|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed chưa tăng lãi suất xong, vì sao các chuyên gia đã dự báo ngày giảm lãi suất?

07:26 | 03/07/2022
Chia sẻ
Các ngân hàng trung ương như Fed ở Mỹ hay ECB ở châu Âu đang mạnh tay tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế dự báo con đường này sẽ không kéo dài và các nhà hoạch định chính sách sẽ sớm phải đổi hướng.

Fed đã tăng lãi suất ba lần trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là hai trong số những ngân hàng trung ương mong muốn kiểm soát lạm phát bằng cách nâng lãi suất. Fed đã tăng lãi suất trong ba cuộc họp liên tiếp vào tháng 3, 5 và 6. ECB dự kiến tăng lần đầu trong tháng 7.

Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức khác của Fed đã bày tỏ sự ủng hộ cho kế hoạch tiếp tục nâng chi phí đi vay trong cuộc họp thường kỳ ngày 26-27/7 và các cuộc họp khác trong năm 2022.

Theo CNBC, đa số chuyên gia dự báo làn sóng tăng lãi suất này sẽ kéo dài cho tới hết năm 2023, nhưng một số nhà phân tích lại có quan điểm trái ngược.

Ông Erik Nielsen, Kinh tế trưởng toàn cầu tại UniCredit phát biểu trên kênh CNBC: “Cho dù lạm phát có cao đi chăng nữa thì bạn có sẵn lòng nâng lãi suất tới mức đẩy kinh tế vào suy thoái không? Thế thì bất thường quá”.

“Khả năng rất cao là Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào khoảng cuối năm sau, vấn đề lại là câu chuyện suy thoái”, ông Nielsen nói.

Tháng 6 vừa qua, Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất kể từ 1994.

Giới quan sát đang ngày càng lo ngại cả Mỹ và châu Âu đang đối mặt với một cuộc suy thoái. Khi nền kinh tế giảm tốc độ tăng trưởng và thậm chí là thu hẹp lại, các ngân hàng trung ương sẽ phải hạ lãi suất để kích thích.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay từ mức 4,1% của trong tháng 1 xuống còn 2,9% hồi đầu tháng 6, thấp hơn đáng kể so với con số 5,7% ghi nhận trong năm 2021. Ngoài ra, WB còn cảnh báo nền kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm giống như thập niên 1970 – tức là vừa đình trệ kinh tế, vừa lạm phát phi mã.

Nếu đình lạm xảy ra, các nhà phân tích cho rằng việc tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 sẽ rất khó thực hiện và có nguy cơ khiến nền kinh tế thiệt hại nặng nề hơn.

Ông Michael Yoshikami, nhà sáng lập công ty quản lý tài sản Destination Wealth Management, là một trong những người cho rằng nguy cơ suy thoái kinh tế có thể sẽ buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải hạ lãi suất trong năm sau.

“Bây giờ lạm phát đang phi mã. Fed sẽ đưa ra nhiều tín hiệu rất mạnh mẽ để thể hiện quyết tâm kiểm soát lạm phát. Fed sẽ khiến kinh tế tăng trưởng chậm lại, gây ra đình lạm, hoặc suy thoái. Tôi nghĩ Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay”, ông Yoshikami nói với CNBC.

“Nếu Fed đưa nền kinh tế tới gần hơn với một cuộc suy thoái và đánh bại lạm phát, sau đó cắt giảm một chút lãi suất để kích thích nền kinh tế, tôi nghĩ đó không hẳn là một phương án xấu”, ông Yoshikami nhận định.

Tuy nhiên, kịch bản “quay xe” lãi suất kiểu này không phải là điều mà Fed cho là có khả năng xảy ra nhất.

Khi được hỏi liệu Mỹ có cắt giảm lãi suất trong năm sau vì nguy cơ suy thoái hay không, bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, trả lời hôm 29/6: “Tôi không coi đây là kịch bản cơ sở. Nhưng như tôi đã nói, Fed sẽ phải đánh giá điều kiện kinh tế theo từng giai đoạn cụ thể”.

Lạm phát tại cả Mỹ và châu Âu đều đang ở đỉnh nhiều thập kỷ.

Kinh tế Mỹ đang suy thoái?

Bà Loretta Mester không cho rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái nhưng dự báo tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nay. Định nghĩa phổ biến nhất của suy thoái kinh tế là GDP giảm hai quý liên tiếp. Biểu đồ bên dưới cho thấy, trong quý I, GDP của Mỹ đã giảm 1,5%.

Mô hình dự báo GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy GDP quý II của Mỹ suy giảm 2,1%. Nếu dự báo này là đúng thì tức là nền kinh tế Mỹ đang ở trong một cuộc suy thoái. Số liệu GDP sơ bộ quý II của Mỹ sẽ được công bố chính thức vào ngày 28/7.

GDP của Mỹ có nguy cơ giảm quý thứ 2 liên tiếp.

Chủ tịch Fed Jerome Powell tỏ ra rất quyết tâm trong việc ghìm cương lạm phát, bất chấp những “nỗi đau” mà quá trình thắt chặt tiền tệ gây ra cho người dân Mỹ.

Phát biểu tại một sự kiện của Liên minh châu Âu (EU) hôm 29/6, ông Powell nói: “Chúng tôi hiểu rõ và đánh giá đầy đủ những nỗi đau mà mọi người đang phải trải qua trong bối cảnh lạm phát cao. Chúng tôi có những công cụ để giải quyết vấn đề lạm phát và có sự quyết tâm để sử dụng các công cụ đó”.

“Chúng tôi cam kết đến cùng và sẽ thành công trong việc đưa lạm phát xuống còn 2%. Quá trình này sẽ gây ra những đau đớn, nhưng nếu không xử lý dứt điểm sớm và để lạm phát cao trở nên dai dẳng, nỗi đau sẽ còn lớn hơn nhiều”, ông Powell tuyên bố.

Bà Cathie Wood, CEO công ty quản lý quỹ đầu tư Ark Invest, hôm 28/6 cũng cho rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trong một cuộc suy thoái. Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong tháng 6 vừa qua, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Nasdaq và S&P 500 cùng mất hơn 8% khi nhà đầu tư lo sợ suy thoái.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu trong tháng 6 khi nhà đầu tư lo ngại nguy cơ suy thoái.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Berenberg (Đức) cho rằng lãi suất của Fed sẽ chạm đỉnh 3,5 – 3,75% trong nửa đầu năm 2023 rồi sau đó bắt đầu giảm xuống.

“Chúng tôi dự phóng rằng Fed sẽ tạm nghỉ và hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát đã xuống thấp hơn và nguy cơ suy thoái lớn hơn, bao gồm việc tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh kể từ quý IV/2023 trở về sau. Lãi suất quỹ liên bang của Fed có thể giảm còn 2,75% - 3% vào năm 2024.

Đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – tổ chức bị coi là chậm hành động – nhóm chuyên gia của ngân hàng Berenberg cho rằng lãi suất tái cấp vốn sẽ chạm đỉnh 1% vào tháng 12/2022 rồi duy trì ở mức tương đối thấp này trong năm 2023 và 2024.

Trong khi Fed đã tăng lãi suất ba lần trong các tháng 3, 5 và 6 của năm nay thì ECB vẫn chưa tăng lãi suất lần nào trong suốt 11 năm qua. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong tháng 7 và một lần nữa trong tháng 11.

Berenberg dự báo GDP của Mỹ và châu Âu sẽ giảm lần lượt 0,4% và 0,8% trong năm 2023.

Song Ngọc

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.