánh mềm đầy thách thức

“Thuyền trưởng” của ngân hàng trung ương Mỹ nói thêm rằng để “hạ cánh mềm” nền kinh tế, tức thắt chặt chính sách tiền tệ mà không gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng như suy thoái, sẽ rất khó nhọc.

“Đó là mục tiêu của chúng tôi. Mọi việc sẽ rất thách thức, bởi các sự kiện trong vài tháng qua như chiến sự tại Ukraine, giá hàng hoá leo thang và chuỗi cung ứng vẫn đứt đoạn”, ông Powell trình bày.

“Ở một mức độ nào đó, liệu chúng tôi có thể hạ cánh mềm nền kinh tế Mỹ hay không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố mà chúng tôi không kiểm soát được”, Chủ tịch Fed nhấn mạnh trước các nhà lập pháp.

 

Ông Powell khẳng định lạm phát đang quá nóng và cần phải hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm nay đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất kể từ tháng 12/1981.

“Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ tìm kiếm những bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đang đi xuống, phù hợp với mục tiêu 2% của Fed”, ông cho hay. “Chúng tôi dự đoán rằng việc tăng lãi suất đang diễn ra là vừa phải, tốc độ điều chỉnh lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu và triển vọng phát triển của nền kinh tế”.

Chủ tịch Fed lưu ý rằng cuộc chiến ở Ukraine và việc doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do COVID-19 ở Trung Quốc đang làm tăng thêm áp lực lạm phát, đồng thời nói thêm rằng vấn đề giá cả này không chỉ xảy ra ở Mỹ mà còn đang ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế toàn cầu.

Bình luận của ông Powell xuất hiện tại một thời điểm đặc biệt nhạy cảm đối với chính sách của Fed, CNBC nhận xét.

Trong ba cuộc họp vừa qua, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất tổng cộng 150 điểm cơ bản nhằm khống chế lạm phát đang ở mức đỉnh hơn 40 năm. Mức tăng 75 điểm cơ bản hồi tuần trước đánh dấu đợt nâng lãi suất mạnh tay nhất của Fed kể từ năm 1994.

Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà đã thúc giục ông Powell kiềm chế lạm phát, và hỏi liệu các chính sách của Nhà Trắng như quy định kiềm kẹp ngành năng lượng có đang gia tăng sức ép lên giá cả hay không.

Thượng nghị sĩ John Kennedy (Đảng Cộng hoà) bày tỏ: “Lạm phát đang đè nặng lên đôi vai của người tiêu dùng…Chúng ta đang có một mớ hỗn độn. Ông [Chủ tịch Fed Jerome Powell] là người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ, thậm chí có thể là trên thế giới”.

Trả lời, ông Powell cho rằng siết chặt chính sách tiền tệ là một công cụ hiệu quả để chống lại lạm phát và ông nghĩ nền kinh tế Mỹ đang ở vị thế tốt để chịu được việc lãi suất đi lên. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng lãi suất cao sẽ không làm giảm được chi phí thực phẩm và xăng dầu.

 

Một số vết nứt đã xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ từ đầu năm nay, cho thấy việc tăng lãi suất diễn ra khi nền kinh tế đang chững lại. GDP quý I giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước, tốc độ chuẩn hoá theo năm. Fed chi nhánh Atlanta dự đoán tăng trưởng GDP quý II sẽ đi ngang.

Mặt khác, doanh số bán nhà đang giảm mạnh và có một số dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang dần giảm tốc ngay tại thời điểm mức lương đã điều chỉnh theo lạm phát giảm 3% trong năm qua.

Bất chấp những biến động kinh tế, ông Powell và các đồng nghiệp chỉ ra rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Các dự báo đưa ra tại cuộc họp tuần trước cho thấy lãi suất cho vay ngắn hạn chuẩn của Fed sẽ đi từ 1,5 - 1,75% hiện nay lên 3,4% vào cuối năm nay.

Yên Khê

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.