|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ba ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất huy động đầu tháng 7

16:30 | 09/07/2024
Chia sẻ
Một số ngân hàng cổ phần đã tiếp tục nâng lãi suất trong những ngày đầu tháng 7. Hiện nay, mức lãi suất tiết kiệm trên 5% đã trở nên phổ biến, còn lãi suất 6% đã trở lại ở một số kỳ hạn dài.

Ngay trong đầu tháng 7, đã có ba ngân hàng nâng lãi suất huy động, trong đó, lãi suất cao nhất đã vượt mốc 6%/năm. 

Cụ thể, từ ngày 3/7, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,1 điểm %/năm cho các kỳ hạn dưới 13 tháng. Cụ thể, với hình thức tiết kiệm truyền thống, lãi suất kỳ hạn 1 tháng nhích lên 3,6%/năm, lãi suất kỳ hạn 3 tháng là 3,9%/năm, lãi suất 9 tháng là 5,45% còn lãi suất kỳ hạn 13 tháng lên 5,7%/năm. 

Lãi suất các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên được duy trì ở mức 6%/năm. Nếu gửi tiền theo hình thức tiết kiệm An Phú, lãi suất cao nhất sẽ là 6,1%/năm. 

Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tại quầy từ ngày 4/7. Lãi suất được điều chỉnh từ 0,1 đến 0,5 điểm %, tùy từng kỳ hạn. 

Trong đó, lãi suất 1 tháng ở mức 3,1%/năm, lãi suất 3 tháng là 3,4%/năm, lãi suất 6 tháng đạt 4,7%/năm, tăng 0,5 điểm %/năm, cao hơn tất cả các kỳ hạn dưới 12 tháng. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng được tăng thêm 0,1 điểm % lên 5%/năm. Các kỳ hạn dài hơn cũng được tăng thêm 0,1 điểm %, lên cao nhất là 5,2%/năm đối với tiền gửi 60 tháng. 

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm ngay đầu tháng 7. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm lĩnh lãi cuối kỳ ở kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng 0,5% điểm/năm lên 3,2%/năm. Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng tăng 0,8% điểm/năm, đạt 3,7%/năm.

Ở kỳ hạn từ 6 đến 11 tháng, lãi suất được tăng thêm 0,6 điểm %/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng đạt 4,75%/năm, tăng 0,5 điểm %. Với kỳ hạn 24 tháng, SeABank áp dụng lãi suất lên tới 5,7%/năm. Với các hình thức như Tiết kiệm Bậc Thang, Tiền gửi có kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ, lãi suất cao nhất là 6%/năm, áp dụng đối với kỳ hạn trên 15 tháng. 

Theo tổng hợp, mức lãi suất trên 6%/năm đã xuất hiện ở một số ngân hàng như OCB, OceanBank, NCB, SeABank ... trên kỳ hạn dài (hơn 12 tháng). Tuy nhiên, các ngân hàng trong nhóm Big4 vẫn duy trì lãi suất cao nhất ở mức khoảng 4,6% - 4,7%/năm.

Lãi suất huy động tại các nhóm ngân hàng đã nhích lên từ đấy. (Ảnh: WiChart).

Dữ liệu từ WiChart cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã lên mức 4,75%/năm, tăng khoảng 0,4 điểm % so với mức đáy hồi tháng 3. 

Trong khi đó, lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng nhỏ đã vượt 5%/năm, tăng hơn 0,5 điểm % so với mức đáy ghi nhận vào tháng 4. Tuy nhiên, lãi suất huy động của nhóm Big4 vẫn đang duy trì ở mức thấp nhất trong nhiều năm.

Trong báo cáo chiến lược tháng 7, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng thêm 70 đến 100 điểm cơ bản (bps) từ nay đến cuối năm, lên mức tương đương vùng đáy trong giai đoạn COVID trước áp lực tỷ giá. 

KBSV cho biết tỷ giá tăng đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải can thiệp bán ngoại tệ, khiến gây căng thẳng thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng. Động thái này tác động đặc biệt lớn tới nhóm ngân hàng vừa và nhỏ, có nguồn huy động kém linh hoạt cũng các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt trong nửa đầu năm.

Minh Quang