Tại sao Mỹ không phá giá USD mà chấp nhận thâm hụt thương mại triền miên, để hàng triệu việc làm sang Trung Quốc?
Từ hàng chục năm qua, đồng đô la Mỹ (USD) đã được thế giới tin tưởng chọn làm loại tiền dự trữ ngoại hối quan trọng nhất.
Nguyên nhân là nước Mỹ có môi trường chính trị ổn định (các đảng phái đấu tranh quyết liệt nhưng không có đảo chính, lật đổ), không bị tàn phá bởi các cuộc chiến tranh thế giới như châu Âu, nền kinh tế khổng lồ tăng trưởng vững chắc và hệ thống tài chính phát triển.
Thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tổng dự trữ ngoại hối của thế giới tính đến cuối III/2021 có giá trị quy đổi tương đương 12.827 tỷ USD, trong đó USD chiếm 59%, gấp gần ba lần đồng euro đứng tiếp sau.
Việc USD làm đồng tiền dự trữ quốc tế đã mang lại cho Mỹ nhiều lợi ích to lớn.
Vì USD được các quốc gia chấp nhận rộng rãi nên các chủ thể kinh tế Mỹ không cần quy đổi tiền tệ khi mua bán, từ đó giảm chi phí giao dịch.
Ngoài ra, Mỹ cũng không chịu rủi ro tỷ giá như các quốc gia khác vì đa phần các loại hàng hóa đều được yết giá theo USD, ví dụ điển hình nhất là dầu mỏ.
Các nước khác muốn dự trữ USD thông qua nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ để còn được hưởng lãi hàng năm. Nói cách khác, nước ngoài rất sẵn lòng cho Mỹ vay tiền, khiến lãi suất tại Mỹ thấp. Trong khi các nước khác mua trái phiếu Mỹ với lãi suất thấp thì Mỹ có thể đem tiền đi đầu tư với lợi nhuận cao hơn.
Bên cạnh đó, việc Mỹ vay tiền bằng chính USD cũng giúp loại bỏ một loại rủi ro. Trong lịch sử đã có nhiều nước vay bằng ngoại tệ, đến khi đồng tiền trong nước mất giá thì quốc gia cũng vỡ nợ. Mỹ không cần lo lắng chuyện này.
Nhưng việc USD làm đồng tiền dự trữ quốc tế đã gây ra cho Mỹ những thiệt hại gì?
Sức mạnh của USD và thâm hụt thương mại liên miên
Lần gần đây nhất Mỹ có thặng dư thương mại là vào năm 1975 với giá trị vỏn vẹn 10 tỷ USD. Liên tục từ 1976 đến 2020, Mỹ đều nhập siêu với tổng giá trị gần 13.400 tỷ USD.
So sánh với quy mô nền kinh tế, thâm hụt thương mại hàng năm tương đương khoảng 3% GDP của Mỹ những năm gần đây, có khi lên tới hơn 5%.
Thâm hụt thương mại có liên quan gì tới việc USD được dùng làm dự trữ ngoại hối quốc tế?
Nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu tức là số USD Mỹ chi ra lớn hơn số USD Mỹ thu về. Một phần số chênh lệch này được ngân hàng trung ương các nước khác giữ lại làm dự trữ ngoại hối.
Nếu Mỹ bất chấp tất cả, tìm mọi cách để đạt cân bằng thương mại, tức là nhập khẩu đúng bằng xuất khẩu và số USD chi ra đúng bằng số USD thu về, khi đó các nước trên thế giới sẽ không giữ lại được đồng USD nào, tự nhiên USD sẽ không còn là đồng tiền dự trữ nữa.
Để có thể bơm USD tràn ngập thế giới, Mỹ phải chấp nhận thâm hụt thương mại.
Việc nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu cũng có nghĩa là Mỹ tiêu dùng nhiều hơn lượng hàng hóa và dịch vụ tự sản xuất ra. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), Mỹ đang phải vay nợ nước ngoài để tài trợ cho thâm hụt thương mại.
Hàng triệu việc làm bay sang nước ngoài
Cả thế giới muốn nắm giữ USD làm dự trữ ngoại hối khiến cho giá USD so với các loại tiền tệ khác tương đối cao, đồng nghĩa với việc giá các loại hàng hóa của Mỹ cũng bị coi là đắt đỏ. Vì vậy, các nhà xuất khẩu Mỹ khó cạnh tranh với đối thủ quốc tế.
Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) không chỉ là vấn đề nội bộ của nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới tài chính và thương mại toàn cầu. Fed phải cân đối giữa nhu cầu đảm bảo việc làm và tăng trưởng kinh tế trong nước với việc duy trì vị thế đồng tiền dự trữ của USD.
Nếu Fed cũng phá giá USD để kích thích xuất khẩu và tạo công ăn việc làm trong nước tương tự như ngân hàng trung ương Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, USD sẽ không thể là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Thua thiệt trong xuất khẩu khiến nước Mỹ mất nhiều việc làm cho các trung tâm sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Một nghiên cứu của nhà kinh tế học Douglas L. Campbell ước tính trong giai đoạn 1995 – 2008, đồng USD quá mạnh đã làm nước Mỹ mất đi 1,5 triệu việc làm trong khu vực sản xuất.
Các ngành sản xuất chịu thiệt hại nặng nề nhất vì việc làm rất dễ bị chuyển sang các nước có giá nhân công rẻ hơn. Các hoạt động dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, … khó bị "outsource" ra nước ngoài hơn. Tuy nhiên, thu nhập của các công việc dịch vụ này tại Mỹ vốn khá thấp và bấp bênh.
Một số dịch vụ trực tuyến như tổng đài điện thoại, chăm sóc khách hàng, … vẫn bị các doanh nghiệp Mỹ chuyển ra nước ngoài như thường. Một người tiêu dùng Mỹ gọi vào số hotline của một doanh nghiệp Mỹ để phản ánh về chất lượng sản phẩm thường nhận thấy người ở đầu dây bên kia nói tiếng Anh với giọng Ấn Độ hoặc Trung Quốc.
Nghiên cứu của Viện Chính sách Kinh tế (EPI) tại Washington cho thấy trong giai đoạn 2001 – 2019, nước Mỹ đã mất 3,7 triệu việc làm vì thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Trong số này, khoảng 1,7 triệu việc làm bị mất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và 2,8 triệu việc làm (tương đương 3/4 tổng số) đến từ khu vực sản xuất.
Tổng thống Donald Trump đã phần nào có lý khi phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc năm 2018.
Lời cảnh báo từ 60 năm trước
Sau hội nghị Bretton Woods năm 1944, hệ thống tài chính toàn cầu chuyển từ bản vị vàng sang bản vị đô la và USD chính thức trở thành loại tiền dự trữ toàn cầu.
Các nước đồng ý giữ cố định tỷ giá đồng tiền của mình so với USD và giá trị của USD được xác định bằng 1/35 của một ounce vàng. Nói khác đi, Mỹ sẵn sàng bán vàng cho bất kỳ quốc gia nào với giá cố định 35 USD/ounce.
Do lạm phát phi mã, nợ công tăng cao vì cuộc chiến tranh tại Việt Nam, chi tiêu trong nước phung phí và thâm hụt thương mại liên miên, giá trị của USD đã dần suy yếu. Các nước cho rằng Mỹ in tiền vô tội vạ và giá của một ounce vàng không còn là 35 USD nữa mà cao hơn rất nhiều.
Pháp quyết định quy đổi toàn bộ dự trữ USD sang vàng và đưa tàu chiến đến Mỹ để chở vàng về nước, nhiều quốc gia khác làm theo. Lượng vàng trong kho của Mỹ đã sắp cạn mà tiền USD trên thế giới còn quá nhiều. Tháng 8/1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố chấm dứt hệ thống Bretton Woods, USD không còn quy đổi sang vàng được nữa.
Sự sụp đổ của Bretton Woods đã được nhà kinh tế học người Mỹ gốc Bỉ Robert Triffin dự đoán từ năm 1960.
Khi phát biểu trước quốc hội Mỹ, Triffin đã lập luận: Nếu Mỹ đạt cân bằng thương mại, thế giới sẽ không nhận được thêm USD để bổ sung vào kho dự trữ ngoại hối.
Nếu Mỹ liên tục bơm USD ra thế giới thông qua thâm hụt thương mại khổng lồ, dần dần các nước sẽ mất lòng tin vào USD. Mọi người sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao Mỹ có thể liên tục in thêm tiền để nhập khẩu hàng hóa như vậy? Những đồng USD mới in có được đảm bảo bằng vàng hay không?"
Khi niềm tin không còn, USD sẽ không thể là đồng tiền dự trữ được nữa, hệ thống tỷ giá cố định và khả năng quy đổi USD ra vàng cũng sẽ chấm dứt.
Ngày nay, Bretton Woods và cơ chế bản vị đô la đã sụp đổ nhưng USD vẫn là đồng tiền dự trữ toàn cầu nhờ cơ chế bản vị dầu mỏ (petrodollar).
Lập luận của Robert Triffin trước kia vẫn còn nguyên giá trị. Nếu Mỹ cứ liên tục thâm hụt thương mại, tức là USD vẫn cuồn cuộn chảy ra thế giới, niềm tin vào USD sẽ hao mòn dần và sẽ đến lúc USD không còn là đồng tiền dự trữ nữa.
Nếu nhu cầu với USD suy giảm, xuất khẩu của Mỹ sẽ được hưởng lợi nhưng đổi lại, các nước sẽ không đổ xô vào mua trái phiếu của Mỹ như trước, lãi suất vay nợ sẽ tăng vọt, tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ ở đất nước cờ hoa.