|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dân Trung Quốc chi tiêu tằn tiện, đẩy mạnh tiết kiệm phòng bất trắc kinh tế

22:20 | 02/07/2022
Chia sẻ
Trong một khảo sát cho quý II năm nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) nhận thấy xu hướng tiết kiệm của người dân địa phương đã leo lên mức cao nhất trong hai thập kỷ.

Chi tiêu tằn tiện hơn

Khảo sát quý II của PBoC cho thấy, thay vì chi tiêu hoặc đầu tư, 58,3% người tham gia phỏng vấn ưu tiên tiết kiệm hơn. Con số này tăng đáng kể so với mức 54,7% trong quý đầu năm, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 2002.

Kỷ lục mới được xác lập trong bối cảnh Trung Quốc đại lục phải thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Thượng Hải đã phải phong toả trong hai tháng 4 và 5, trong khi Bắc Kinh cấm ăn uống nhà hàng vào tháng 5. Hàng loạt địa phương khác cũng cùng chung số phận.

Hai trung tâm tài chính - chính trị nêu trên hiện đã nới lỏng một số chính sách chống dịch. Đồng thời, trong tuần này, Bắc Kinh đã cắt giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với khách quốc tế cũng như đối với người dân địa phương có tiếp xúc với ca nhiễm.

Giáo dục là một trong số ít hạng mục mà người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi tiền, theo khảo sát của PBoC. (Ảnh: Getty Images).

Theo PBoC, các quan chức đã khảo sát khoảng 20.000 người có tiền gửi ngân hàng tại 50 thành phố lớn, vừa và nhỏ trên cả nước. Kết quả mới nhất được công bố vào giữa tuần này.

Một động lực lớn dẫn đến tâm lý thận trọng của người tiêu dùng Trung Quốc là sự lo lắng về thu nhập trong tương lai. Bằng một số tính toán, cuộc khảo sát của PBoC cho thấy kỳ vọng thu nhập của người dân đang đi xuống.

Theo cơ sở dữ liệu CEIC, chỉ số về triển vọng việc làm của khảo sát trên đã tụt xuống còn 44,5% - mức thấp nhất kể từ quý I/2009 (42,2%).

Trong khi đó, tỷ lệ những người tham gia phỏng vấn có xu hướng chi tiêu nhiều hơn chỉ tăng nhẹ 0,1 điểm % so với quý I, lên 23,8%.

Nếu người dân Trung Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu trong ba tháng tới, thì lựa chọn phổ biến nhất là giáo dục, tiếp theo là chăm sóc sức khoẻ và các mặt hàng có giá trị lớn, khảo sát chỉ ra.

Mặt khác, xu hướng đầu tư của người tiêu dùng đã giảm 3,7 điểm % xuống còn 17,9% trong quý II, và chứng khoán là tài sản đầu tư kém hấp dẫn nhất trong mắt họ.

Tỷ lệ thất nghiệp ở 31 thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã vượt mức cao nhất kể từ đại dịch lên 6,9% trong tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi tiếp tục tăng, đạt khoảng 18,4% trong tháng 5.

Đốc thúc người trẻ đi làm

Để giải quyết tình trạng thất nghiệp ở người trẻ, cơ quan hoạch định kinh tế của Trung Quốc sẽ thực hiện một “chính sách hỗ trợ” nhằm giúp doanh nghiệp ổn định và mở rộng số lượng nhân viên, ông Yang Yinkai - Phó Tổng thư ký của Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho hay.

Theo ông Yang, các doanh nghiệp nhỏ tạo việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp và đáp ứng các điều kiện khác có thể được hưởng ưu đãi từ chính phủ. Vị quan chức nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ thực hiện các khoá đào tạo nghề và đẩy nhanh tốc độ tuyển dụng công chức và giáo viên cho các trường từ mẫu giáo đến trung học cơ sở.

Đầu tháng 6, Bắc Kinh cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước tăng cường tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học trong năm nay, theo CNBC.

Trong một tuyên bố khác, PBoC cũng giới thiệu một số biện pháp kích thích thị trường việc làm như giúp người lao động nhập cư và sinh viên mới tốt nghiệp đủ điều kiện nhận các khoản vay khởi nghiệp ở những khu vực xa quê hương của họ.

Ngoài ra, PBoC còn thông báo sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại gia hạn thời hạn trả nợ cho các công ty nhỏ và tài xế xe tải, cũng như các khoản vay tiêu dùng và thế chấp cho nhà ở cá nhân.

Khả Nhân