COVID-19 hoành hành nhưng tăng trưởng vẫn đẹp như mơ, dữ liệu của Trung Quốc đáng tin hay không?
Theo Bloomberg, từ trước đến nay độ tin cậy của các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc vẫn thường xuyên bị đặt dấu hỏi. Dữ liệu được công bố vào ngày 18/4 có vẻ đặc biệt đáng ngờ. Trung Quốc thông báo tăng trưởng GDP tăng tốc từ 4% quý IV/2021 lên 4,8% trong ba tháng đầu năm 2022, bất chấp doanh số bất động sản đi xuống và hàng chục thành phố bị phong tỏa.
Với khả năng tiếp cận dữ liệu từ vệ tinh, khảo sát độc lập và sản lượng công nghiệp, các nhà quan sát hiện đã có thể phát hiện những điểm "cần sửa" trong dữ liệu chính thức. Thông tin của họ cho thấy thực tế tồi tệ hơn bức tranh mà các quan chức vẽ ra, tuy một số con số có vẻ đáng tin. Dưới đây là một vài bất cập trong số liệu chính thức của nền kinh tế thứ hai thế giới.
Với ngành bất động sản và nhu cầu dành cho vật liệu chiếm đến 20% GDP, phần còn lại của kinh tế Trung Quốc phải tăng trưởng với tốc độ 7 đến 8% mới tạo ra được con số tăng trưởng chính thức 4,8% trong quý I. Ông Logan Wright, trưởng bộ phận thị trường Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Rhodium Group, cho rằng sự tăng tốc kiểu này “cực kỳ khó xảy ra”.
Mục tiêu tăng trưởng 5,5% toàn năm 2022 của Trung Quốc có vẻ là quá sức ngay cả trước khi Omicron bắt đầu lây lan vào tháng 3. Ước tính chung từ các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát là 4,9%.
Bắc Kinh chưa bao giờ điều chỉnh mục tiêu GDP giữa chừng và chỉ một lần duy nhất thừa nhận không đạt được kỳ vọng vào năm 1998, sau khủng hoảng tài chính châu Á. Với kỳ họp quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm nay, các quan chức địa phương có động lực lớn để báo cáo con số phù hợp với chỉ tiêu được giao.
Ông Wright nói: “Rõ ràng luôn có yếu tố chính trị đằng sau thông điệp của Trung Quốc về tăng trưởng. Nếu chính trị càng có ảnh hưởng lớn trong năm 2022, thì độ tin cậy trong lâu dài của dữ liệu càng đáng ngờ”.
Một số nhà kinh tế đã cáo buộc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc dùng công thức giảm phát GDP để làm giảm mức độ biến động của chuỗi dữ liệu danh nghĩa. Thay vào đó, công ty nghiên cứu kinh tế Pantheon Macroeconomics sử dụng dữ liệu giá cả công khai và ước lượng rằng tăng trưởng quý I là 2,4% - bằng một nửa con số chính thức.
Phần lớn GDP Trung Quốc đến từ ngành dịch vụ, do đó theo dõi chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình là điều quan trọng. Theo số liệu chính thức, thu nhập khả dụng thực tế tăng 5,1% trong quý I. Nhưng các ước tính độc lập thì đưa ra con số khác. Khảo sát hộ gia đình của Credit Suisse Group tại 56 thành phố cho thấy trung bình tăng trưởng thu nhập trong cùng giai đoạn chỉ là 1%.
Trung Quốc tiết lộ sản lượng hàng tháng của hàng chục sản phẩm, bao gồm quần áo và robot công nghiệp. Trung Quốc cũng báo cáo sản lượng công nghiệp tổng thể trong ba tháng đầu năm tăng 6,5% - tương đương tốc độ trước đại dịch. Các nhà phân tích cho biết số liệu thành phần là chính xác, nhưng tổng thể thì chưa chắc.
Rhodium kết hợp khối lượng hàng tháng với các thước đo về quy mô của các lĩnh vực khác nhau để tạo ra phép đo của riêng mình. Phép đo này cho thấy sản lượng công nghiệp trong ba quý gần đây có tăng trưởng nhưng chỉ đạt một nửa tốc độ trước đại dịch.
Tăng trưởng của Trung Quốc phụ thuộc vào đầu tư hơn hầu hết các nền kinh tế lớn khác, nhưng “đầu tư tài sản cố định” của nước này có lẽ là tập dữ liệu đáng ngờ nhất. Chỉ tiêu này tăng 9,3% trong quý I so với một năm trước, mặc cho sản lượng của vật liệu xây dựng giảm ít nhất 10%. Công ty Foursquare, sử dụng vệ tinh để theo dõi các công trường xây dựng ở ba khu vực kinh tế hàng đầu Trung Quốc, ghi nhận sự suy giảm 57% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước.
Ông Carsten Holz, chuyên gia về thống kê tại Đại học Khoa học & Công nghệ Hong Kong cho biết lý do chính khiến dữ liệu đầu tư không đáng tin cậy là chúng phụ thuộc rất nhiều vào báo cáo của chính quyền địa phương. Và hiện nay, chính quyền địa phương Trung Quốc “đang chịu áp lực cực lớn để giữ cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và có thể một lần nữa bị cám dỗ để làm giả một vài dữ liệu”.