|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

9 dự án đường sắt dự kiến khởi công trước năm 2030 có quy mô như thế nào?

19:58 | 02/04/2025
Chia sẻ
Bên cạnh 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài khoảng 2.440 km, từ nay đến năm 2030, mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ triển khai thêm 9 tuyến mới.

Hiện tại, cả nước có 7 tuyến đường sắt với tổng chiều dài khoảng 2.440 km, bao gồm: tuyến Hà Nội - TP HCM dài 1.726 km, tuyến Hà Nội - Lào Cai dài 296 km, tuyến Hà Nội - Hải Phòng dài 102 km, tuyến Hà Nội - Thái Nguyên dài 55 km, tuyến Hà Nội - Lạng Sơn dài 167 km, tuyến Kép - Chí Linh dài 38 km và tuyến Kép - Lưu Xá dài 56 km.

Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, từ nay đến năm 2030, nước ta dự kiến khởi công 9 dự án đường sắt quốc gia trên toàn mạng lưới, bao gồm: tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân, tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến TP HCM - Cần Thơ, tuyến Biên Hoà - Vũng Tàu, tuyến Vũng Áng - Mụ Giạ và tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt.

Vậy theo kế hoạch, những tuyến đường sắt mới này sẽ có quy mô đầu tư như thế nào?

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam 

Hướng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam đoạn qua TP Đà Nẵng. (Ảnh: Báo Giao thông).

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Quốc hội khoá XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8.

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541 km, với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án là đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hoá, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, có thể vận tải hàng hoá khi cần thiết.

Dự án dự kiến đi qua 20 tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM. Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha. 

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 1,71 triệu tỷ đồng, tương ứng khoảng 67,34 tỷ USD, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, như trong quá trình thực hiện, Thủ tướng được quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hàng năm cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hàng năm không đáp ứng tiến độ.

Đồng thời, Chính phủ được huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài. Ngoài ra, có thể sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương hàng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: VGP).

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo Nghị quyết, dự án có chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km, chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km. Dự án được đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm, vận chuyển chung hành khách, hàng hoá.

Tuyến có điểm đầu là điểm nối ray với Trung Quốc (TP Lào Cai), điểm cuối tại ga cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.

Theo thiết kế, dự án có vận tốc 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại.

Dự án được thực hiện theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 203.231 tỷ đồng, tương đương khoảng 8,39 tỷ USD. Đồng thời, dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt. Dự án được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành dự án chậm nhất vào năm 2030.

Đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội

Phối cảnh tổ hợp ga Ngọc Hồi. (Ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội).

Dự án đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội có điểm đầu tuyến tại ga Ngọc Hồi, điểm cuối tuyến tại ga Kim Sơn (Hà Nội), với tổng chiều dài khoảng 31 km, tốc độ tàu khách khoảng 120 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 80 km/h.

Dự án dự kiến khởi công dự án năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2032.

Đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân

Một cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có điểm đầu tuyến tại ga Yên Viên (Hà Nội), điểm cuối tuyến tại ga Cái Lân (Quảng Ninh). Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 131 km, khổ lồng 1435 mm và 1000 mm, tốc độ thiết kế 120 km/h cho tàu khách và 80 km/h cho tàu hàng.

Truớc đó, dự án đã được Thủ tướng cho phép đầu tư tại Văn bản số 75 ngày 9/1/2004 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án có tổng vốn đầu tư 7.665 tỷ đồng, được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Công trình đã được khởi công vào năm 2005, dự kiến hoàn thành đầu năm 2012. Tuy nhiên, tới năm 2011, dự án đã bị đưa vào danh sách phải đình hoãn, giãn tiến độ theo chủ trương cắt giảm đầu tư công.

Đầu năm nay, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã báo cáo Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường sắt này. Trong đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng xem xét đưa dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, tạo cơ sở để bố trí vốn và hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, về quy mô đầu tư, dự án hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân), chỉ xem xét đầu tư 3 tiểu dự án còn lại. 

Trong đó, tiểu dự án 4 (đoạn Yên Viên - Lim) đi trùng với quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, hiện chưa cần phải đầu tư mà vẫn đáp ứng yêu cầu về khai thác. Tiểu dự án 2 và 3 cần nghiên cứu đầu tư theo hướng xây dựng mới đoạn Lim - Phả Lại và nâng cấp, cải tạo tuyến cũ đoạn Phả Lại - Hạ Long.

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất nghiên cứu điều chỉnh từ đường đơn khổ lồng thành đường đơn khổ tiêu chuẩn 1.435 mm và điều chỉnh chức năng, vị trí của một số ga dọc tuyến phù hợp với nhu cầu.

Với những thay đổi trên, Bộ Xây dựng ước tính cần thêm khoảng 4.000 tỷ đồng. Tính chung cả khối lượng đã thực hiện trước đây, sơ bộ tổng chi phí đầu tư dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân khoảng 8.300 tỷ đồng.

Hiện tại, Bộ Xây dựng giao Ban Quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt, tiếp tục đầu tư tuyến. Dự án phấn đấu khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2030.

Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành

Dự kiến hướng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, điểm đầu tuyến tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), điểm cuối tuyến tại ga Long Thành (nằm giữa sân bay Long Thành, Đồng Nai). 

Đây là dự án đường sắt đô thị, có chiều dài khoảng 42 km, thiết kế đường đôi, khổ đường 1.435 mm, tốc độ thiết kế 120 km/h với 20 ga. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án khoảng 84.752 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,5 tỷ USD.

Dự án đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 10 năm nay, phấn đấu khởi công năm 2027 và hoàn thành năm 2030.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP HCM là cơ quan chủ quản đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và bổ sung dự án vào quy hoạch đường sắt đô thị TP HCM.

Đường sắt TP HCM - Cần Thơ

Hướng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ có điểm đầu tuyến tại ga An Bình (Bình Dương) và điểm cuối tuyến tại ga Cần Thơ (Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố, gồm: Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Hiện tại, dự án đang được liên danh tư vấn TEDI SOUTH - TRICC - TEDI lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, phấn đấu khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2032.

Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ sẽ có chiều dài khoảng 174 km, vận tốc thiết kế 120 km/h đối với tàu hàng và 160 km/h đối với tàu khách. Năng lực thông qua dự kiến đến năm 2055 khoảng 26,148 triệu tấn hàng hoá/năm và 18,324 triệu hành khách/năm.

Dự án được đầu tư thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là xây dựng đường đơn và giải phóng mặt bằng tổng thể, giai đoạn 2 là đầu tư nâng cấp toàn tuyến lên đường đôi. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án ở cả hai giai đoạn khoảng 238.616 tỷ đồng, tương đương khoảng 9,84 tỷ USD.

Đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu

Hướng tuyến đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai).

Dự án đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu có điểm đầu tuyến tại ga Trảng Bom (Đồng Nai), điểm cuối ga Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), với tổng chiều dài tuyến khoảng 132 km.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu có tốc độ tàu khách khoảng 160 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 120 km/h. Dự án có quy mô đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa. Tổng mức đầu tư khoảng 143.371 tỷ đồng.

Hiện tại, dự án đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư. Công trình phấn đấu khởi công trước năm 2030, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ

Tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Dự án đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Vientiane - Vũng Áng, nằm trong tổng thể dự án đường sắt Việt - Lào. 

Tuyến đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ có điểm đầu tại ga Vũng Áng (Hà Tĩnh), điểm cuối tại ga Mụ Giạ (Quảng Bình), với tổng chiều dài tuyến khoảng 105 km, đường đơn khổ đường 1435 mm, tốc độ tàu khách khoảng 120 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 80 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.

Hiện tại, nhà đầu tư đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trước đó, tháng 10/2023, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã chấp thuận Liên danh Công ty Thương mại Dầu khí Lào - CTCP Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP. 

Tuyến đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ phấn đấu khởi công trước năm 2030, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt

Ga Đà Lạt. (Ảnh: Báo Lâm Đồng).

Dự án đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, điểm đầu tuyến tại ga Tháp Chàm (Ninh Thuận), điểm cuối tuyến tại ga Đà Lạt (Lâm Đồng). Công trình có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 84 km, đường đơn khổ đường 1000 mm, tốc độ tàu khách khoảng 120 km/h, tốc độ tàu hàng khoảng 80 km/h. 

Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt do người Pháp xây dựng, chính thức hoàn thành vào năm 1932. Toàn tuyến có ba đoạn với tổng chiều dài 16 km, chạy trên những cung đường sắt răng cưa với độ dốc 12%. Đến năm 1986, gần như toàn bộ đường ray và tà vẹt trên tuyến đường sắt này đã bị tháo gỡ. Hiện tại, chỉ còn đoạn Trại Mát - Đà Lạt dài khoảng 7 km đang khai thác tàu du lịch.

Ngày 6/7/2022, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã có văn bản chấp thuận việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, theo phương thức đối tác công - tư (PPP) với tổng kinh phí 27.000 tỷ đồng. Dự án cũng được Thủ tướng phê duyệt vào quy hoạch vào mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769 ngày 19/10/2021, 

Hiện tại, nhà đầu tư đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, phấn đấu khởi công trước năm 2030, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.

Anh My