|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trong ngắn hạn, tỷ giá vẫn là áp lực chính khiến lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

15:46 | 15/07/2024
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia, công ty chứng khoán đều đặt kỳ vọng lãi suất huy động sẽ lên khoảng 5 - 6%/năm vào cuối năm nay, ngang với giai đoạn COVID. Trong khi đó, lãi suất cho vay sẽ chỉ nhích nhẹ, giúp hỗ trợ nền kinh tế.

Lãi suất huy động về ngang giai đoạn COVID-19

Bước sang quý III, xu hướng tăng lãi suất huy động đang ngày càng rõ rệt. Ngay từ đầu tháng 7, đã có 21/30 ngân hàng trong danh sách theo dõi của chúng tôi đã tăng lãi suất so với tháng 6. Mức tăng cao nhất lên tới 1,6 điểm %/năm đối với kỳ hạn 3 tháng tại Bac A Bank và kỳ hạn 24 tháng trở lên tại ABBank.

Theo dữ liệu tổng hợp của WiChart, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng MB, ACB, Techcombank và VPBank ở mức 4,78%/năm, tăng khoảng 43 điểm cơ bản (bps) so với đáy. Đồng thời, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hơn, đã tăng thêm 52 bps, lên 5,06%/năm. 

Chỉ riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) vẫn giữ lãi suất huy động bình quân ở mức 4,68%/năm, ngang với đáy ghi nhận từ tháng 4 đến nay. 

Lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ sớm quay lại vùng đáy giai đoạn COVID. (Ảnh: WiChart).

Trong chương trình gần đây, bà Trần Thanh Huyền, Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao của VinaCapital, nhận định rằng lãi suất huy động hiện tại đang thấp hơn giai đoạn COVID gần 1 điểm %. So với lãi suất tiết kiệm trung bình trong 10 năm gần đây (khoàng 6,2 - 6,3%) thì lãi suất hiện tại cũng thấp hơn 1,5 điểm %.

“Có nhiều lý do để giải thích như tín dụng đầu năm tăng trưởng chậm, dòng tiền đổ về kênh tiết kiệm nhiều khi thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn”, bà nhận định. 

Về việc lãi suất có xu hướng tăng lên trong giai đoạn gần đây, bà Huyền cho rằng do áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải hút tiền, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng đi lên. 

Đồng thời, các ngân hàng thương mại cũng đẩy mạnh tín dụng, khiến huy động từ dân cư nhiều lên. Ngoài ra, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cũng có dấu hiệu tan băng, tạo ra sự cạnh tranh với kênh tiền gửi. 

Về kỳ vọng lãi suất huy động trong thời gian tới, VinaCapital dự phóng lãi suất sẽ tăng 0,5 đến 1 điểm % từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, “kể cả có tăng 1 điểm %, mặt bằng lãi suất vẫn chỉ ngang với thời COVID, vẫn trên cơ sở hỗ trợ nền kinh tế”, bà Huyền cho biết. 

Trong báo cáo vĩ mô tháng 7, Chứng khoán MB (MBS) cho biết tăng trưởng tín dụng nhanh là yếu tố thúc đẩy các nhà băng nâng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền gửi, đáp ứng nhu cầu vốn. 

Theo số liệu từ NHNN, tăng trưởng tín dụng đến cuối quý II đã đạt 6%, tương đương mục tiêu của Chính phủ. Riêng trong tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 2,57%. 

Về triển vọng trong nửa cuối năm, MBS dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ khoảng 0,5 điểm %, quay về mức 5,2% - 5,5%/năm trong nửa sau năm 2024. 

Còn trong báo cáo vĩ mô tháng 7, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng thêm 50 - 100 bps trước biến động của tỷ giá và lãi suất. 

Các chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lại cho rằng mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích thêm 0,7 đến 1 điểm % từ này đến cuối năm, lên mức tương đương với vùng đáy trong giai đoạn COVID-19. 

KBSV nhận định tỷ giá trong ngắn hạn vẫn là áp lực chính khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng. Trong kịch bản cơ sở, các chuyên viên phân tích dự báo tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, thậm chí còn căng thẳng cục bộ ở một vài thời điểm khiến NHNN phải tiếp tục can thiệp bán ngoại tệ, cùng với đó là định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade). 

Những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.

Ngoài ra, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm, KBSV cho hay. 

Mức lãi suất vào cuối năm 2024 được dự báo sẽ ngang với giai đoạn COVID. 

Lãi suất cho vay sẽ đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ

Theo đa số các công ty chứng khoán và chuyên gia, lãi suất đầu ra sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ trong nửa cuối năm 2024. KBSV cho biết với diễn biến tăng trở lại của chi phí huy động vốn, chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay đã tạo đáy và nhiều khả năng sẽ đi ngang hoặc nhích nhẹ trong thời gian tới. 

Mức tăng cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh do có vai trò hỗ trợ kinh tế sẽ giữ lãi suất cho vay thấp tương đối, trong khi các ngân hàng tư nhân có xu hướng tăng lãi suất để điều chỉnh phù hợp với sự tăng của lãi suất đầu vào. 

VDSC trích dẫn thống kê của NHNN cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 90 điểm cơ bản trong 5 tháng đầu năm, nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất huy động. Việc lãi suất huy động tăng trở lại sẽ ảnh hưởng đến đà giảm của lãi suất cho vay, tuy nhiên, các chuyên viên phân tích kỳ vọng tác động này sẽ chỉ bộc lộ rõ hơn vào quý cuối năm hoặc đầu năm 2025.

Còn MBS dự báo cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và ngân hàng thương mại nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Bà Trần Thanh Huyền, Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao của VinaCapital đánh giá từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay, có thể tăng nhẹ hơn so với lãi suất tiết kiệm để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. 

Minh Quang