|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Cơn bão mùa hè’ từ Trung Quốc đổ bộ, chuỗi cung ứng lại chực ngã đổ

14:09 | 26/04/2022
Chia sẻ
Chính sách kiểm dịch hà khắc của Trung Quốc lại đang tạo ra một mùa hè hỗn loạn khác cho chuỗi cung ứng giữa châu Á, Mỹ và châu Âu, thậm chí thiệt hại có thể khủng khiếp hơn cú sốc năm ngoái.

Họa vô đơn chí

Chiến lược không khoan nhượng của Bắc Kinh đối với đại dịch đang gây náo loạn. Tình trạng tắc nghẽn cảng biển ở Trung Quốc, kết hợp với chiến sự Nga - Ukraine, là họa vô đơn chí cho nền kinh tế toàn cầu, thậm chí có nguy cơ làm chệch đà phục hồi vốn đang bị co kéo giữa áp lực lạm phát và các trở ngại về tăng trưởng khác.

Bloomberg cảnh báo, ngay cả khi dịch bệnh tại Trung Quốc được kiểm soát, sự gián đoạn sẽ lan rộng trên toàn cầu và kéo dài trong suốt năm 2022, khi các tàu chở hàng bị ùn ứ bắt đầu hoạt động trở lại.

Ông Jacques Vandermeiren, CEO của Antwerp - cảng biển nhộn nhịp thứ hai châu Âu về khối lượng container, cho hay: “Chúng tôi dự đoán năm nay sẽ lộn xộn hơn năm ngoái. Tác động tiêu cực lớn cho cả năm”.

Trung Quốc chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu. Hiện giờ, chiến lược Zero COVID của nước này đã khiến một loạt nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải đình đốn và tình trạng ùn ứ container trở nên trầm trọng hơn. Các cảng biển của Mỹ và châu Âu đã bị tắc từ trước, khiến chúng dễ bị tác động bởi các cú sốc mới hơn.

Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải. (Ảnh: Getty Images). 

Bà Julie Gerdeman, CEO của hãng phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics, bình luận: “Một khi hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc được nối lại và một lượng tàu thuyền đáng kể lên đường đến các cảng ở bờ Tây của Mỹ, chúng tôi dự đoán thời gian chờ đợi cập cảng sẽ tăng chóng mặt”.

Trong ngắn hạn, các vấn đề trên sẽ làm đau đầu doanh nghiệp và gây tốn kém cho lĩnh vực thương mại hàng hóa toàn cầu quy mô 22.000 tỷ USD. Trong dài hạn, sự hỗn loạn này sẽ vẽ lại các đường nét của nền kinh tế thế giới, thậm chí có thể đặt dấu chấm hết cho xu hướng toàn cầu hóa.

 

Thời khắc đen tối

Theo ông Wang Xin, người đứng đầu Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến (một tổ chức đại diện cho khoảng 3.000 nhà xuất khẩu), mặc dù lệnh phong tỏa ở trung tâm công nghệ này chỉ kéo dài một tuần, “nhiều người bán đã phải chịu cảnh giao chậm hàng một tháng”.

Từ thời điểm rời khỏi nhà máy ở châu Á, một đơn hàng đang mất trung bình 111 ngày để đến kho tại Mỹ, suýt soát mức kỷ lục 113 ngày xác lập vào tháng 1 năm nay và cao gấp đôi so với con số của năm 2019, công ty giao nhận hàng hóa Flexport cho biết.

Hành trình “tây tiến” của một lô hàng từ Trung Quốc đến châu Âu thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn, cụ thể là 118 ngày - gần sát mức kỷ lục hiện thời.

 

Hàng dài tàu thuyền chờ đợi ngoài khơi Trung Quốc cũng không giúp ích hơn. Số lượng tàu hàng neo đậu còn tăng vọt lên sau khi Thượng Hải, nơi có cảng container lớn nhất thế giới, bắt đầu phong tỏa toàn thành hồi cuối tháng trước.

Dữ liệu vận tải biển từ Bloomberg cho thấy, tổng số tàu container cập cảng và ra khỏi khu neo đậu chung của cảng Thượng Hải với cảng Ninh Ba gần đó là 230 tàu, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, theo nền tảng hàng hải project44, các container phải chờ trung bình 12,1 ngày tại cảng Thượng Hải trước khi chúng được xe tải vận chuyển đến các cơ sở sản xuất trong đất liền.

Số liệu của ngày 18/4 cao gấp ba lần so với khoảng 4,6 ngày ghi nhận ngày 28/3. Tình trạng thiếu hụt xe tải chở hàng cũng làm tê liệt nỗ lực cung ứng nguyên liệu thô cho các nhà máy cũng như vận chuyển các hàng hóa lớn như xe hơi và đồ điện tử lên tàu biển.

Phải mất 118 ngày để một lô hàng từ châu Á đến được châu Âu. (Ảnh: Getty Images).

Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cũng bị liên lụy, khi các đơn giao đến sân bay quốc tế Phố Đông Thượng Hải đều tạm dừng, công ty vận tải Dimerco Express thông tin thêm. Tình trạng tắc nghẽn đó còn lan sang Thâm Quyến, khi thành phố này phải xử lý các đơn hàng ùn ứ ở Thượng Hải.

Ông Donny Yang, Giám đốc cấp cao của Dimerco, cho rằng để giảm bớt ách tắc ở Thượng Hải, hàng hóa đường biển nên được chuyển đến Ninh Ba và Thái Thương gần đó. Đồng thời, chính quyền trung ương phải chỉ đạo để các tuyến đường cao tốc luôn hanh thông.

Tình hình ở Mỹ cũng không khá hơn, Bloomberg nhấn mạnh. Tổng số tàu container tại cặp cảng Los Angeles - Long Beach ngày 20/4 là ít nhất 57 chiếc, mức cao nhất kể từ cuối tháng 2. Một vài chỉ số khác như thời gian lưu lại bến cảng của container cũng đang tăng mạnh trở lại.

Một số tàu bị ùn ứ tại California đã di chuyển về phía đông để tìm kiếm các tuyến đường đi nhanh hơn. Dữ liệu từ MarineTraffic gần đây cho thấy một sự đảo ngược đáng chú ý: bờ Đông của Mỹ đã vượt bờ Tây về lượng tàu container đang neo đậu chờ hạ tải.

 

Chuỗi cung ứng tại châu Âu cũng nghiêm trọng không kém, chưa kể còn bị ảnh hưởng bởi chiến sự giữa Nga và Ukraine. Các cảng chính như Rotterdam, Hamburg, Antwerp và ba cảng ở Anh đều đang hoạt động toàn hoặc vượt công suất. Điều này đồng nghĩa rằng châu Âu cũng đang phải vật lộn để tiếp nhận thêm container vì không còn chỗ chứa.

Trong một phát biểu cuối tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết lục địa già còn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu hơn cả Mỹ.

Bà Lagarde nói, tỷ trọng của thương mại trong tổng sản lượng kinh tế khu vực đồng euro đã tăng từ khoảng 31% trong hai thập kỷ trước lên 54% vào năm 2019. Trong khi đó, tỷ trọng của Mỹ chỉ nhích thêm 3 điểm % lên 26%.

Chủ tịch ECB cũng trích dẫn một cuộc khảo sát mới, cho thấy 46% doanh nghiệp Đức đã đầu tư đáng kể vào Trung Quốc. Trong đó, gần một nửa có kế hoạch giảm phụ thuộc vào nguồn cung hàng hóa của đất nước tỷ dân.

Giờ đây, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine càng thúc giục các doanh nghiệp châu Âu tìm kiếm những nhà cung ứng giá thành rẻ, tập trung tại những nước có liên minh địa chính trị với khối.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê