Kinh tế Mỹ 'khỏe mạnh' và sẵn sàng cho đợt tăng lãi suất đầu của Fed
Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã tăng nhiều hơn dự đoán trong tháng Một, từ đó tiếp sức cho nền kinh tế vào thời điểm bắt đầu quý đầu tiên, nhưng áp lực giá cả vẫn tiếp tục gia tăng, với mức lạm phát tính theo năm trong tháng Một ghi nhận mức tăng cao nhất trong 40 năm qua.
Chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ, đã tăng 2,1% trong tháng Một sau khi giảm 0,8% trong tháng 12 năm ngoái. Sau khi được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu tiêu dùng tăng 1,5% trong tháng Một sau khi giảm 1,3% trong tháng trước đó.
Hoạt động chi tiêu diễn ra mạnh mẽ ở các nhóm hàng xe cộ, hàng tiêu dùng không lâu bền như áo quần và các mặt hàng giải trí, cũng như chi phí sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh ở nhiều nơi tại Mỹ.
Nhưng sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron đã làm giảm chi tiêu tại các nhà hàng, quán bar, cũng như khách sạn và nhà nghỉ. Chi tiêu cho đi lại bằng đường hàng không cũng đi xuống.
Chi tiêu tiêu dùng gia tăng bất chấp chỉ số niềm tin tiêu dùng, do Đại học Michigan công bố ngày 25/2, đã giảm xuống 62,8 điểm trong tháng Hai, thấp hơn mức 67,2 diểm trong tháng Một và cũng là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.
Hoạt động chi tiêu tiêu dùng đang được hỗ trợ bởi lượng tiền tiết kiệm lớn và tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt. Điều này đang lấn át tác động từ sự suy giảm trong số tiền hỗ trợ cho chính phủ cho các hộ gia đình, sau khi chương trình tín dụng thuế trẻ em kết thúc.
Tuy nhiên, áp lực giá cả lại đang tiếp tục gia tăng. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,6% trong tháng Một sau khi tăng 0,5% trong tháng 12 năm ngoái.
Trong 12 tháng tính đến tháng Một, chỉ số PCE tăng 6,1%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/1982, sau khi ghi nhận mức tăng theo năm 5,8% trong tháng 12/2021.
Không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn dễ biến động, chỉ số PCE cốt lõi tăng 0,5% trong tháng Một, bằng mức tăng của tháng trước đó. Tính theo năm, chỉ số này tăng 5,2% trong tháng Một so với cùng kỳ năm ngoái.
Với lạm phát vượt xa mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sức mua của các hộ gia đình đang suy yếu. Thu nhập khả dụng của các hộ gia đình sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 0,5%. Hơn nữa, áp lực giá cả có thể còn tiếp tục leo thang do xung đột Nga-Ukraine.
Nhiều chuyên gia tin rằng tăng trưởng kinh tế quý này sẽ nằm dưới mức 2%, trong khi Fed chi nhánh Atlanta Fed dự đoán kinh tế Mỹ chỉ tăng 0,6% trong quý hiện tại.
Dù vậy, triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn khá khả quan. Số liệu từ Bộ Thương Mại Mỹ mới đây cho thấy số đơn đặt hàng hàng hóa vốn phi quân sự, không tính máy bay, một chỉ báo quan trọng cho kế hoạch chi tiêu của các doanh nghiệp, đã tăng 0,9% trong tháng trước, cao hơn mức tăng dự đoán 0,5% của giới chuyên gia và mức tăng 0,4% trong tháng 12 năm ngoái.
Số liệu này cho thấy sức mạnh tiềm ẩn có thể giúp nền kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng khi Fed bắt đầu nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát, cũng như bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới này trước tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine.
Đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed được dự đoán sẽ diễn ra vào tháng tới. Các chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ có bảy đợt nâng lãi suất trong năm nay.
Ông Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của công ty Capital Economics, cho rằng: “Nền kinh tế Mỹ dường như đang trong thể trạng khỏe mạnh hơn chúng ta lo ngại, qua đó cho thấy Fed sẽ tiếp tục với kế hoạch tăng lãi suất của mình bắt đầu vào tháng Ba, dù căng thẳng tại Ukraine đã làm giảm khả năng Fed nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản".