|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân Mỹ vay nợ kỷ lục, tiết kiệm sụt giảm đúng lúc lãi suất và lạm phát tăng phi mã

14:25 | 15/06/2022
Chia sẻ
Tình hình tài chính của các hộ gia đình Mỹ đang ở trong tình cảnh bấp bênh khi tỷ lệ tiết kiệm sa sút, nợ vay tăng cao đúng lúc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát đang ở đỉnh 40 năm.

Lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.

Sau khi hạ nhiệt đôi chút trong tháng 4, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ đã vọt lên mức 8,6% trong tháng 5, cao nhất trong hơn 40 năm qua. Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng đang ở vùng đỉnh nhiều thập kỷ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần nâng lãi suất trong tháng 3 và tháng 5 nhằm cố gắng hạ nhiệt đà tăng của giá cả.

Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục lên cao, thị trường cho rằng Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất quỹ liên bang trong cuộc họp ngày 14-15/6 cũng như cuộc họp định kỳ ngày 26-27/7, câu hỏi chỉ là thêm 50 hay thêm 75 điểm cơ bản.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương Mỹ còn đang tiến hành chiến dịch hạ quy mô bảng cân đối kế toán để giảm cung tiền đang lưu thông.

Điều kiện tài chính thắt chặt đúng lúc người dân Mỹ đang vay nợ kỷ lục cùng với tỷ lệ tiết kiệm xuống thấp là tín hiệu cho thấy nhiều thách thức đang chờ đợi nền kinh tế lớn nhất hành tinh.

Nợ nần ngày một nhiều

Theo thống kê của Fed chi nhánh New York, tổng nợ của các hộ gia đình Mỹ tại ngày cuối quý I vừa qua là 15.842 tỷ USD, cao nhất kể từ khi có số liệu so sánh vào năm 2003 và vượt xa giai đoạn trước khủng hoảng 2008.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản vay thế chấp để mua nhà với giá trị lên tới 11.180 tỷ USD, tương đương 70,6% tổng số. Theo sau lần lượt là nợ sinh viên, nợ mua ô tô và nợ thẻ tín dụng.

Khối nợ của các hộ gia đình Mỹ lên cao kỷ lục.

Việc Fed nâng lãi suất sẽ có tác động như thế nào tới gánh nặng nợ của người dân Mỹ?

Với những người vay mua nhà với lãi suất cố định, việc lãi suất trên thị trường tiền tệ tăng sẽ không có tác động gì tới khoản tiền phải thanh toán hàng tháng.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng cho vay mua nhà (MBA) của Mỹ, trong suốt giai đoạn từ 2008 đến tháng 5/2022, số người đăng ký vay mua nhà với lãi suất thả nổi thường chiếm khoảng 2-10% tổng số khoản vay mua nhà. Giai đoạn 2005 – 2008, tỷ lệ vay với lãi suất thả nổi có khi cao tới 30-35%.

Kỳ hạn của mỗi khoản vay mua nhà thường lên tới 30 năm. Giả sử khoảng 80% số khoản vay hiện nay có lãi suất cố định, như vậy số người vay mua nhà bị ảnh hưởng tiêu cực khi lãi suất tăng là khoảng 20%.

Các khoản nợ sinh viên và nợ mua ô tô cũng được chia làm hai nhóm có lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Trong khi đó, các khoản nợ trên thẻ tín dụng luôn có lãi suất thay đổi định kỳ.

Khi Fed thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, các chủ thẻ tín dụng, những người vay tiền để mua nhà, mua xe, học đại học với lãi suất thả nổi sẽ phải trả lãi nhiều hơn kể cả khi tổng dư nợ không tăng.

Những người vay mua nhà với lãi suất cố định nhưng quyết định bán nhà đi để mua căn mới hơn cũng sẽ phải chịu mức lãi suất cao hiện nay.

Lãi vay thế chấp mua nhà của người dân Mỹ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022.

Tiết kiệm tụt dốc

Chi phí lãi vay của nhiều người dân Mỹ lên cao là dấu hiệu đáng ngại trong bối cảnh khối nợ trên lưng các gia đình đang lớn hơn bao giờ hết còn Fed thì quyết tâm đưa lạm phát quay lại tầm kiểm soát

Một chi tiết đáng lo khác trong bức tranh kinh tế vĩ mô Mỹ là tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập khả dụng của người dân đang ở vùng thấp nhất lịch sử.

Trong những năm 1960 - 1980, người dân Mỹ thường tiết kiệm khoảng 10 – 15% thu nhập khả dụng, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Sau đó, tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống nhưng cũng thường duy trì trên 5%. Tháng 4 vừa qua, người dân Mỹ chỉ tiết kiệm 4,4% thu nhập.

Tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ sụt giảm sau đại dịch.

Tháng 4/2020, người dân Mỹ tiết kiệm tới gần 34% thu nhập do đây là giai đoạn phong tỏa chống dịch, muốn ra ngoài tiêu tiền cũng khó. Ngoài ra, chính phủ Mỹ còn cho phép người dân hoãn nộp thuế, hoãn trả tiền nhà và cấp nhiều khoản hỗ trợ nên số tiền tiết kiệm càng lớn.

Tháng 3/2021, tỷ lệ tiết kiệm của người dân Mỹ tăng vọt lên 26,6% cũng với lý do tương tự. Đây là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 với biến thể Alpha.

Việc tỷ lệ tiết kiệm tụt xuống chỉ còn 4,4% như hiện nay là hợp lý vì một số lý do.

Thứ nhất, nền kinh tế đã mở cửa nên người dân chi tiêu nhiều hơn. Lạm phát tăng nóng lên đỉnh 4 thập kỷ khiến cho ví tiền của người tiêu dùng nhanh chóng bị bào mòn.

Thứ hai, các gói hỗ trợ của chính phủ đã hết, người dân không còn nhận được các tấm séc trong hòm thư như trước.

Và thứ ba, người dân phải dùng gần như hết của dành thì mới đi vay và dẫn tới khối nợ của hộ gia đình lên cao kỷ lục như nói ở trên.

Tín hiệu giả từ Fed và chính phủ

Giá cả chính là thông tin về cung và cầu trên thị trường. Giá tăng đồng nghĩa với cầu mạnh hơn cung và giá giảm tức là cung lớn hơn cầu.

Lãi suất là giá của tiền tệ.

Khi lãi suất cao, các thành phần kinh tế nhận được tín hiệu rằng lượng tiền tiết kiệm đang thấp, tiền gửi vào ngân hàng ít. Người dân và doanh nghiệp được khuyến khích tiết kiệm tiền để hưởng lãi cao, đồng thời giảm chi tiêu để không phải trả chi phí vay lớn.

Ngược lại, lãi suất thấp là tín hiệu cho thấy lượng tiền tiết kiệm đang nhiều. Người dân và doanh nghiệp được khuyến khích chi tiêu nhiều vì dù có gửi tiết kiệm thì tiền lãi thu được cũng chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí nhiều người còn đi vay để chi tiêu và đầu tư vì chi phí vay rẻ quá.

Trong đại dịch COVID-19, sự can thiệp của Fed và chính phủ Mỹ đã khiến cho lãi suất biến động bất thường và gửi tín hiệu giả ra nền kinh tế.

Tháng 3/2020, Fed hạ lãi suất quỹ liên bang về gần 0%. Những tháng sau đó, Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng cũng liên tiếp tung ra các đợt kích thích kinh tế tổng trị giá 5.000 tỷ USD.

Các chính sách này khiến người dân nghĩ rằng mình đang giàu lên, tiền tiết kiệm của mình nhiều hơn và do vậy có đủ khả năng để chi tiêu mạnh tay hơn trước.

Trong thực tế, việc in thêm tiền không làm tăng của cải trong nền kinh tế mà chỉ làm tăng giá cả và gây ảo giác. Nếu chỉ cần in tiền là có thể làm cho đất nước giàu mạnh lên thì trên thế giới không có quốc gia nào nghèo.

Việc đúng đắn mà người dân nên làm là quản lý tài chính thận trọng hơn, tích cóp để chuẩn bị cho quãng thời gian khó khăn do đại dịch gây ra, nhưng vì tín hiệu giả từ lãi suất và cung tiền, người dân Mỹ lại chi tiêu hoang phí hơn.

Giờ đây khi vật giá leo thang, tiền tiết kiệm đã tiêu gần hết, núi nợ phình to chưa từng thấy, người dân mới nhận ra thì sự cũng đã rồi.

Đức Quyền - Song Ngọc

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.