Lãi suất đang tăng và nền kinh tế Mỹ sẽ không chịu nổi
Phiên giao dịch 4/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng hơn 200 điểm lên đỉnh mới nhờ cổ phiếu ngân hàng nhưng chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 1,3%.
Nguyên nhân của cả hai diễn biến trái ngược này được cho là mặt bằng lãi suất liên tục lên cao trong một tháng gần đây. Cụ thể, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm kết phiên 4/1 ở mức 2,059%, cao nhất kể từ cuối tháng 10/2021.
Khi lợi suất dài hạn lên cao, lợi nhuận của các ngân hàng thường tăng mạnh do các nhà băng huy động kỳ hạn ngắn rồi cho vay kỳ hạn dài. Vì vậy, giá cổ phiếu ngân hàng JPMorgan Chase và Goldman Sachs tăng tương ứng 3,8% và 3,1% trong phiên 4/1, cổ phiếu hãng thẻ tín dụng American Express cũng đi lên 3,2%.
Trong khi đó, doanh nghiệp công nghệ vay nợ nhiều và dòng tiền kỳ vọng trong tương lai lớn. Nếu lãi suất tăng, chi phí lãi vay cũng tăng và dòng tiền tương lai bị chiết khấu sâu hơn trước, cổ phiếu công nghệ vì thế mà kém hấp dẫn trong môi trường lãi suất cao. Nvidia giảm 2,8%, Netflix mất 1% phiên vừa qua.
Vì sao lãi suất tăng?
Fed giảm mua trái phiếu
Sau cuộc họp chính sách ngày 2-3/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giảm tốc độ mua ròng trái phiếu 15 tỷ USD mỗi tháng, tức là từ 120 tỷ USD còn 105 tỷ, rồi 90 tỷ, 75 tỷ USD, ... cho đến khi dừng hẳn vào tháng 6/2022.
Sau khi tỷ lệ lạm phát CPI tháng 11 lên đỉnh 39 năm, Fed quyết định trong cuộc họp ngày 14-15/12 rằng cơ quan này sẽ mạnh tay hơn trong việc cắt giảm bơm tiền, nâng tốc độ giảm từ 15 tỷ/tháng lên 30 tỷ/tháng.
Chương trình mua trái phiếu sẽ kết thúc vào tháng 3 thay vì vào tháng 6 như dự tính trước đó. Khi nhu cầu mua trái phiếu giảm, giá trái phiếu sẽ đi xuống. Mà giá trái phiếu và lợi suất biến động ngược chiều nhau nên khi giá giảm thì lợi suất tăng lên.
Việc Fed mua thêm trái phiếu đồng nghĩa với bơm tiền ra nền kinh tế và tăng quy mô bảng cân đối kế toán của Fed. Giảm mua trái phiếu nghĩa là bảng cân đối của Fed vẫn phình to ra, chỉ là với tốc độ chậm hơn trước. Chỉ khi nào Fed bán ròng trái phiếu và hút tiền về thì cung tiền trong nền kinh tế và bảng cân đối của Fed mới nhỏ lại.
Thực tế năm 2021, Fed thường mua vào trái phiếu khoảng 3-4 tuần rồi chuyển sang bán một tuần nhưng tác động chung vẫn là mua ròng và tăng cung tiền.
Trong 10 tháng đầu năm, Fed mua ròng trung bình 28 tỷ USD/tuần, tương đương khoảng 111 tỷ USD/tháng. Trong hai tháng cuối năm 2021, tốc độ mua ròng đã giảm xuống còn trung bình 22 tỷ USD/tuần, tức gần 90 tỷ USD/tháng.
Bước sang năm 2022, tốc độ giảm bơm tiền sẽ rõ rệt hơn và quy mô bảng cân đối kế toán của Fed dần dần sẽ đi ngang và không còn dốc lên nữa.
Fed chuẩn bị tăng lãi suất
Sau khi chấm dứt hoàn toàn chương trình bơm tiền thông qua mua trái phiếu, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu nâng lãi suất quỹ liên bang (Fed Funds Rate) lên cao hơn mức 0 - 0,25% duy trì từ tháng 3/2020 đến nay.
Các quan chức Fed kỳ vọng sẽ có ba đợt tăng lãi suất trong năm 2022.
Fed Funds Rate là lãi suất mà các ngân hàng vay qua đêm, tức là kỳ hạn rất ngắn. Tuy nhiên, các loại lãi suất thường biến động cùng nhau nên khi lãi suất ngắn hạn tăng thì các lãi suất kỳ hạn dài hơn cũng đi lên theo.
Kinh tế Mỹ có chịu đựng được lần tăng lãi suất này?
Trong môi trường lãi suất thấp và tiền rẻ mà Fed tạo ra gần hai năm qua, cả chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ đều mạnh tay vay mượn, đẩy khối nợ lên cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Không chỉ tăng theo giá trị tuyệt đối, tổng nợ chính quyền liên bang Mỹ còn đi lên so với quy mô của nền kinh tế, từ khoảng 100% GDP vào năm 2015 lên trên 120% GDP vào năm 2021.
Khi mặt bằng lãi suất tăng lên, gánh nặng trả nợ của người đi vay cũng sẽ cao hơn và dẫn tới vỡ nợ nhiều hơn.
Ảnh hưởng của lãi suất cao tới chính phủ Mỹ có thể sẽ không quá lớn do có sự chống lưng của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Khi số trái phiếu Kho bạc mà Fed nắm giữ đáo hạn, Fed có thể mua thêm trái phiếu Kho bạc Mỹ trên thị trường mở. Nói cách khác, Fed sẽ gián tiếp cho chính phủ vay nợ mới để trả nợ cũ, quy mô bảng cân đối kế toán của Fed vẫn không đổi, cung tiền không tăng thêm.
Doanh nghiệp và hộ gia đình ở vào tình thế khó khăn hơn do không được máy in tiền hỗ trợ. Lãi suất tăng có thể gây ra một cuộc suy thoái và Fed sẽ phải đảo ngược tất cả, chuyển từ nâng lãi suất sang hạ lãi suất, từ thắt chặt tiền tệ sang bơm thêm tiền để cứu nền kinh tế.