|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người lao động sẽ chịu thiệt thòi trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed

14:47 | 21/06/2022
Chia sẻ
Thị trường việc làm bị thắt chặt như hiện nay sẽ tạo ưu thế cho người lao động và buộc nhà tuyển dụng phải đưa ra các đãi ngộ tốt hơn. Tuy nhiên, trong kế hoạch đương đầu lạm phát của Fed, người lao động e là sẽ phải chịu thiệt thòi.

Hi sinh người lao động để khống chế lạm phát

Samara Lambright bắt đầu công việc mới vào mùa thu năm ngoái. Cô kiếm được khoảng 18 USD/giờ khi làm nhân viên tổng đài cho một ngân hàng quốc gia lớn. Mức lương cải thiện đáng kể so với trước đây, dù giá cả hàng hoá ngày nay cũng đắt đỏ hơn nhiều.

Tuy thu nhập tốt nhưng giờ giấc làm việc lại không ưu ái cho Lambright, vì cô không có đủ thời gian để chăm sóc con gái hai tuổi hay tìm nhà trẻ. Ca làm việc của cô thường kết thúc vào khoảng 20h30 và ít nhất một ngày làm việc vào mỗi cuối tuần.

Chia sẻ với Bloomberg, Lambright cho hay: “Đó là một công việc tốt, nhưng cuối ngày tôi lại hết sức mệt mỏi. Thỉnh thoảng tôi có cảm giác như nhà tuyển dụng không sẵn lòng tiếp nhận những bà mẹ đang đi làm hay những bà mẹ đơn thân”.

Câu chuyện của Lambright cho thấy người lao động Mỹ vẫn có cơ sở để đánh giá lại công ăn việc làm của họ. Tiền lương không phải là thứ duy nhất mà giờ đây họ muốn cân nhắc. Sau hàng chục năm ở “cửa trên”, các nhà tuyển dụng đang phải tiếp nhận hàng triệu nhân sự không còn coi môi trường công sở là một nơi phù hợp.

Điều đó có nghĩa là nhà tuyển dụng không chỉ phải đưa ra mức lương cao hơn, mà còn phải cung cấp các đãi ngộ và điều kiện làm việc tốt hơn. Chẳng hạn, họ đã áp dụng chính sách làm việc từ xa, cố gắng thấu hiểu các nhân viên đã có con cái hơn,…và thậm chí cân nhắc làm việc 4 ngày/tuần.

 

Song, câu chuyện của những người như cô Lambright cũng minh hoạ cho thế tiến thoái lưỡng nan của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - cơ quan được giao nhiệm vụ phải đảm bảo rằng việc làm luôn dồi dào và lạm phát không “lậm” vào tiền lương của người dân.

Giữa tuần trước, Fed đã thực hiện một bước đi bất thường khi dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng trong hai năm tới, khi các nhà hoạch định chính sách đẩy mạnh tốc độ nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng số lượng vị trí tuyển dụng còn trống cao như hiện nay cho thấy sự “mất cân bằng nghiêm trọng” trong vấn đề thương lượng mức lương của người lao động. Đồng thời, thị trường lao động dưới con mắt của Fed “đang quá nóng”.

Đối với ngân hàng trung ương Mỹ - cơ quan luôn phải ghi nhớ nhiệm vụ “toàn dụng việc làm”, những chuyển biến tích cực từ nhà tuyển dụng đáng lẽ sẽ là một khoảnh khắc đáng vui mừng. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Lạm phát tiêu dùng (CPI) của Mỹ đang ở mức đỉnh 40 năm, và thị trường lao động mà ông Powell cho là “đang quá nóng” đang được tận dụng để giải quyết bài toán giá cả, Bloomberg cho hay.

Fed sẽ phải tăng lãi suất mạnh tay để ghìm cương lạm phát và kéo theo đó là tỷ lệ thất nghiệp sẽ đi lên. Đây là một kết cục không mong muốn cho người lao động, nhưng lại giúp các doanh nghiệp lần nữa sử dụng cơ hội việc làm để hạ thấp mức lương và phản đối người lao động đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn.

Kịch bản tích cực nhất của Fed khó xảy ra

Theo Bloomberg, trong kịch bản lạc quan nhất của Fed, việc tăng lãi suất từ từ sẽ kìm nén nhu cầu vừa đủ để giảm số lượng vị trí tuyển dụng mới, nhưng không làm tỷ lệ thất nghiệp tăng cao quá mức.

Chủ tịch Powell nói rằng đó là con đường mà Fed muốn theo đuổi, và cũng là con đường thách thức hơn khi lạm phát vẫn ở mức cao, một phần do các cú sốc từ bên ngoài như chiến sự Nga - Ukraine.

Bình luận về kế hoạch của Fed, ông Matthew Luzzetti, kinh tế trưởng của Deutsche Bank Securities, cho hay: “Mỹ khó có thể đưa lạm phát quay về ngưỡng mục tiêu 2% mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên”.

 

Lạm phát sẽ ăn mòn sức mua của những người lao động ít có khả năng thương lượng mức lương nhất, đó là một lý do tại sao Fed có nhiệm vụ phải ổn định giá cả hàng hoá. Mặt khác, một thị trường lao động bị thắt chặt sẽ buộc các nhà tuyển dụng phải đưa ra thoả thuận có lợi cho người lao động hơn.

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp không thực sự hỗ trợ đúng mực cho người lao động, thay vào đó thường chèn ép để hạ mức lương và đãi ngộ. Trớ trêu thay, họ dần nhận ra rằng nếu xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động, thì họ có một phần lỗi, Bloomberg nhận định.

Có một số dấu hiệu đã xuất hiện, cho thấy Mỹ có nguy cơ thiếu hụt nhân công. Trong lực lượng lao động, tỷ lệ nam giới trong độ tuổi làm việc 25 - 34 đang suy giảm dần. Đầu thập niên 1990, hơn 94% đã có việc làm hoặc đang tìm kiếm việc làm. Ngày nay, tỷ lệ này đã tụt xuống còn 89%.

Ông Paul Romer, nhà nghiên cứu từng đoạt giải Nobel và hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học New York, cho hay: “Công việc ngày nay kém hấp dẫn trong mắt người dân Mỹ hơn so với trước. Đây là hậu quả sau nhiều năm người lao động bị đè nén về tiền lương”.

Tình cảnh bấp bênh của người lao động hiện không chỉ liên quan tới lương, mà còn thể hiện ở tình trạng mất an toàn việc làm (job insecurity), môi trường công sở được thiết kế thiếu khoa học và doanh nghiệp lơ là về nhu cầu của nhân viên.

Việc nhà tuyển dụng có chịu giải quyết các nhu cầu và mong mỏi của nhân viên hay không phụ thuộc vào các điều kiện thị trường việc làm do Fed thiết lập. Trong một thời gian dài, các nhà kinh tế tại Fed cũng như nhiều cơ quan khác, đã gộp vấn đề việc làm với giá cả, cho rằng quá nhiều người có việc làm là một mối đe doạ đối với lạm phát.

Ông James Galbraith, giáo sư tại Đại học Texas, lo ngại rằng nếu Fed “hạ cánh cứng” nền kinh tế thì ngân hàng trung ương Mỹ có thể khiến tình trạng bấp bênh về việc làm của người lao động trở nên nghiêm trọng hơn, trong khi kéo thu nhập của họ đi xuống.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.