|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đừng hy vọng Trung Quốc sẽ giải cứu nền kinh tế toàn cầu như năm xưa

17:11 | 28/04/2022
Chia sẻ
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã trở thành "vị cứu tinh" cho nền kinh tế toàn cầu. Song, lần này chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình khó có thể lặp lại thành tựu cũ.

Chuyện xưa cũ

Năm 2009, sau khi Lehman Brothers phá sản, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã thành công cứu vãn nền kinh tế toàn cầu khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính khủng khiếp.

Điều đó cho phép Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới, ngay tại thời điểm phần còn lại đều đang chật vật vượt qua khó khăn.

Cụ thể, sau một thời gian suy thoái ngắn (nhưng mạnh) vào năm 2008, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 9,4% trong năm 2009 và 10,6% trong năm 2010. Đà bứt tốc của Trung Quốc đã trở thành “vị cứu tinh”, giúp một loạt quốc gia khác tránh được suy thoái kinh tế.

 

Yếu tố chủ chốt đằng sau thành công đáng ghen tị của Trung Quốc là chương trình kích thích quy mô lớn được Bắc Kinh giới thiệu vào quý IV/2008 và thực hiện xuyên suốt hai năm 2009 - 2010.

Tổng quy mô kích thích đạt khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 586 tỷ USD), bao gồm 1.180 tỷ nhân dân tệ nguồn vốn của chính quyền trung ương cộng với đóng góp của chính quyền các địa phương và tín dụng ngân hàng.

Sau cùng, gói kích thích đã tăng lên tương đương 27% GDP. Về mặt tương đối, đây là gói kích cầu lớn nhất thế giới thời điểm đó, gấp ba lần quy mô hỗ trợ tài khóa của Mỹ, số liệu của OECD chỉ ra.

Theo lời kêu gọi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhằm thực hiện kích thích “lớn, nhanh và hiệu quả”, chương trình đã được triển khai với lực lượng hùng hậu trong thời gian kỷ lục.

Cùng với việc Bắc Kinh bơm tài khóa khủng, các ngân hàng nhà nước cũng mở rộng thanh khoản và tổng tín dụng đã tăng hơn 30% trong năm 2009. Đầu tư của các địa phương cũng vượt xa kỳ vọng.

Nhờ nhu cầu nguyên liệu thô rất lớn của Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế toàn đã nhận được cú hích, tạo cơ sở cho cuộc phục hồi ở những nước như Brazil và Đức. Một số quốc gia như Australia cũng tránh được suy thoái gần như hoàn toàn nhờ vào hoạt động thương mại với đất nước tỷ dân.

Kết quả là, tăng trưởng GDP thế giới đã đảo chiều ngoạn mục từ mức -1,3% năm 2009 lên gần 4,5% trong năm 2010. Trong nhiều năm sau đó, tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức dương.

Tại một cuộc họp của Viện Xã hội Mở năm 2010, huyền thoại đầu tư George Soros từng nhận xét một cách đầy ngưỡng mộ về Trung Quốc: “Chính phủ nước họ làm việc tốt hơn chính phủ Mỹ”.

Chuyện bây giờ

Tua nhanh đến ngày hôm nay. Nền kinh tế thế giới một lần nữa lâm vào tình thế chật vật. Trong bối cảnh lạm phát đạt mức đỉnh lịch sử tại nhiều nước phát triển, các ngân hàng trung ương (NHTW) đang trở nên “diều hâu” hơn.

Khi các NHTW như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nỗ lực áp dụng chính sách tiền tệ để đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu, nền kinh tế ở các khu vực tương ứng có thể rơi vào suy thoái.

Cùng lúc đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện đang cảnh báo về nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ tại nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi do hậu quả của việc giá năng lượng và lương thực tăng đột biến sau khi Nga tấn công Ukraine.

 

Thật không may, lần này, nền kinh tế tỷ dân không thể một lần nữa đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế thế giới. Bị bao vây bởi những vấn đề riêng, Trung Quốc thậm chí có thể trở thành một “đá tảng” đối với tăng trưởng hơn là giải pháp để thúc đẩy kinh tế đi lên.

Ngay từ trước làn sóng COVID mới nhất cũng như chiến sự giữa Nga và Ukraine nổ ra, giới chức trách Trung Quốc đã nhận thấy mô hình tăng trưởng của nước này phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng và thị trường bất động sản.

Mô hình đó dẫn đến việc tín dụng của khu vực tư nhân trong một thập kỷ qua đã tăng lên tương đương 100% GDP, tức là đi nhanh hơn cả tốc độ từng xuất hiện trước khi bong bóng bất động sản bùng nổ ở Nhật Bản và Mỹ lần lượt vào năm 1992 và 2006.

Chính sách tăng trưởng của Trung Quốc cũng khiến lĩnh vực bất động sản chiếm tới 30% nền kinh tế nội địa và tỷ lệ giá nhà so với thu nhập ở các thành phố lớn còn cao hơn cả New York hay London. Một hệ lụy khác khi bất động sản quá nóng là Trung Quốc đang có khoảng 65 triệu căn nhà bị bỏ trống.

Mô hình tăng trưởng phụ thuộc tín dụng và bất động sản của Trung Quốc dường như đã hết hơi vào cuối năm ngoái. Tăng trưởng GDP chững lại còn 4% vào quý cuối cùng của năm 2021, thấp hơn một nửa so với mức trung bình 8% trong thập kỷ qua.

Làn sóng vỡ nợ trên thị trường bất động sản cũng là một bằng chứng khác. Trong số đó đáng chú ý nhất là vụ việc của Evergrande - tập đoàn địa ốc nặng nợ nhất thế giới với khối nợ khoảng 300 tỷ USD.

 

Việc chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng cân bằng hơn sẽ không dễ dàng với Trung Quốc. Môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức và loạt cú sốc trong nước đang cản trở chính quyền Bắc Kinh.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ở thời điểm này là chiến lược Zero COVID. Đến nay, gần 400 triệu dân tại hơn 20 tỉnh thành của Trung Quốc đã bị phong tỏa, dẫn đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng lẫn xuất khẩu đều bị gián đoạn trầm trọng.

Chiến dịch trấn áp các công ty công nghệ, dạy học tư nhân,… của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đè nặng lên tâm lý doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu đang lo ngại dòng vốn ồ ạt tháo chạy ra khỏi Trung Quốc như một hệ lụy từ kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.

 

Trong khi đó, một trong các cú sốc bên ngoài mà Trung Quốc đang phải chịu là giá dầu thô, ngũ cốc và kim loại đã tăng đột biến do ảnh hưởng của chiến sự tại Đông Âu. Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Giá cả hàng hóa quốc tế leo thang là điều cuối cùng mà một nền kinh tế đang gặp khó khăn muốn chứng kiến.

Một loạt ngân hàng mà CNBC khảo sát đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Trung Quốc, ước tính trung vị là 4,5%. Tuy nhiên, toàn bộ đều thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5,5% mà chính quyền Bắc Kinh đã đề ra.

Tất cả các dữ kiện trên cho thấy sắp tới, thế giới có thể đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế khá “đồng bộ” mà ngay cả nền kinh tế Trung Quốc cũng không thể ra tay cứu giúp, thay vào đó, chính họ cũng có thể rơi vào nghịch cảnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê