|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường chứng khoán Mỹ quay cuồng trong nửa đầu năm, tất cả đều quy về một mối

08:20 | 01/07/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa khép lại nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cú lao dốc này, nhưng nhìn chung đều quy về một mối.

Tất cả là tại lạm phát

Theo CNBC, có nhiều yếu tố đã tạo ra nửa đầu năm tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ năm 1970, nhưng tất cả đều quy về một mối: lạm phát. Ngay từ đầu năm, chi phí sinh hoạt đã tăng ở mức mà người dân Mỹ chưa từng thấy kể từ đầu thập niên 1980.

Tệ hơn nữa, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn từng cam đoan rằng lạm phát chỉ là “nhất thời”, giờ đây phải gấp rút thắt chặt chính sách để sửa chữa sai lầm. Cách làm của Fed gây nguy hiểm cho thị trường và nền kinh tế vẫn còn khá mong manh sau đại dịch.

Kết quả là, thiệt hại trong 6 tháng qua trở nên cực kỳ nghiêm trọng: chỉ số S&P 500 lao dốc gần 20% trong khi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 14%, một dấu hiệu cho thấy mô hình đầu tư mạo hiểm trong nhiều lĩnh vực từ tiền ảo, IPO đến hàng hoá đã sụp đổ.

 

 Bà Quincy Krosby - chiến lược gia chứng khoán tại công ty tài chính LPL Financial, bình luận: “Nguyên nhân bắt nguồn từ lạm phát, kẻ thù không đội trời chung của Fed. Ngân hàng trung ương Mỹ đã bảo lưu quan điểm lạm phát chỉ là ‘nhất thời’ trong thời gian dài, [khiến áp lực lạm phát phình to]”.

“Các kích thích hào phóng của Fed và chính phủ cũng có phần. Fed thậm chí đã rất sốc về số liệu lạm phát chỉ vài ngày trước cuộc họp chính sách gần nhất của họ. Thị trường chứng khoán Mỹ lâm đến bước đường này là do vậy”, bà Krosby nói tiếp.

Các nút thắt trong chuỗi cung ứng mà Fed cho rằng sẽ dịu bớt là nguyên nhân dẫn đến phần lớn sự gia tăng của lạm phát. Nhu cầu tiêu dùng vượt quá khả năng vận chuyển hàng hoá của nhà sản xuất đến thị trường, dẫn đến giá cả tăng cao hơn.

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã làm trầm trọng thêm một số vấn đề, khiến giá năng lượng và thực phẩm leo thang chóng mặt. Niềm tin người tiêu dùng sụp đổ, trong khi kỳ vọng của công chúng về lạm phát lại đi lên.

 

Bỏ lỡ tín hiệu, thiệt hại chồng chất

Sau khi chậm chân với lạm phát, Fed hiện buộc phải chơi trò đuổi bắt với nó bằng cách tăng lãi suất. Đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng tổng cộng 1,5 điểm % và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Dù vậy, nhiều chuyên gia Phố Wall đã thắc mắc tại sao Fed không mạnh tay hơn.

Tương lai khó lường đã khuếch đại tác động của số liệu lạm phát. Hồi tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ bật tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước - xác lập mức cao nhất kể từ tháng 12/1981.

Tháng 12 năm ngoái, Fed dự đoán thước đo lạm phát ưa thích của họ sẽ ở mức 2,6% trong năm nay, tương đối sát với mục tiêu 2%. Tuy nhiên, dữ liệu mới công bố khiến mọi người bị sốc. Thước đo này hiện ở mức 6,3%, và nếu chỉ tính lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) thì vẫn tăng 4,7%.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Getty Images).

Cố vấn kinh tế Mohammed El-Erian của công ty dịch vụ tài chính Allianz nhấn mạnh, Chủ tịch Fed Jerome Powell “cần phải giành lại ưu thế trước lạm phát, chứ hiện giờ ông đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát”.

Bên cạnh những thiệt hại đối với các chỉ số trung bình của thị trường chứng khoán Mỹ như S&P 500 và Dow Jones, làn sóng bán tháo còn xuất hiện ở khắp mọi nơi, CNBC cảnh báo.

Nasdaq - chỉ số tập trung vào các cổ phiếu công nghệ, đã lỗ gần 30%. Bitcoin - đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, cắm đầu gần 60%. Đồng - một chỉ báo về kinh tế, tụt hơn 15% và giá bông giảm hơn 13%.

Thị trường vốn cũng bầm dập. SPAC từng gây sốt vào năm ngoái thì giờ đã rơi vào thời kỳ khó khăn. Chỉ số Post SPAC của CNBC đang có tháng tồi tệ nhất kể từ khi được giới thiệu lần đầu vào năm 2020, với mức giảm gần 25%.

Các công ty tư nhân chần chừ tiếp cận một thị trường vốn ảm đạm như vậy. Theo Ernest & Young, số thương vụ IPO đã lao dốc khoảng 46% trong nửa đầu năm, với số tiền huy động giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Vẫn còn hy vọng

Vậy, thị trường chứng khoán Mỹ cần gì để “cầm máu”?

Bà Krosby của LPL cho hay: “Tất cả những gì thị trường chứng khoán đang chờ đợi là một hướng đi chính sách mềm mỏng hơn từ Fed. Khi đó, thị trường sẽ hạ bớt kỳ vọng, có thể các nhà đầu tư sẽ mong Fed tạm ngừng hoặc chỉ tăng lãi suất khoảng 50 hoặc 25 điểm cơ bản…”

Tuy nhiên, thị trường vẫn tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản khác vào tháng 7, mấu chốt là phải hạ nhiệt lạm phát càng nhanh càng tốt.

Một trong các thị trường hoạt động tốt nhất trong năm nay là hàng hoá, nhưng chỉ ở một số lĩnh vực nhất định như dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và nông sản. Song, những khoản lợi nhuận từ giao dịch dầu mỏ hay khí đốt đã bù qua sớt lại với khoản lỗ của các ngân hàng, nhà sản xuất xe hơi, nhà thầu xây dựng.

Dẫu vậy, CNBC cho rằng chúng ta vẫn có lý do để lạc quan. Khi S&P 500 giảm 21% trong nửa đầu năm 1970, chỉ số này đã nhanh chóng đảo chiều để tăng 26,5% trong nửa cuối năm và cuối cùng tăng trưởng dương cho cả năm.

“Thị trường liệu có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2022 hay không? Rất nhiều yếu tố cần phải cùng xuất hiện. Tuy nhiên, một cuộc phục hồi ngoạn mục như vậy đã từng xảy ra trước đây”, bà Krosby gợi mở.

Yên Khê

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.