Chuyên gia kỳ cựu Phố Wall: Hoàn toàn không có dấu hiệu kinh tế Mỹ sắp suy thoái
Trao đổi với CNBC hôm 16/6, nhà đầu tư kỳ cựu Kevin O’Leary nhận định: “Tôi không nói rằng Mỹ sẽ không suy thoái, nhưng tất cả những ai dự báo rằng suy thoái sẽ đến ngay vào tuần sau đều sai lầm hết”.
“Không có dữ liệu, không có bằng chứng, không có con số, không có xu hướng tiêu dùng nào cho thấy nền kinh tế sắp giảm tốc cả”, ông O’Leary nói thêm.
Vị Chủ tịch của công ty quản lý quỹ O’Shares ETFs cho biết ông đầu tư vào hàng loạt lĩnh vực khác nhau, từ các bếp ăn thương mại và sạc điện không dây cho tới ngành dụng cụ tập gym và thiệp chúc mừng. Ông không nhận thấy “bất kỳ dầu hiệu nào” về một cuộc suy thoái.
“Tôi đọc báo cáo hàng tuần của các doanh nghiệp. Chúng tôi không thấy sự giảm tốc nào hết. Tôi nghĩ là nếu có suy thoái thì tôi sẽ là một trong những người đầu tiên nhìn thấy. Tôi cũng giống như con chim hoàng yến trong mỏ than vậy”, ông O’Leary nói.
Các thợ mỏ làm việc trong hầm than thường mang theo một con chim hoàng yến. Nếu trong hầm có khí độc tích tụ, con chim sẽ chết rất nhanh và các thợ mỏ sẽ nhận ra nguy hiểm để nhanh chóng thoát ra ngoài. Ông O’Leary tự so sánh mình giống như con chim hoàng yến ở khả năng cảnh báo sớm hiểm họa.
Ông cũng cho rằng tiêu dùng của hộ gia đình – cấu phần chiếm hơn 2/3 GDP của Mỹ - hiện nay vẫn đang rất vững mạnh. Quý I vừa qua, lĩnh vực tiêu dùng tăng trưởng tốt nhưng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp diễn biến tiêu cực, kết quả là GDP quý I giảm 1,5% như thể hiện trong biểu đồ bên dưới.
Nếu GDP giảm hai quý liên tiếp, nền kinh tế sẽ bị coi là rơi vào suy thoái. Tháng 5 vừa qua, 34 chuyên gia kinh tế được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Philadelphia khảo sát đã dự đoán GDP quý II của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,3%, giảm đáng kể so với mức 4,2% được dự báo ba tháng trước đó.
Ủy ban Hội nghị Thường niên các Doanh nghiệp (Conference Board) cũng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,3% trong quý II.
Các chuyên gia của Fed chi nhánh Philadelphia dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ đạt 2,5%, chậm lại còn 2,3% trong năm 2023 và 2% năm 2024. Tất cả đều thấp hơn so với dự báo hồi tháng 2.
Khó dự báo suy thoái
Theo ông O’Leary, có hai lý do khiến cho việc dự báo suy thoái gặp nhiều khó khăn. Lý do thứ nhất là khoảng 4.500 tỷ USD đã được bơm vào nền kinh tế Mỹ trong ba năm trở lại đây thông qua các đợt kích thích kinh tế.
Ông so sánh chiến dịch bơm tiền này như việc chính phủ và Fed đưa hàng tấn tiền lên máy bay rồi thả xuống cho tất cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trên cả nước Mỹ. Đất nước cờ hoa chưa bao giờ bơm tiền mạnh tay đến vậy.
- TIN LIÊN QUAN
-
Mỹ lấy đâu hàng nghìn tỷ USD để vực dậy nền kinh tế và phát cho dân: Thu thuế, đi vay, hay in tiền? 23/12/2021 - 13:47
“Tuần nào tôi cũng nghiên cứu số liệu về những thứ mà người tiêu dùng mua bằng tiền của mình. Người dân Mỹ đã được cho rất nhiều tiền trong ba năm qua và tôi không nghĩ rằng một cú sốc suy thoái sắp xảy ra”, ông O’Leary nói.
Lý do thứ hai là những tiến bộ về công nghệ đã thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động.
Mô hình kinh doanh trực tiếp tới khách hàng đang được sử dụng trong mọi ngành nghề của nền kinh tế, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đạt được biên lợi nhuận cao hơn và tích lũy được nhiều dữ liệu về khách hàng hơn. Hoạt động kinh doanh hiện nay hiệu quả hơn và có năng suất cao hơn rất nhiều, Chủ tịch O’Shares ETFs nhận xét.
“Những người tin rằng kinh tế Mỹ sắp trải qua một đợt suy thoái khủng khiếp có thể đang sai lầm và bỏ lỡ lợi nhuận khi thị trường dần dần hồi phục”, ông O’Leary nói thêm. Biểu đồ bên dưới cho thấy chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm sâu trong những tháng gần đây và hiện đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Khả năng kinh tế hạ cánh mềm
“Chiến lược đầu tư của tôi thiên về kịch bản nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm”, ông O’Leary, người từng tham gia chương trình Shark Tank tại Mỹ, nói.
Nhiều người đang nghĩ ngân hàng trung ương Mỹ đã mất kiểm soát tình hình lạm phát và nền kinh tế, nhưng ông O’Leary lại cho rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell “đang ở trong vị thế khá tốt” để cân đối lạm phát và việc làm.
Cho dù có dấu hiệu kinh tế giảm tốc và suy thoái thì những rủi ro đó có vẻ đã được phản ánh vào giá trong đợt sụt giảm mạnh vừa qua, ông O’Leary chỉ ra.
“Những người nói rằng thế giới tự do sắp sụp đổ đều không nhìn vào số liệu”, ông nói, và cho biết thêm rằng một số doanh nghiệp tư nhân mà ông đầu tư vào đang có “những quý làm ăn tuyệt hảo”.
Nền kinh tế đến một lúc nào đó sẽ chậm lại, nhưng ông tin suy thoái vẫn chưa đến. “Tôi tin vào những con số chứ không tin những cái đầu biết nói. Tôi thấy nhiều người suốt ngày nói rằng họ nghĩ chuyện này hay chuyện kia sắp xảy ra. Tôi chỉ nhìn vào những con số. Những con số không nói dối, dòng tiền không nói dối”.
Nhiều chuyên gia không đồng ý với nhận định của ông O’Leary. Cựu Thống đốc Fed Robert Heller cho rằng kinh tế Mỹ “đang rất gần với một cuộc suy thoái” vì GDP đã suy giảm trong quý I và nhiều dấu hiệu cho thấy quý II không có tăng trưởng.
“Chúng ta đang đến rất gần với một cuộc suy thoái bởi vì nhiều khả năng quý II không tăng trưởng. Một tác động tiêu cực dù là nhỏ nhất cũng sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái kỹ thuật”, ông Heller chia sẻ với CNBC ngày 16/6.
Hôm 1/6, tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine và chiến dịch nâng lãi suất của Fed sẽ gây ra một “trận cuồng phong” kinh tế.
Ngày 2/6, tỷ phú Elon Musk, CEO hãng xe điện Tesla, cho biết ông có “cảm giác cực kỳ tồi tệ” về nền kinh tế Mỹ và chỉ đạo các quản lý của Tesla dừng thuê mới lao động.