Mặc ông Powell trấn an về nền kinh tế, thị trường vẫn canh cánh nỗi lo Fed mắc sai lầm chính sách
Mặc dù Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh Fed không muốn gây suy thoái và nền kinh tế Mỹ đang rất ổn định. Giới chuyên gia Phố Wall lại đưa ra những dữ kiện trái ngược và lo lắng rằng Fed có thể mắc sai lầm chính sách.
Nền kinh tế Mỹ không vững như lầm tưởng của Fed?
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ không cố tình gây ra suy thoái và nền kinh tế đang đứng trên một bệ đỡ vững chắc. Đó là điều mà bất kỳ ai ở vị trí của ông đều sẽ nói.
Vấn đề là, Fed có thể đẩy Mỹ rơi vào suy thoái vì hàng loạt dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới thực chất không ổn định, CNBC dẫn lời các chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Do đó, thị trường chứng khoán đã đảo chiều trong phiên 16/6, sau khi phản ứng tích cực với bình luận của ông Powell ở phiên trước đó. Các nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ gây hại đến nền kinh tế đang còn khá mong manh.
Bà Quincy Krosby - chiến lược gia trưởng tại LPL Financial, cho hay: “Ngay cả khi Mỹ chưa bước vào suy thoái, thị trường vẫn lo lắng rằng Fed có thể mắc phải một sai lầm chính sách, rằng họ sẽ phá vỡ một điều gì đó”.
“Thị trường cũng đặt câu hỏi về nhận xét của Chủ tịch Jerome Powell, rằng nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ”, vị chiến lược gia nhấn mạnh với CNBC.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách, ông Powell đã đưa ra hai nhận xét nổi bật. Thứ nhất, Fed không cố gắng “gây ra suy thoái ngay bây giờ, chúng tôi muốn làm rõ về điều đó”. Thứ hai, “nền kinh tế không có dấu hiệu suy giảm trên diện rộng”.
Trên thực tế, có vô số dấu hiệu chứng tỏ tăng trưởng đang chững lại. Chỉ tính riêng trong tháng 5, dữ liệu bất động sản đã cho thấy số lượng nhà ở xây mới lao dốc 14,4% so với tháng trước, ngay tại thời điểm Mỹ đang thiếu nhà ở trầm trọng.
Một số liệu thống kê về sản xuất của Fed cho thấy hoạt động chế tạo tại khu vực Philadelphia tiếp tục đi xuống. Số lượng người dân đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp cũng cao hơn dự kiến.
Ngoài ra, còn cả tá dữ liệu đáng ngại khác: lạm phát giá tiêu dùng lập đỉnh hơn 40 năm, niềm tin của người tiêu dùng ở mức thấp kỷ lục và chi tiêu bán lẻ sụt giảm giữa cơn bão giá.
Ông Tom Porcelli - kinh tế trưởng tại RBC Capital Markets, cho hay: “Tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chững lại ngay cả trước khi Fed bắt đầu hãm phanh. Bằng chứng về cú trở mình của nền kinh tế dường như đang tăng lên theo một cơ sở khá nhất quán.
Xét tới bình luận của Chủ tịch Jerome Powell, tôi nhận thấy nó không phù hợp và tương quan với dữ liệu thực tế”.
Những nghi ngại của thị trường
Sau quyết định nâng lãi suất 75 điểm cơ bản của Fed cùng với bình luận của ông Powell, phản ứng của Phố Wall đối với việc tăng lãi suất chủ yếu xoay quanh một số chủ đề.
Đầu tiên, bà Krosby nói, “thị trường tin rằng Fed sẽ giải trừ áp lực lạm phát”. Song, vị chuyên gia lưu ý: “Đó chính là vấn đề cốt lõi bây giờ. Trên thị trường, các nhà đầu tư có cảm giác rằng ông Powell có thể mắc phải một sai lầm chính sách…"
Thứ hai, Fed đang thiếu rõ ràng về chặng đường tiếp theo. Liệu ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất 50 hay 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7?
Các tuyên bố từ ông Powell cho thấy cả hai phương án đều đang được xem xét, nhưng những nhận xét nửa đóng nửa mở của “thuyền trưởng” Fed về nền kinh tế lại khiến thị trường bất an hơn.
Cuối cùng, ông Powell đã tự mâu thuẫn với chính mình nhiều lần.
Ông lưu ý rằng Fed có rất ít quyền kiểm soát đối với các yếu tố đầu vào lạm phát như giá năng lượng và thực phẩm, song ông khẳng định Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi giá xăng đi xuống.
Chủ tịch Fed cũng cho biết kỳ vọng lạm phát đang neo ở mức ổn định, mặc dù ông đã thừa nhận rằng việc từ bỏ mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản để đưa ra quyết định chính sách mạnh tay hơn tại cuộc họp giữa tuần này bị ảnh hưởng bởi triển vọng lạm phát.
Ngoài ra còn câu hỏi về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ, khi ông Powell khẳng định chắc nịch rằng kinh tế đang ở vị trí tốt, có thể chịu được lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, một thước đo của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ đi ngang trong quý II sau khi giảm 1,5% trong quý đầu tiên.
Một Chủ tịch Fed “bối rối”
Nhìn chung, những bình luận vừa qua dường như cho thấy ông Powell đang “bối rối, thiếu tự tin và làm tăng rủi ro mất ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô”, hãng tài chính Bespoke Investment Group nhận định.
Bespoke cũng chỉ trích ông Powell vì đã nhấn mạnh vào lạm phát lương thực và nhiên liệu, những thứ thường được coi là nằm ngoài mối quan tâm của ngân hàng trung ương Mỹ.
“Fed không chỉ nhắm mục tiêu sai biến số một cách rõ ràng…mà họ còn tỏ ra quá lạc quan về tăng trưởng trong ngắn hạn.
Mô tả của ông Powell về chi tiêu người tiêu dùng ‘vững mạnh’ trong bối cảnh nền kinh tế lộ dấu hiệu suy yếu càng làm tăng thêm lo ngại của chúng tôi rằng Fed đang bị hụt hơi trong cuộc chiến với lạm phát, và do đó dễ dẫn đến một sai lầm chính sách”, Bespoke lập luận.
Theo CNBC, ông Powell từng nhiều lần khẳng định mình và các nhà hoạch định chính sách đồng nghiệp sẽ không bị bó buộc vào một quy trình hành động cụ thể mà sẽ linh hoạt theo dữ liệu kinh tế.
Có thể Chủ tịch Fed sẽ không cảm thấy dễ chịu với dữ liệu kinh tế trong thời gian tới, đặc biệt là nếu ông tập trung vào các khía cạnh quan trọng của lạm phát như giá xăng dầu và hàng tạp hoá.
Ông Porcelli của RBC cho biết, trong phần còn lại của mùa hè này, những con số đó có thể tăng tới 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng đặt Fed vào một thế khó nếu ngân hàng trung ương Mỹ lấy đó làm cơ sở hoạch định chính sách.