Dư luận dậy sóng vì dự báo của cựu Bộ trưởng Larry Summers: Suy thoái, hàng triệu người bị sa thải và thất nghiệp hàng loạt
Tại Mỹ, các tin tức về suy thoái kinh tế và sa thải hàng loạt đang tràn ngập trên truyền thông và cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Larry Summers là nguyên nhân chính.
Đầu tuần này, ông Summers cho rằng tỷ lệ thất nghiệp phải tăng cao trong nhiều năm thì Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mới có thể kiểm soát được lạm phát tiêu dùng đang ở trên mức đỉnh hơn 40 năm.
Nói một cách rõ ràng hơn, Mỹ sẽ phải chấp nhận một cuộc suy thoái khác kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và có tới 10 triệu người lao động phải mất việc, tờ MarketWatch nhận định.
Quan điểm của cựu Bộ trưởng Larry Summers - một trong những nhà kinh tế lỗi lạc nhất thế hệ của mình, người từng phục vụ trong nhiều chính quyền của Đảng Dân chủ cũng như từng giữ chức Chủ tịch Đại học Harvard, đang rất được công chúng quan tâm.
Năm ngoái, ông Summers còn từng cảnh báo chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD mà họ ban hành có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát.
Thời điểm đó, những lời nhắc nhở của ông đã bị Nhà Trắng, Fed và hầu hết chuyên gia kinh tế nổi tiếng phủ nhận. Song, hiện giờ chẳng còn ai phản đối nhận định của cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ nữa.
Dù vậy, thông điệp của ông Summers khiến nhiều người thấy không vui, đơn cử như Tổng thống Biden. Ông chủ Nhà Trắng cho biết bản thân đã trò chuyện cùng ông Summers hồi cuối tuần trước.
Đương kim Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng nhà kinh tế Harvard dày dạn kinh nghiệm đã nói với ông rằng suy thoái không phải là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, lòng người vẫn thấy bất an.
Rất nhiều người Mỹ sẽ bị tổn thương nếu dự đoán của ông Summers đúng và tỷ lệ thất nghiệp cần phải tăng cao để đẩy lùi lạm phát. Một cú đảo chiều như vậy sẽ xoá sạch hầu hết thành tựu mà thị trường việc làm đạt được trong hai năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ gần đây đã giảm xuống còn 3,6% - chỉ cao mức đỉnh trước suy thoái kinh tế thời COVID một chút. Trong mùa hè này, Mỹ còn dự kiến sẽ khôi phục lại toàn bộ 20 triệu việc làm mà nước này đã mất trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Tiền lương của người lao động cũng đang tăng nhanh chóng và hầu như bất kỳ ai muốn có việc làm đều có thể tìm được, vì số lượng vị trí trống hiện còn cao hơn lượng người thất nghiệp.
Không chỉ là suy thoái như cảnh báo của cựu Bộ trưởng Summers, nền kinh tế lớn nhất thế giới thậm chí có thể rơi vào một cuộc suy thoái sâu và mạnh. Điều này e là khó tránh khỏi, MarketWatch nhấn mạnh.
Nhiều người theo chủ nghĩa tự do (liberal) trên mạng xã hội đã đả kích ông Summers. Các nhà phê bình thiên tả khác cho rằng ông Summers nên là một trong hàng triệu người Mỹ bị mất việc.
Trong những tội trạng mà họ chỉ ra, ông Summers bị chỉ trích thậm tệ vì đã đàm phán các thoả thuận thương mại tự do khi là Bộ trưởng Bộ Tài chính dưới thời chính quyền Bill Clinton, khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
Trong khi đó, các đảng viên Đảng Cộng hoà lại thấy vui mừng khi trích dẫn những dự báo ảm đạm của nhà kinh tế học lâu năm của Đảng Dân chủ, một người thường xuyên chỉ trích các chính sách bảo thủ.
Đảng Cộng hoà đang tham vọng chiếm lại Hạ viện và thậm chí cả Thượng viện trong cuộc bầu cử vào mùa thu năm nay. Cơ sở của họ là mô hình bầu cử giữa nhiệm kỳ các năm trước và kết quả thăm dò nghèo nàn của ông Biden.
Thế thì các chuyên gia kinh tế và ông lớn Phố Wall nói gì?
Mặc dù nền kinh tế Mỹ chưa chắc sẽ cắm đầu, khả năng xảy ra suy thoái lại đang tăng nhanh. Các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát nói xác suất suy thoái trong 12 tháng tới là 44%. Hồi tháng 1 năm nay, chỉ khoảng 18% nhận thấy rủi ro như vậy.
Trong môt báo cáo đầu tuần này, Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ. Các nhà phân tích giữ nguyên ước tính tăng trưởng quý II ở mức 2,8%; nhưng hạ dự báo từ quý III năm nay đến quý I năm sau, lần lượt xuống 1,75%, 0,75% và 1%.
Đồng thời, Goldman Sachs cũng nhấn mạnh nguy cơ suy thoái kinh tế đang tăng dần. Đại gia Phố Wall nhận thấy xác suất suy thoái trong năm tới đã tăng từ 15% lên 30%. Nếu Mỹ tránh được suy thoái trong năm 2022 thì xác suất suy thoái vào năm sau nữa là 25%.
Tính chung, xác suất kinh tế Mỹ lao dốc nghiêm trọng trong hai năm tới đạt khoảng 48%, tăng đáng kể so với mức 35% trước đó. Các chuyên gia do ông Jan Hatzius dẫn dắt cho hay: “Giờ đây, rủi ro suy thoái cao hơn và thiệt hại ở giai đoạn đầu sẽ trầm trọng hơn”.
Mặt khác, số lượng tìm kiếm trên Google cho từ “suy thoái” cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 đẩy Mỹ vào một cuộc suy thoái ngắn nhưng tương đối sâu so với quá khứ.